Đầu tàu và lực cản

ANTĐ - Trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có những cải cách kịp thời để phục hồi tăng trưởng khá ngoạn mục thì những nước giàu có ở châu Âu vẫn loay hoay trong cuộc khủng hoảng nợ công trở thành lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde (thứ 2 từ trái sang)
đang trao đổi với các Bộ trưởng Tài chính châu Âu về cuộc khủng hoảng

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế tại New York (Mỹ) ngày 10-4, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo về nguy cơ tăng trưởng 3 tốc độ của kinh tế thế giới. Theo người đứng đầu IMF, kinh tế toàn cầu đã dần được cải thiện và không tiềm ẩn nhiều rủi ro song tốc độ tăng trưởng giữa các khu vực không đồng đều và điều này đã dẫn tới tình trạng tăng trưởng chênh lệch giữa các nền kinh tế thế giới. 

Bà Lagarde cho biết, nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Nhóm này đã phục hồi ngoạn mục sau khi suy giảm nhẹ trong năm 2012, chủ yếu nhờ áp dụng những cải cách kịp thời cũng như các chính sách giảm thiểu rủi ro tài chính hợp lý. 

Dù là cường quốc kinh tế số một thế giới nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng "thứ hai" song Mỹ cũng cản trở không ít tốc độ của đoàn tàu kinh tế thế giới. Tổng Giám đốc IMF còn tỏ ra lo ngại về những nguy cơ của việc cắt giảm ngân sách tại Mỹ khi cho rằng chính sách này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Các nền kinh tế thuộc Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) và Nhật Bản thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng "thứ ba". Trong đó, Eurozone là trở lực lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới do mãi loay hoay với cuộc khủng hoảng nợ công cũng như những rắc rối trong hệ thống ngân hàng.

Cảnh báo và đánh giá mới nhất của IMF được minh chứng rõ hơn từ những số liệu dự báo của các định chế tài chính và tổ chức nghiên cứu quốc tế uy tín. Trong báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á 2013" công bố ngày 9-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ tăng trưởng 6,6% năm 2013 so với mức tăng 6,1% năm 2012, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc tăng từ mức 7,8% năm 2012 lên 8,2% năm 2013.

Trong khi "đầu tàu" kinh tế châu Á tăng tốc thì các nền kinh tế Eurozone lại thành gánh nặng quá mức, cản trở sự tăng tốc của cả nền kinh tế thế giới trong năm nay. Kinh tế Eurozone chẳng những không cải thiện được tốc độ tăng trưởng chỉ vẻn vẹn 0,1% năm 2012 mà còn tệ hại hơn khi báo cáo mới nhất của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) cho rằng khu vực này thậm chí còn tăng trưởng 0,4% năm 2013.

Các nền kinh tế mới nổi, các nước phát triển tăng trưởng cao trong khi các nền kinh tế giàu có và phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay Eurozone lại ì ạch, thậm chí trở thành lực cản tốc độ tăng trưởng chung của toàn cầu là một nghịch lý khó chấp nhận. Bởi dù tăng trưởng chậm, thất nghiệp cao... song mức sống ở các quốc gia giàu có vẫn còn "một trời một vực" mức sống ở các nước đang phát triển, khu vực rất đang cần tăng trưởng nhanh để giải quyết các vấn đề cấp bách như đói nghèo, thất nghiệp, bệnh tật, ô nhiễm... 

Không sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng, Eurozone, Mỹ, Nhật Bản sẽ kìm hãm "đầu tàu" tăng trưởng nhanh nhất vì dù sao đây vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.