Đau, một lời nói nặng

ANTĐ - Cổ nhân dạy quả thật không bỏ đi được câu nào: “Già cũng cần lắng nghe trẻ”. Con bé cháu nội tôi hôm nọ đi học về, mồ hôi lấm tấm trên trán, nói dõng dạc trước cả nhà: “Con vừa được cô dạy kỹ năng sống. Mọi người nên nhìn nhau thân thiện, nói với nhau nhẹ nhàng. Ông bà, bố mẹ nhớ đấy nhé”.

- Cứ bảo trẻ học nặng quá. Nếu nặng thế thì cũng làm nhẹ bớt áp lực, căng thẳng của người lớn đang đè nặng lên nhiều gia đình. Lời trẻ ngây thơ khiến người lớn phải giật mình, soi lại mình.

- Riêng tôi, thấm thía đến mức mất ngủ. Nhiều khi một ánh mắt nguội lạnh, lời nói phũ “cạn tàu ráo máng”, nói như xát muối vào ruột… cũng làm tổn thương tâm hồn người khác cả chục năm trời.

- Ngôn ngữ thời nay gọi là “bạo lực tinh thần” có khi còn nguy hiểm gấp nhiều lần bạo hành thân xác. Đòn roi đánh vào cơ thể chỉ đau vài ngày rồi hết. Còn một lời nói nặng, đau đớn, để lại vết thương lòng khó lành. Thế nên xưa có câu: “Một lời siết cạnh bằng nghìn roi song”!

- Xưa cũng có câu: “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Giá như từ trong nhà ra ngoài phố, mọi người đều “lựa lời mà nói” thì chắc chắn sẽ giảm hẳn bạo lực tinh thần, bạo hành thể xác, cũng bớt đi những vụ án, những mạng người chỉ vì những lời nói “đểu”, nhìn “đểu”.

- Nghe đâu trong một diễn đàn về bạo hành gia đình cách đây không lâu, các nhà xã hội học nước ta đã cấp báo tình trạng đáng lo ngại trong nhiều gia đình thu nhập khá cao, văn hóa khá dồi dào, nhưng vợ chồng “tra tấn” nhau không phải bằng hành hạ cơ thể, mà bằng những lời giày vò tinh thần, soi mói lỗi lầm của người kia.

- Tôi nhớ, một nhà ngôn ngữ học thế giới nhận định tiếng Việt có nhạc tính, nói nghe như hát. Thế mà người ta lại nỡ nặng lời với nhau, đau lòng thật!