Đầu năm, vật vờ trong giá rét ở chợ lao động

ANTĐ -Sau Tết tranh thủ thời gian ở quê nhàn rỗi, nhiều lao động ở nông thôn lại lên Thủ đô “tìm việc”. Nhưng cũng như trước tết, họ cũng phải mòn mỏi đứng chờ ven đường mà không có việc làm, thậm chí công việc còn ít hơn trước tết.

Sau những ngày ngắn ngủi trở về quê sum họp đón Tết cùng gia đình, nhiều lao động tự do ở các tỉnh lẻ lại kéo nhau lên Hà Nội tìm việc làm. Mỗi người họ lại có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều vì cái khó khăn, vì cuộc sống vất vả. 

Anh Dũng ( Cẩm Thủy – Thanh Hóa), sau ngày mùng 10 tháng Chạp đã có mặt ở chợ lao động đường Bưởi, cho biết: “ Lúc này ở quê cũng không có việc mấy lên tôi tranh thủ lên Hà Nội kiếm việc làm"- Nhưng cũng như trước tết, tìm việc vào thời điểm đầu năm với anh lúc này quả không dễ chút nào- “Trước Tết, công việc dù ít nhưng cũng kiếm được 70 đến 100 nghìn đồng/ 1 ngày, còn bây giờ mỗi ngày kiếm được 40 – 50 nghìn đã là may. Cũng bởi một phần ít người dọn nhà cửa, hay sửa chữa, xây dựng đầu năm”.

Vật vờ trong gió rét, chờ người đến thuê việc làm

Còn với anh Đặng Quang Tiến ( Giao Thủy – Nam Định), dù đã ra Hà Nội gần một tuần nhưng suốt ngày chỉ đứng “vật vờ”, ở đường Nguyễn Trãi. Anh nói : “ Năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết xong tôi lại lên Hà Nội tìm việc, nhưng chưa năm nào ít việc như năm nay. Nhiều hôm sang ra ngồi, tối lại về không, tiền ăn, tiền trọ tiết kiệm hết sức một ngày cũng mất 30 – 40 nghìn đồng/ ngày. Không kiếm được tiền nên tôi phải vay tiền của mấy người ở cũng dãy trọ để sống”.

Với thời điểm như hiện nay, tại một số địa điểm như, đường Bưởi, chợ Phùng Khoang – Nguyễn Trãi, chân cầu vượt Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng, ngã tư Giảng Võ… có khá đông cánh lao động tự do.

Anh Nguyễn Văn Hùng ( Thái Bình) lao động tự do tại chợ Bưởi cho biết: “Các năm trước, đầu năm ra cũng ít việc nhưng dù sao cũng túc tắc có việc làm túc tắc, nhưng năm nay thì công việc ít đi trông thấy, nên anh em chúng tôi cứ cả ngày đứng vật vờ như thế này đây”.

Nói thế nào đi nữa, công việc ít không kiếm được tiền nhưng những lao động ở các “chợ bán sức lao động”, vẫn phải cố bám trụ mảnh đất thủ đô này, bởi cuộc sống của họ ở quê cũng rơi vào cảnh “bế tắc”.

Anh Trần Văn Bình ( Thanh Liêm – Hà Nam) cho biết; nhà anh có 3 sào ruộng, sau Tết, làm xong cả hai vợ chồng đã kéo nhau ra Hà Nội tìm việc. Nhưng vì không có việc nên vợ anh đã về quê đi cấy thuê cho các nơi khác. "Mới hôm qua tôi gọi điện về nhà xem có việc không nhưng vợ tôi nói không có việc, lại dặn tôi cố gắng ở lại tìm việc để kiếm lấy đồng ra đồng vào, chi tiêu cho gia đình, chứ về nhà không có việc gì làm thì cả nhà chết đói mất. Thôi đành bám trụ chờ hết tháng Giêng xem công việc có khá hơn không, chứ bây giờ về nhà cũng không có việc hai vợ chồng suốt ngày ngồi nhìn nhau lại chết đói … dài răng” – anh Bình nói.

Những lao động tự do đứng ngồi chờ người đến thuê làm việc

Ngay trong khu chợ Long Biên, nơi có chợ đầu mối lớn bậc nhất Hà Nội, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Chị Phương (Tiên Lữ - Hưng Yên) cho biết, trước Tết gánh hàng thuê cũng kiếm được 70 – 80 nghìn đồng / 1 ngày. Nhưng qua Tết hôm nào có khách quen gọi cũng chỉ kiếm được 40 – 50 nghìn đồng thôi. Trước tình cảnh khốn khó như vậy, chị cũng tính đến đường về quê nhưng không được vì 3 đứa con chị đang tuổi ăn, tuổi học chỉ biết trông chờ vào gánh hoa quả thuê của chị.

Hôm 16-2, hơn chục người lao động đến từ Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên đứng ngồi chờ việc ở cầu vượt Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng suốt từ đầu giờ sáng mà không có người thuê. Đến khoảng 11h trưa khi có người đàn ông trung tuổi đến thuê việc thì cả đám người ùa ra hỏi toán loạn, thế nhưng người thuê chỉ cần một người phụ giúp mấy ông thợ xây sửa bể phốt trong nhà với mức tiền 80 nghìn đồng/ ngày.

Sau những cái mời chào, cuối cùng anh Bình (Hà Nam) là người được thuê. Khi anh Hùng muốn cò thêm giá thì người thuê việc nói xanh rờn: “ 80 nghìn đồng/ ngày cộng cơm ăn là cao rồi, nếu anh không nhận lời thì tôi thuê người khác”. Ít việc nên anh Hùng đành nhận lời và trèo lên xe máy đi cùng với người thuê việc”.

Cũng chính vì không có việc nên đôi khi những lao động tự do ngoại tỉnh ra Hà Nội đành phải làm những công việc mà nói như họ nói là “ những việc không muốn làm”.

Một lao động quê Nam Định trên đường Nguyễn Trãi cho biết, có nhiều hôm anh em đứng vật vờ không có việc nên ai thuê gì cũng làm. Có hôm, có người đến thuê 7 đến 8 người đi...điểm danh hộ tại một Công ty XKLD trên đường Tam Trinh với mức giá 100 nghìn đồng/1 người nên cả đoàn đã đạp xe đạp “đi làm” ngay dù biết rằng công việc này không hay ho gì.