Đầu hè, hoa mắt với các loại phim chống nóng

ANTĐ - Hàng chục loại phim chống nóng rao nhan nhản trên thị trường, giá cả chênh nhau đến 10 lần, làm khó khổ chủ, không biết đâu mà lựa chọn.

Trên thị trường có hàng chục loại phim chống nóng khác nhau, chủ xe cần tìm
hiểu kỹ trước khi quyết định "móc ví" 

Phim chống nóng “cao cấp”- dán kín xe hết… 1 triệu đồng

Miền Bắc bắt đầu bước vào những đợt nắng nóng gay gắt- đây cũng là thời điểm các loại phim chống nóng (còn gọi là  phim cách nhiệt) cho ôtô- nhà kính bung ra thị trường.

Anh bạn đồng nghiệp tên Đại có chiếc Kia Forte, mua từ mùa thu năm 2011, mới bị cái nắng đầu hè thiêu đốt mấy buổi, anh lập tức chuẩn bị một “khoản” để tân trang cho xế hộp. “Kể cũng vớ vẩn, mấy chục năm tay trần đi xe máy, có sao đâu? Giờ ngồi trong ô tô thì lại thấy nóng không chịu nổi, bị hiệu ứng nhà kính, nắng xuyên vào đến rát tay. Mình còn thế, nói gì đến bọn trẻ con, đợt này mỗi lần hò sang bên nội- bên ngoại, chúng nó toàn đòi đi xe máy cho đỡ nóng”- "người đàn ông của gia đình" làu bàu.

Do không có kinh nghiệm, ban đầu anh Đại đã mang ôtô ra khu vực chuyên dán ni-lon xe máy trên phố Cao Bá Quát (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi có nhan nhản những tấm biển đề “dán phim cao cấp, chống nóng ô tô, giá rẻ”. Giá rẻ thật, hỏi ra dán kín mít cả xe (bao gồm kính lái, kính sườn, kính hậu và cả cửa sổ trời) hết có 1 triệu đồng.

“Tiền nào của đấy”- các cụ xưa dạy cấm có sai, mấy chú thợ đầu xanh đầu đỏ vừa cười cợt hút thuốc, vừa dán dán phết phết mấy tấm phim “made in” Trung Quốc lên chiếc Kia Forte. Vừa trả tiền xong, anh Đại đã phát hiện ra hàng trăm lỗ bọt không khí nổ đầy trên những miếng phim vừa dán, thắc mắc thì nhận được câu trả lời: “Vài hôm nó tự hết”. Nghi hoặc, anh này đi về nhà đến cả tuần, không những bọt khí không hết mà còn lỗ chỗ nhiều hơn. Định bụng đem tới bắt đền thì gặp hôm trời mưa, “phim Tàu” vừa dày lại vừa tối màu khiến cho 2 cái gương chiếu hậu bị “vô hiệu hóa”, ngồi lái không thể quan sát thấy gì.

Biết gặp phải phim chống nóng dỏm, anh bạn tôi dành chấp nhận bỏ khoản “học phí dại” đã trả, lên mạng tìm hiểu về phim chống nóng, đi dán lại…

Công đoạn sấy để phim chống nóng bám chặt vào kính xe

Phim chống nóng xịn, gần đắt bằng cái xe máy

Theo tìm hiểu của anh Đại, phim chống nóng xịn nhất hiện nay ở Hà Nội là loại phim có tên là V-Kool (Loại phim này lại chia ra thành rất nhiều mã khác nhau, để phù hợp với việc dán kính lái, kính cửa sổ, hay kính hậu của xe).

Loại phim này được quảng cáo là loại bỏ 99% tia cực tím, 98% sức nóng của tia hồng ngoại và 65% nhiệt lượng trong ánh sáng mặt trời; đồng thời đảm bảo độ truyền sáng tối đa: người lái không bị chói mắt trước ánh sáng mặt trời; ngược lại nếu thời tiết âm u vẫn có thể quan sát đường rất rõ ràng, giúp lái xe an toàn….

