Đầu độc người khác phạm tội gì?

ANTD.VN - Nguyễn Văn Nam có mâu thuẫn sâu sắc với Nguyễn Văn Thanh. Nam nảy sinh ý định trả thù Thanh nhưng chưa có cơ hội thực hiện. 

Nội dung vụ việc

Ngày 15-11, Nam biết được Thanh vừa đánh em Nguyễn Văn Hải (13 tuổi). Sau đó, Nam đã chủ động tìm gặp Hải và hỏi Hải có muốn trả thù không? Hải lập tức nhận lời. Sau đó Nam rủ Hải ra chợ mua thuốc độc nhưng không được. Trên đường trở về, Nam nảy ra phương án có thể dùng lá trúc đào - một loại cây độc có khả năng gây chết người - thay thế thuốc độc để thực hiện ý định trả thù.

Sau khi bàn bạc, Nam và Hải đi tìm vặt lá trúc đào về đun lên lấy nước. Nam bảo Hải đem đổ nước lá trúc đào vào bể trữ nước ăn của gia đình Thanh. Tối 15-11, sau khi ăn cơm xong, cả nhà Thanh bị ngộ độc phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Do cấp cứu kịp thời, mức độ ngộ độc nhẹ nên sức khoẻ Thanh và mọi người trong nhà ở tỉ lệ thương tật 5%. 

Vấn đề cần tranh luận ở đây là Nguyễn Văn Nam và Nguyễn Văn Hải phạm tội gì?

 Ý kiến bạn đọc 

Phạm tội giết người

Chỉ vì có mâu thuẫn với anh Nguyễn Văn Thanh mà Nguyễn Văn Nam đã nảy sinh ý định trả thù anh Thanh. Nam đã đầu độc cả gia đình anh Thanh, trong đó có cả người nhà anh Thanh không có mâu thuẫn với mình. Tôi cho rằng, đây là hành vi giết người với động cơ đê hèn.

Việc Nam và Thanh tìm mua thuốc độc không được và sau đó vặt lá trúc đào đun lên lấy nước và đổ vào bể nước ăn dự trữ của gia đình anh Thanh là phương pháp dẫn đến hậu quả của hành vi là có thể làm chết nhiều người.

Mặc dù việc đầu độc đã hoàn thành, không ai tử vong nhưng người phạm tội vẫn phải bị coi là giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người và phải bị xử lý theo khoản 1, Điều 93, Bộ luật Hình sự. 

Hoàng Quốc Hùng (Gia Lâm - Hà Nội)

Cố ý gây thương tích 

Trong vụ việc này Nam và Hải đã phạm tội cố ý gây thương tích bởi loại lá trúc đào mà Nam và Hải sử dụng để đầu độc gia đình anh Thanh chưa đủ mức độ để gây chết người.

Theo quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều luật này thì vẫn cấu thành tội cố ý gây thương tích.

Trong vụ việc này mặc dù gia đình anhThanh bị mức độ ngộ độc nhẹ, tỉ lệ thương tật ở mức 5%, tuy nhiên hành vi của Nam và Hải đã đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyên nhân là bởi hành vi của Nam và Hải dùng lá trúc đào - một loại cây độc có khả năng gây chết người - thay thế thuốc độc để đổ vào bể trữ nước ăn của gia đình Thanh là thuộc trường hợp có sự bàn bạc, có tổ chức và dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người.

Trần Thị Yến (Bảo Thắng - Lào Cai)

Phạm tội chưa đạt nhưng đã hoàn thành

Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã cố ý thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó không xảy ra. Trong vụ việc này Nam đã rủ Hải ra chợ mua thuốc độc với mục đích để đầu độc anh Nguyễn Văn Thanh.

Như vậy có thể thấy hành vi của Nam và Hải biết rõ việc mình làm có thể gây hậu quả là dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Thanh nhưng vẫn cố tình thực hiện.

Tuy nhiên vì nguyên nhân khách quan là không mua được thuốc độc nên Nam và Hải đã dùng phương án thay thế là sử dụng lá trúc đào đun lên lấy nước rồi đổ vào bể nước ăn của gia đình anh Thanh.

Hậu quả chết người không xảy ra là nằm ngoài ý muốn chủ quan của Nam và Hải. Do vậy hành vi của Nam và Hải đã phạm tội giết người ở trường hợp chưa đạt nhưng đã hoàn thành.

Hoàng Đình Quốc (TP Việt Trì - Phú Thọ)

 Bình luận của luật sư 

Căn cứ vào nội dung vụ việc Nam và Hải đã sử dụng trúc đào, một loại cây độc có khả năng gây chết người để đầu độc, gây hậu quả là cả nhà Thanh bị ngộ độc tỷ lệ thương tật 5% do vậy căn cứ vào điểm c, khoản 1, Điều 104 và Điều 93, Bộ luật Hình sự thì Nam và Hải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hay tội giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Để phân biệt hai tội này cơ quan chức năng cần xem xét mục đích phạm tội của Nam và Hải là gì? Nếu Nam và Hải có mục đích nhằm giết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Tuy nhiên, hành vi của Nam và Hải thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành vì hậu quả chết người chưa xảy ra.

Trong trường hợp này người phạm tội là Nam và Hải đã cố ý thực hiện tất cả các hành vi cần thiết để tước đoạt tính mạng người khác. Hậu quả chết người chưa xảy ra là nằm ngoài ý chí chủ quan của người phạm tội. Do đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Theo quy định của Điều 52, Bộ luật Hình sự thì trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt được xác định như sau: Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Bên cạnh đó, tùy vào mục đích, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, các tình tiết về nhân thân của người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng xác định chính xác trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp nếu cơ quan chức năng xác định Nam và Hải không có mục đích giết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Tuy nhiên trong vụ việc này, căn cứ Điều 12, Bộ luật Hình sự có quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì do Hải mới 13 tuổi nên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự phát sinh (nếu có).

Một vấn đề đặt ra là việc Nam rủ Hải cùng tham gia đầu độc gia đình anh Thanh thì liệu vụ việc xác định có đồng phạm hay không? Căn cứ Điều 20, Bộ luật Hình sự có quy định thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, những người này phải có đầy đủ các điều kiện về chủ thể, tức là họ phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 và không rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13, Bộ luật Hình sự, do vậy trong trường hợp của vụ việc này, chỉ có Nam có năng lực trách nhiệm hình sự nên không phải là đồng phạm mà là phạm tội đơn lẻ. 

Cần lưu ý thêm, về trách nhiệm dân sự thì Nam và cha, mẹ của Hải phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình Thanh vì đã xâm phạm sức khỏe của gia đình anh Thanh, căn cứ Điều 606 và Điều 609, Bộ luật Dân sự.

Luật sư Nguyễn Chiến Thắng (Văn phòng Luật sư Chiến Thắng và Cộng sự)