Đậu nành "trị" mãn kinh

ANTĐ - Đối với phụ nữ mãn kinh, tiền mãn kinh, đậu nành là món quà tuyệt diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho họ.
Đậu nành "trị" mãn kinh ảnh 1

Đậu nành là người bạn không thể thiếu với phụ nữ mãn kinh

1001 công dụng

Đậu nành là thực vật chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị như protein, các loại vitamin (vitamin B, A, E) và các nguyên tố vi lượng, acid amin thiết yếu, các acid béo không bão hòa nên tốt cho sức khỏe và giúp phòng bệnh hiệu quả. Đậu nành dễ tiêu hóa nên phù hợp với người làm việc văn phòng và người cao tuổi.

Theo Đông y, hạt đậu nành vị ngọt mát có tác dụng giải nóng, tiêu khát, trừ bỏ phù thũng, chữa lở loét, lợi tiểu... Đậu nành sẽ trở thành những bài thuốc quý nếu kết hợp nó với các dược liệu Đông y thích hợp.

Đậu nành giúp chữa suy nhược cơ thể, đổ mồ hôi trộm (đậu nành, hạt tiểu mạch, táo tàu); suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ, hồi hộp, ăn ngủ kém (đậu nành, liên nhục, hoài sơn, ý dĩ, sa nhân, sơn tra, cẩu tích)...

Đậu nành giúp điều hòa huyết áp, chống giảm trí nhớ, stress, ngăn ngừa ung thư vú.


Song hành với phụ nữ mãn kinh

Cơ thể người phụ nữ bắt đầu quá trình lão hóa khi họ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. Chức năng của buồng trứng sẽ bị suy thoái, các hoóc môn nội tiết tố cũng giảm dần khi họ trải qua tuổi 50. Phụ nữ trong độ tuổi này dễ mắc phải các bệnh: loãng xương, béo phì, tăng cân, tiểu đường, tim mạch, các bệnh phụ khoa và ung thư vú.

Đậu nành chứa nhiều vitamin E, kẽm, sắt làm cho da thêm mịn màng, hồng hào và hạn chế các nếp nhăn trên mặt. Đậu nành còn giúp kéo dài tuổi thọ, điều hòa huyết áp, chống giảm trí nhớ và stress, ngăn ngừa ung thư vú.

Trong đậu nành có chất Phytoestrogen như một chất thay thế nội tiết tố nữ. Trong các phytochemical của đậu nành, isoflavones đậu nành có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và sự xuất hiện của các triệu chứng kinh nguyệt và mãn kinh, giúp hạn chế các cơn bốc hỏa, ra nhiều mồ hôi và đổ mồ hôi về đêm, hạn chế tăng cholesterol trong máu và làm giảm loãng xương.

Phytoestrogens dạng isoflavone không gây ra các tác dụng phụ lên hệ sinh sản như trong liệu pháp estrogen dài hạn và không liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ con hay ung thư vú. Điều này làm cho đậu nành và các sản phẩm chế biến từ đậu nành thực sự trở thành sự lựa chọn an toàn, hiệu quả trong việc “đối phó” với các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh và cho sức khoẻ của phụ nữ nói chung.

Lưu ý khi dùng sữa đậu nành

Đun sôi sữa đậu nành trước khi uống

Không uống sữa đậu nành cùng với trứng

Không uống thuốc với sữa đậu nành

Không pha sữa đậu nành với đường đỏ

Nên ăn cùng với tinh bột (bánh mì, bánh ngọt) 

Những người bị tì vị hư hàn (máu lạnh) không nên dùng

Không uống quá 500ml sữa đậu nành/ngày