Đau đầu con cá, lá rau

ANTĐ - Cuối tuần nào, Nguyễn Hoài Phương (ở Văn Giang, Hưng Yên) cũng tranh thủ về quê thăm nhà, đồng thời mang theo một bao tải rau, củ, quả khi trở lại Hà Nội để làm đồ ăn cho cả tuần kế tiếp... 

- Tại sao chị không mua rau quả ở chợ, ăn ngày nào mua ngày ấy, vừa tiện vừa tươi?

- Chuyện bắt đầu cách đây vài tháng, em có mua một mớ rau cải ở chợ Quỳnh Mai về, vừa làm dưa muối vừa nấu canh, tối đó ăn xong cả em và đứa bạn ở cùng phòng đều bị đau bụng dữ dội, “Tào Tháo đuổi” liên tục. Sau vụ đó, 2 đứa bảo nhau chịu khó mỗi lần về quê mang thật nhiều rau quả lên, ăn rau quê cho yên tâm. Hai đứa ăn uống không đáng bao nhiêu, cả 2 đều quê ở gần Hà Nội nên có thể thay nhau về quê hàng tuần, đảm bảo rau ăn hàng ngày.

- Bộ NN&PTNT vừa công bố kết quả xét nghiệm một số loại rau phổ biến, phát hiện nhiều mẫu chứa hóa chất bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Chị nghĩ gì về điều này?

- Cơ quan chức năng kiểm tra, xét nghiệm các mẫu rau như vậy là cần thiết để cảnh báo cũng như khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn. Tuy vậy, em cho rằng việc chọn được mớ rau, củ, quả đảm bảo an toàn cho bữa ăn không hề đơn giản. Những loại củ quả như khoai tây, bí xanh, bí đỏ vốn được coi là ít dùng hóa chất hơn thì mới đây cũng bị phát hiện có chứa hóa chất độc hại... Ngay cả dân ở nông thôn bây giờ, mua rau, củ họ cũng phải biết rõ rau của nhà nào trồng thì mới yên tâm, chứ không còn thói quen ra chợ mua đại như trước đây.

- Biết có nguy cơ độc hại nhưng không thể không ăn rau quả, phải chăng người dân ở thành thị đang không còn lựa chọn?

- Hàng ngày, những người dân ở thành thị phải chấp nhận chọn lựa giữa một mớ rau tiềm ẩn đầy nguy cơ ngoài chợ, trừ số ít người có điều kiện vào các siêu thị rau an toàn mua với giá cao. Bắt người dân phải tự bảo vệ mình là quá khó. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải có các giải pháp, động thái quản lý quyết liệt và hiệu quả hơn để tạo niềm tin cho dân.