Đầu mối kết nối hợp tác

ANTD.VN - Việt Nam vừa đăng cai tổ chức hội nghị “3 trong 1” (Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV 8), Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS 7) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Mekong (WEF-Mekong). Thông điệp của chuỗi sự kiện này là thúc đẩy kết nối và hợp tác, vì sự phát triển bền vững và vì lợi ích của mỗi quốc gia Tiểu vùng Mekong.

Đáng chú ý, trong các sự kiện này, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong là sáng kiến của Việt Nam, được lãnh đạo cấp cao 5 quốc gia Mekong và 180 đại diện các doanh nghiệp lớn ASEAN và Châu Á-Thái Bình Dương hết sức ủng hộ.

Việt Nam mong muốn thông qua hội nghị này sẽ đẩy mạnh kết nối giao thương, tăng cường hợp tác đầu tư mang lại lợi ích cho tất cả các nước. Như vậy, vai trò của Việt Nam là sợi dây kết nối hợp tác, phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước Mekong cần nỗ lực đẩy mạnh kết nối kinh tế, kết nối cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phát triển  và hoàn thiện các hành lang kinh tế tiểu vùng; tăng cường hợp tác tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch. Theo Thủ tướng, các nước Mekong cần xác định mục tiêu phát triển trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh-chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội. 

Thủ tướng nhấn mạnh, các nền kinh tế khu vực Mekong vừa hợp tác, bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau. Các nước này đều có lợi thế sản xuất, xuất khẩu gạo, dệt may, da giày, nông lâm thủy sản. Đây là nền tảng để hợp tác nâng cao chất lượng giá trị gia tăng sản phẩm.

Việt Nam và Thái Lan, sắp tới là Việt Nam và Campuchia sẽ bàn bạc về hợp tác xuất khẩu gạo. Đặc biệt, các nước này có tính liên kết vùng rất cao, nên việc xây dựng, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng của hành lang kinh tế tiểu vùng, giúp cho chi phí vận chuyển, hậu cần giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hợp tác giữa các nước Mekong giúp phát huy lợi thế của mỗi nước. Tất cả cùng nhau tranh thủ lợi thế so sánh trên cơ sở cùng có lợi. 

Trả lời câu hỏi: “Việt Nam làm gì để tranh thủ hiệu quả và tận dụng tối đa các cơ hội mà các cơ chế hợp tác CMLV và ACMECS mang lại?”, Thủ tướng chỉ rõ, Việt Nam phải thấy được điểm yếu của mình là gì và trách nhiệm của mình trong khu vực như thế nào.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam cần đặt vấn đề phải cải tạo chính mình để nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh, vươn lên nhóm đầu của không chỉ CLMV mà của cả khu vực ASEAN. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh, thực hiện chính phủ kiến tạo, liêm chính, phát triển, hành động, để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn, quản lý xã hội tốt hơn, có nguồn lực tốt nhất để phát triển kinh tế, kịp sánh vai các nước anh em.