Đau đầu chống lạm thu

ANTĐ - Lễ khai giảng năm học mới sẽ diễn ra trong vài ngày tới với gần 20 triệu học sinh từ mầm non đến phổ thông. Mối lo liền thân với mỗi gia đình cũng là mối quan tâm nhất hiện nay của các cấp quản lý là vấn đề lạm thu, song nhiều địa phương vẫn chưa đưa ra được hướng dẫn thu chi, trong đó có Hà Nội.
Đau đầu chống lạm thu  ảnh 1
Cần có quy định chặt chẽ về học phí và các khoản đóng góp tự nguyện                                                                  Ảnh: Phú Khánh

Nơi tăng, nơi giảm học phí

Ngày 30-8, ông Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã làm việc với 20 tỉnh thành cả nước về vấn đề thu chi trong năm học mới. Yêu cầu đặt ra là chưa nên có thay đổi về học phí trong điều kiện kinh tế cả nước đang gặp khó khăn.

Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh, học phí năm học mới 2012-2013 không điều chỉnh mà đã giữ nguyên mức cũ đã được áp dụng từ năm 1998. Bên cạnh đó, để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh học sinh, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản đề xuất UBND TP không thu tiền cơ sở vật chất ở các cấp học từ năm học 

2012-2013. Theo tính toán của Sở, một trường từ mầm non đến cấp THPT với 1.500 học sinh đến hơn 3.000 học sinh nếu thu trung bình 45.000 đồng/học sinh/năm thì số tiền thu cơ sở vật chất không đủ cho việc sửa chữa nhỏ. Do vậy, Sở GD-ĐT TP đề xuất các trường dự toán mức sửa chữa tối thiểu trình Sở GD-ĐT để tổng hợp trình Sở Tài chính, bảo đảm đủ kinh phí thực hiện. 

Riêng với Hà Nội, mức thu học phí mới chính thức áp dụng từ năm học này không những giữ nguyên mà ở nhiều bậc học  còn giảm. Đồng loạt ở các bậc học trên toàn địa bàn thành phố đều áp dụng một mức thu 40.000 đồng/tháng (với học sinh ở thành thị), 20.000 đồng/tháng (với học sinh ở khu vực nông thôn). Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là mức thu tối thiểu trong khung Nghị định 49 của Chính phủ. Bên cạnh đó, ngoài các đối tượng được miễn giảm theo Nghị định 49 thì Hà Nội còn áp dụng miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp học phổ thông, mầm non ở 13 xã miền núi khó khăn và hai xã giữa sông. Học sinh ở những xã miền núi này và những học sinh diện chính sách học ở trường công lập hay ngoài công lập còn được hỗ trợ chi phí học tập với tổng kinh phí dự kiến khoảng 65 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn sẽ tăng học phí trong năm học này.

UBND TP Đà Nẵng ban hành mức thu học phí mới đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm học 2012-2013 với nhà trẻ, mẫu giáo (vùng 1, vùng 2, vùng 3, vùng 4): 95.000 đồng, 70.000 đồng, 35.000 đồng, 6.000 đồng; trung học cơ sở, bổ túc văn hoá trung học cơ sở: 60.000 đồng, 50.000 đồng, 25.000 đồng, 6.000 đồng; trung học phổ thông, bổ túc văn hoá trung học phổ thông: 70.000 đồng, 55.000 đồng, 30.000 đồng, 6.000 đồng. Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang cho biết, năm học này tỉnh cũng áp dụng mức học phí mới với mức cao nhất là 110.000 đồng với bậc mầm non địa bàn thành phố và giảm lần lượt theo khu vực nông thôn, miền núi. Với bậc THCS và THPT mức cao nhất là 60.000 đồng, thấp nhất là 30.000 đồng/ học sinh/tháng.

Loay hoay các khoản lạm thu

Trong các khoản thu của trường, học phí chỉ chiếm một phần. Các khoản thu tự nguyện, thu thỏa thuận mới là đề tài đang được nhiều người quan tâm nhất. Nhiều địa phương vẫn chưa có được hướng dẫn thu chi trong trường học năm học này, trong đó có Hà Nội. Được biết, cùng với việc bù ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên cho các trường trong điều kiện học phí giảm, Hà Nội cũng đang tìm cách hạn chế các khoản thu tự nguyện. 

Tuy nhiên, theo GS. Văn Như Cương, với khoản thu học phí “không bằng bát phở” và ngân sách chi trên đầu học sinh một năm học chỉ bằng học phí một tháng của khối dân lập sẽ gây khó dễ không ít cho các trường và vì vậy vẫn cần các khoản thu tự nguyện. Điều khiến phụ huynh phản ứng với khoản đóng góp dạng này là việc thiếu dân chủ trong cách thu tự nguyện kiểu đổ đồng hay tính thiếu minh bạch trong cách sử dụng các khoản thu này. Theo GS. Văn Như Cương, điều này khiến ngành giáo dục đang ở vào thế bí. Mâu thuẫn về việc cần có với việc triển khai thế nào các khoản thu tự nguyện chưa được giải quyết dứt điểm. “Theo tôi, đã gọi là tự nguyện thì không thể đổ đồng, ai cũng đóng cùng một mức bắt buộc. Các khoản thu xã hội hóa trong điều kiện ngân sách nhà nước không đủ năng lực nâng cao chất lượng giáo dục, phương tiện học tập là cần thiết nhưng phải làm sao để không có chuyện bỏ túi riêng hay tự nguyện kiểu bắt buộc. Tôi nghĩ phần lớn các nhà giáo  cũng chỉ mong muốn nâng cao chất lượng dạy và học, tuy nhiên vẫn có một vài trường hợp hiệu trưởng lợi dụng chính sách xã hội hóa để tư lợi. Bởi vậy, chính sách này vẫn cần có quy định chặt chẽ hơn”.

Về vấn đề này, ông Lê Khánh Tuấn cho biết, riêng về các khoản thu tự nguyện, lãnh đạo Bộ đang xem xét và sẽ sớm ban hành thông tư quy định việc quản lý thu chi các khoản thu tự nguyện như thế nào để vận dụng vào trong nhà trường. Được biết, mục đích của Bộ là với các khoản thu này hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm với tất các các khoản thu chi của từng lớp chứ không thể nói là không biết, không thể khoán trắng cho ban đại diện cha mẹ học sinh muốn thu thế nào thì thu. Tất cả các khoản thu tự nguyện phải đưa vào hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường, phải có thiết kế, dự toán, làm xong phải có báo cáo công khai. Bộ cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của phụ huynh để làm sao quản lý và sử dụng các khoản thu này hợp lý.