Đầu năm, vốn ngoại sôi động vào Việt Nam

ANTĐ - Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tháng 1-2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,334 tỷ USD, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm 2015. Đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh có tác động từ việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác phát triển, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đầu năm, vốn ngoại sôi động vào Việt Nam ảnh 1

Nhà đầu tư nước ngoài nhanh chân đón cơ hội hội nhập tại Việt Nam

Nhà đầu tư Á-Âu tìm đến Việt Nam

Trong số 3 dự án FDI đáng chú ý nhất trong tháng đầu năm 2016, có một dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may. Nhà đầu tư Singapore là Công ty TNHH Maple đã bỏ ra 110 triệu USD để đầu tư vào nhà máy sản xuất trang phục may mặc tại tỉnh Bắc Ninh. Đây được coi là một trong những dự án đón đầu FTA và TPP vì dệt may là một trong số các mặt hàng Việt Nam được hưởng lợi thế trong cam kết hội nhập. 

Trong những năm gần đây, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng tăng mạnh trên một số lĩnh vực như: công nghiệp điện tử mà đi đầu là Samsung, LG cùng các doanh nghiệp vệ tinh; phân phối, bán buôn, bán lẻ với Lotte, Shinseghe, E Mart; tài chính - bảo hiểm với sự quan tâm của Shinha, Woori, KEB, IBK, KB, Hanwha; kinh doanh bất động sản với Daewoo, GS, Posco, Hyundai... và hàng may mặc để xuất khẩu đón đầu các hiệp định FTA với Hyosung,Taekwang, Panko...

Ngoài ra, để đón bắt các cơ hội từ TPP, cuối năm 2015, nhà đầu tư Đài Loan đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến khi tham gia vào dự án giấy  Cheng Loong tại tỉnh Bình Dương với tổng số vốn 1 tỷ USD. Cheng Loong hiện có 29 nhà máy sản xuất bao bì giấy trên thế giới và chuyên cung cấp cho các tập đoàn lớn như: Apple, Nike… Đối với dòng vốn đến từ châu Âu, tính đến cuối tháng 9-2015, Liên bang Nga đứng thứ 17/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 114 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,961 tỷ USD. Chưa kể, Việt Nam cũng là điểm đến không xa lạ của các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản...

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, FDI sẽ sôi sục vào Việt Nam trong năm 2016 để chuẩn bị cho việc thực hiện các FTA, mà dễ nhận thấy nhất là xu hướng chuyển dịch các chuỗi giá trị của FDI và chuyển dịch một số khâu sản xuất sang Việt Nam. Diễn biến tình hình đầu tư những tháng đầu năm 2016 đã phần nào khẳng định dự báo này.

Nhanh chân hội nhập

Trong nhiều năm qua, thu hút FDI vẫn là một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Thủ tục thông thoáng, thời gian rút ngắn, chi phí lao động thấp... là những lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là từ khi Việt Nam tập trung cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ. Theo đánh giá của các nhà đầu tư Hàn Quốc, 10 năm qua, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được hạ tầng để phát triển một số ngành công nghiệp theo chuỗi sản phẩm như: công nghiệp điện, điện tử, dệt may...

Và trong tương quan so sánh với các nước ASEAN có thu nhập dưới 10.000 USD/người/năm như: Indonesia, Myanmar, Lào, Campuchia về cơ hội và môi trường đầu tư thì Việt Nam trội hơn hẳn. Chẳng hạn, Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng dài hạn của Myanmar, nhưng đây chỉ là thị trường mới nổi, hệ thống hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin, xã hội rất kém phát triển. Hoặc với Philippines, quốc gia có thị trường lớn, Hàn kiều sinh sống tại đây khoảng 30 vạn người, gấp 2 lần so với Việt Nam, nhưng Philippines là đất nước “hưởng thụ”, khó vượt qua ngưỡng phát triển trung bình.

Đối với Lào, môi trường đầu tư được đánh giá có cải thiện tốt, nhưng quy mô thị trường quá nhỏ, sức mua yếu, hạ tầng kém phát triển lại không có biển nên tiềm năng đầu tư hạn chế. Tháng 5-2015, Việt Nam - Hàn Quốc ký Hiệp định Thương mại tự do (VKFTA). Sau đó, Việt Nam trở thành thành viên của TPP, ký kết FTA với EU. Các FTA này như một chất xúc tác đưa đến những kỳ vọng hợp tác thương mại, đầu tư có chất lượng, có chiều sâu hơn trong con mắt của nhà đầu tư Hàn Quốc. 

Đầu tháng 12-2015, tại báo cáo có tiêu đề “Hội nhập kinh tế châu Á năm 2015”, chuyên gia kinh tế Shang-Jin Wei của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng nhận định, TPP sẽ khiến luồng vốn đầu tư vào những ngành công nghiệp sử dụng lao động chi phí thấp như: dệt may và giày dép sẽ bắt đầu chuyển hướng từ Trung Quốc sang những “bến đỗ” mới như: Malaysia và Việt Nam. Năm 2016 mới bắt đầu và FDI đang mang theo những tín hiệu khởi sắc cho nền kinh tế.