Nghe mùi mẫn, anh lái xe đến địa điểm phân phối độc quyền loại phim này, nằm ở tầng hầm 1 khách sạn lớn trên phố Láng Hạ (Q. Ba Đình, Hà Nội). “Khu vực dành cho việc dán xe rất chuyên nghiệp có phòng kính, khác hẳn với dán kiểu “ba vơ chú váo” ngoài hè đường. Nhưng nhìn vào bảng giá, tí tôi ngất”- Đại kể- “Họ có mấy mức giá, trong đó mức tiết kiệm nhất cũng mất hơn 7 triệu đồng. Còn lựa chọn cao cấp lên đến gần 11 triệu đồng. Giá này nếu tính ra bằng 2 cái điều hòa trung bình hay gần bằng cái xe máy số. Tôi chịu không nổi lại lái xe về”.

Hên xui, phụ thuộc tay thợ

Cuối cùng thì anh Đại quyết định chọn một loại phim chống nóng khác, cũng sản xuất tại Mỹ- mang tên Llumar với gói phổ thông dành cho xe 4 chỗ, hết gần 5 triệu đồng.

Phụ trách dán phim lên xe là 2 cậu thợ còn trẻ, với lỉnh kỉnh những bay nhựa, dao cắt, máy sấy… Sau gần 3 tiếng đồng hồ hì hục cắt dán, rốt cuộc cũng xong.

“Đúng là phim của hãng khác rõ rệt với phim Trung Quốc. Lúc dán xong thì trời đã xẩm tối, mà nhìn gương chiếu hậu không bị tối đen như lần dán đầu tiên. Khả năng chống nóng cũng khá, trưa qua trời nắng thế mà đi ngoài đường không bị rát tay”- anh Đại hỉ hả.

Qua 2 lần đi dán kính, anh rút ra kinh nghiệm quan trọng nhất là phải nhắc nhở thợ lót giẻ khô ngay dưới chân kính (phía trên táp-lô xe), để hứng toàn bộ nước xà phòng chảy xuống, đề phòng rớt vào hệ thống điện đóm, đặc biệt là hộp đen của xe. Anh Đại cho hay: “Trên một số diễn đàn về ô tô, đã có những trường hợp dán xong chống nóng thì cũng là lúc đưa xe vào hãng cài lại hộp đen rồi. Ngoài ra thợ có tay nghề là thợ dán kính sườn không cần phải lột bửng nhựa che cánh cửa ra. Cứ để nguyên mà chèn chân phim vào thôi”.

 Thay cho loa chống nắng có đế cao su dính thẳng vào kính xe như trước kia (vừa kém thẩm mỹ, vừa hiệu quả thấp), hiện nay các chủ xe ô tô ưa dán phim chống nóng. Thị trường phim chống nắng vì thế nở rộ khoảng 5 năm lại đây. Phim được dán thẳng lên kính, phía trong xe; loại phim tốt vừa phải chống nóng hiệu quả, đồng thời không bị tối làm giảm tầm quan sát của lái xe. Ban đầu xuất hiện rất nhiều phim có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí là hàng nhái các nhãn hiệu phim chống nóng nổi tiếng của Mỹ. Có thể kể đến một loạt các khu vực có nhiều cửa dán phim chống nóng trên địa bàn TP.Hà Nội như: Lê Văn Lương, Cao Bá Quát, đường Láng, Nguyễn Công Trứ- Đỗ Ngọc Du… Tuy nhiên, hầu hết phim chống nóng trên thị trường là phim “trôi nổi”: không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để không rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”, dán xong trong xe vẫn nóng như thiêu, chủ xe cần tìm hiểu kỹ về các loại phim chống nóng có thương hiệu cũng như địa chỉ các đại lý ủy quyền tin cậy của các hãng phim này, trước khi mang xe đi dán phim chống nóng.