“Đau mắt” với ảnh ý niệm Phan Quang

ANTĐ - Trình làng triển lãm ảnh “Nhật ký người nông dân” với phong cách nhiếp ảnh ý niệm, nhiếp ảnh gia Phan Quang đã đặt mình vào vị trí bị “soi”.  Có người bảo, xem triển lãm dễ “đau mắt” bởi nó quá mới.

Tác phẩm nhiếp ảnh ý niệm “Công cụ”


Từ bế tắc thành nổi tiếng

Phan Quang đến với nhiếp ảnh khởi đầu từ công việc tráng rọi ảnh trong phòng tối, “tập tễnh” học cách tiếp cận với máy ảnh, học kỹ thuật chụp, đánh sáng” rồi thợ phụ việc cho các nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Khi đã cứng nghề, anh bắt đầu cộng tác với báo chí và chính thức trở thành phóng viên ảnh cho Báo Sài Gòn tiếp thị rồi phát triển việc chụp ảnh sang các lĩnh vực khác, đa dạng hơn... Sự nổi tiếng đến với anh lại bắt nguồn từ một nỗi chán chường.

Anh đã có thời gian dài không thể cầm máy chụp ảnh vì bế tắc. Sự chán chường lớn đến độ buộc anh phải lựa chọn, một là thay đổi để đi tiếp, hai là từ bỏ nghề nhiếp ảnh. Và Phan Quang đã chọn cách thứ nhất. Anh đã dừng hẳn công việc chụp ảnh trong vài năm để đi học. Anh đã đi qua nhiều nước, tới nhiều triển lãm để học hỏi. Đáng lý việc trở thành một nhà nhiếp ảnh ý niệm được đào tạo bài bản ở các nước thì với nhiếp ảnh gia Phan Quang, anh lại đi lên bằng con đường tự học. Có thể nói không ngoa rằng, anh có quá nhiều duyên nợ với nhiếp ảnh đến độ cả 2 lần đến với nhiếp ảnh, mỗi lần mỗi con đường đi khác nhau nhưng anh đều mất một khoảng thời gian dài tự mày mò, tìm hiểu và khám phá một bộ môn nghệ thuật trải dài mênh mông.

Đứng ngoài khoảnh khắc

Và có một điều thật đặc biệt mà khán giả nào khi bước chân vào căn phòng triển lãm đều nhận thấy, đó là sự khác biệt khi thưởng thức nhiếp ảnh ý niệm và nhiếp ảnh truyền thống. Phần đông nhiếp ảnh gia tại Việt Nam vẫn quan niệm nhiếp ảnh là bắt gặp và chụp lại những khoảnh khắc bằng ánh sáng. Nhưng với triển lãm của Phan Quang dường như đã đi ngược với điều đó với một bố cục và kiểu ánh sáng đứng ngoài khoảnh khắc. Tức là trước khi chụp, anh đã hình dung từ khâu ý niệm đến bài trí rồi thực hiện bằng kỹ thuật chỉn chu như tại phòng chụp chuyên nghiệp. Chỉ là một tác phẩm nhiếp ảnh ý niệm nhưng Phan Quang đã mất tới 3 tháng trời lăn lội trên đồng ruộng với những diễn viên không chuyên, sắp đặt vị trí đứng, dáng điệu rồi cử chỉ của nhân vật sao cho đi đúng với ý tưởng của tác giả. Và ngay đến việc trưng bày triển lãm cũng được thực hiện rất công phu và mang nhiều ý tưởng, ý niệm rõ ràng. Ảnh không chỉ được treo trong khung kính mà còn cần tới sự sắp đặt của tác giả với những luống cỏ xanh, tạo không gian cho khán giả như đang đứng trên một cánh đồng vào vụ gặt, trên những bãi cỏ xanh rì.

Tác phẩm nhiếp ảnh ý niệm “Hàng loạt”

Chưa có gì hết trong nghệ thuật

Người nông dân trong ảnh của anh thật chẳng giống với người nông dân lam lũ mà mọi người vẫn thấy. Người nông dân của Phan Quang đội mũ bảo hiểm màu đỏ, mặc đồng phục quần trắng và cùng ngửa mặt lên trời ngóng đợi một điều gì đó. Anh không chủ ý giải thích bức ảnh bằng ngữ nghĩa mà muốn người xem hãy chiêm ngưỡng và cảm nhận từ góc nhìn riêng, từ kinh nghiệm sống của mỗi người. Hãy khách quan để xem tác phẩm, người xem sẽ có lí giải của riêng của mỗi người mà không cần quá bận tâm về đúng hay sai. Đây chính là điều thú vị khi đến với nhiếp ảnh ý niệm. Nó khác xa với nhiếp ảnh truyền thống khi có sự kết hợp của nhiếp ảnh, video art và sắp đặt. Đó thực sự là sự trải nghiệm mới mẻ mà Phan Quang đã mang tới cho công chúng. 

Sau khi triển lãm kết thúc, anh đã nhận được sự phản hồi rất tốt từ phía người xem. Và rất khiêm tốn nhận mình là kẻ “chưa có gì hết” trong nghệ thuật, chỉ mới bước đi những bước chập chững đầu tiên nhưng tác phẩm của Phan Quang đã có đầu ra. Cho dù giá trị của nó còn chưa cao nhưng đó cũng là niềm khích lệ để anh tiếp tục sáng tạo và tiếp tục khám phám một thể loại ảnh còn khá mới mẻ ở Việt Nam.