Đầu tư khởi nghiệp: Dám mạo hiểm để thành công

ANTĐ - Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân bên lề lễ ra mắt trụ sở làm việc của những người thực hiện đề án Thung lũng Silicon (VSV) tại Việt Nam, diễn ra chiều 15-11. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Việt Nam có rất nhiều người trẻ tài năng, có ý tưởng sáng tạo, nhưng họ cần được sự quan tâm đầu tư để biến ý tưởng thành sản phẩm, thành giá trị kinh tế.

Đầu tư khởi nghiệp: Dám mạo hiểm để thành công ảnh 1Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân lắng nghe báo cáo về VSV

- PV: Khái niệm đầu tư mạo hiểm còn khá mới mẻ tại Việt Nam, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Bộ trưởng Nguyễn Quân: Làm khoa học là phải chấp nhận rủi ro và thất bại. Quan trọng là làm sao trong số hàng chục dự án được đầu tư phải có một vài dự án thành công có thể đem lại lợi ích, lợi nhuận bù đắp cho những rủi ro trước đó. Đầu tư mạo hiểm thực chất là khoản đầu tư mang tính phiêu lưu, chứa trong đó yếu tố thành công. Để nhận thức của xã hội làm quen được với khái niệm đầu tư mạo hiểm, Nhà nước phải đi trước một bước, làm mẫu trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm để nhà đầu tư tư nhân nhìn thấy lĩnh vực này được Nhà nước quan tâm, bảo vệ và họ dành nguồn lực để đầu tư cùng Nhà nước.


- Cụ thể, Nhà nước cần đi trước một bước như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Từ trước đến nay, hầu hết với các dự án đầu tư từ vốn Nhà nước, nếu thất bại, nhiều ý kiến sẽ cho rằng nhà quản lý thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, vì vậy người quản lý ngân sách Nhà nước và người làm khoa học không dám tiếp nhận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Vấn đề là chúng ta phải có hệ thống điều chỉnh, khống chế, quản lý để trong số các dự án đầu tư phải có dự án thành công, không để đầu tư bao nhiêu, thất bại bấy nhiêu. 


- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển KH-CN của Việt Nam?

- Việt Nam có tiềm năng to lớn. Chúng ta có những người trẻ đam mê khoa học, nhiều người đã thành công, nhưng chỉ tiếc là thành công ở nước ngoài, còn ở trong nước họ lại gặp khó khăn. Với lực lượng trẻ, có trình độ cao, được đào tạo bài bản, họ sẽ trở thành những nhà khởi nghiệp thành công.

Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV) được thí điểm thực hiện để đi những bước đầu tiên trên hệ sinh thái khởi nghiệp, có tham khảo kinh nghiệm từ Israel, Hàn Quốc. 2 năm qua, đề án đã có thành công bước đầu, chứng tỏ khi có người trợ giúp, hướng dẫn và nhà đầu tư thì chúng ta sẽ có sản phẩm tốt. Có những người, ban đầu chỉ có ý tưởng về một sản phẩm, nhưng qua đào tạo đã trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp, dù còn sơ khai. Có doanh nghiệp được nhà đầu tư định giá gấp 20-30 lần, có doanh nghiệp mới tốt nghiệp VSV, được nhà đầu tư định giá hàng triệu USD.

Lễ ra mắt trụ sở của VSV tại Việt Nam đánh dấu Việt Nam

Chính thức có thị trường đầu tư mạo hiểm với vai trò không thể thiếu của các nhóm khởi nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà đầu tư. Đề án VSV được phê duyệt từ năm 2013 và thực hiện đến năm 2018 với tổng kinh phí 60 tỷ đồng.

Đề án đã thực hiện được 2 năm và đến nay, có 17 nhóm khởi nghiệp được đầu tư. Trong đó, 4 nhóm có sự phát triển vượt bậc, được đầu tư tiếp. Đặc biệt có 2 nhóm nhận được đầu tư 350.000 USD và 500.000 USD, được định giá 1,8 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục