Đầu tư dàn trải, sức cạnh tranh yếu

ANTĐ - Đó là nhận xét của đa số ĐBQH trong buổi thảo luận ở tổ sáng nay (24-10), về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011.

Tán thành việc thúc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, hướng tới năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, ĐB Lê Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng việc thực hiện phải dựa trên cơ sở quán triệt và thể hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới. Đặc biệt, trong cơ cấu chi NSNN của năm 2012 phải có mục tái cơ cấu kinh tế. Đánh giá về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu rõ: “Chúng ta thường dùng từ thắt chặt chi ngân sách, nhưng thực tế lại vượt chi NSNN 15%”. Về dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, ĐB Trần Du Lịch cho rằng vẫn chưa nhất quán về chính sách. Bởi lẽ, hiện tại chúng ta đang tập trung kiềm chế lạm phát, nhưng dự kiến tăng thu nội địa là 20% và như vậy là không nhất quán. “Phải chăng áp lực phải chi?” - ĐB Trần Du Lịch nêu câu hỏi.

Liên quan đến vấn đề nợ công, đầu tư và chi tiêu công, nhiều ý kiến ĐBQH đồng tình với quan điểm nếu không thay đổi với phương thức phân bổ ngân sách và thay Luật Ngân sách, thì chưa đánh giá hết hậu quả cắt giảm chi tiêu. Mặt khác, đừng để đầu tư công, chi tiêu công thành nơi kiếm lợi như nhiều con đường còn rất tốt, nhưng vẫn cứ đào lên?! Đánh giá về tình hình lạm phát tăng cao hiện nay, ĐB Bùi Thị An (TP Hà Nội) cho rằng một trong những nguyên nhân chính là lãng phí vì đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh kém bởi không dùng khoa học công nghệ (KHCN) thúc đẩy giá trị sản phẩm của Việt Nam. ĐB Bùi Thị An phân tích tính bền vững của sự phát triển kinh tế xã hội (KTXH) yếu, do vậy cần xem xét lại để đầu tư tốt hơn cho những năm tiếp theo và đầu tư sao cho hiệu quả. Đồng tình với quan điểm của ĐB Bùi Thị An, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ cần xem lại việc đầu tư công về tính dàn trải. Chẳng hạn như: nên thu bớt cái gì, đầu tư cái gì trước, cái gì sau... để đầu tư có hiệu quả. Từ những nhận xét, đánh giá nêu trên, các ĐBQH đề xuất nên tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, để sản phẩm của nước ta cạnh tranh được với thế giới.

Bàn về mức độ đầu tư của nước ta trong nhiều năm nay, ĐB Trịnh Thế Khiết (TP Hà Nội) đánh giá đã dàn trải quá mức và ngành nào cũng có. Do vậy, nền kinh tế không có sức đột phá và phát triển được. Hiện nay, tình trạng thu không đủ chi diễn ra khá phổ biến, nên nền kinh tế có sức cạnh tranh kém. Từ đó dẫn đến tình trạng quản lý thu và các nguồn thu chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ĐB Trịnh Thế Khiết, nên đầu tư cho lĩnh vực giao thông là cần thiết trong thời điểm hiện nay. Góp ý thêm vào dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, nhiều ĐBQH đề nghị cần chú ý tới vấn đề tăng thu từ các doanh nghiệp Nhà nước và đẩy mạnh quản lý vốn, tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước. Mặt khác, dự toán chi NSNN năm 2012 nên tập trung cho giao thông, nhằm tạo bước đột phá mới.

Tin cùng chuyên mục