Đầu cơ cổ phiếu tăng "nóng": Coi chừng "ôm bom" chứng khoán

ANTD.VN - Cổ phiếu tăng nóng trong thời gian ngắn bất chấp “sức khỏe” doanh nghiệp ra sao - những bài học trước đây cho thấy, những cổ phiếu đầu cơ dạng này đến một lúc nào đó sẽ “rơi tự do”.

Thực tế, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu đầu cơ đã mang lại lợi nhuận cao, thậm chí rất cao cho một số nhà đầu tư. Có điều, những may mắn đó không dành cho tất cả. Những nhà đầu tư thích “ôm” cổ phiếu nhưng lại thiếu thông tin thường là những người phải “dọn bữa tiệc đã tàn”.

Đầu cơ cổ phiếu tăng "nóng": Coi chừng "ôm bom" chứng khoán ảnh 1Rất nhiều cổ phiếu tăng nóng đã biến mất khỏi thị trường

Tăng “nóng” để đón đầu dòng vốn ngoại

Nói về cổ phiếu tăng nóng thời gian gần đây, không thể không nhắc đến ROS (cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros). Lên sàn HOSE vào ngày 1-9-2016, cổ phiếu ROS đã tạo nên một đồ thị tăng giá ấn tượng. Những đợt tăng ròng liên tiếp đã đưa giá trị cổ phiếu này tăng gấp hơn 13 lần so với giá khởi điểm chỉ trong vòng hơn 6 tháng

Đặc biệt, ngày 3-3 mới đây, thông tin ROS được Quỹ FTSE ETF đưa vào danh mục trong đợt tái cơ cấu lần đầu trong năm 2017 đã lập tức đẩy cổ phiếu này bứt phá mạnh mẽ trong phiên tiếp theo. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 6-3, ROS được đẩy lên mức trần 163.300 đồng (tăng 10.600 đồng/cổ phiếu) với gần 4,13 triệu đơn vị được khớp lệnh. Ngày 7-3, ROS tiếp tục tăng thêm 4.700 đồng/cổ phiếu, lên mức 168.000 đồng. Sau một phiên giảm nhẹ ngày 8-3, ROS lại tăng liên tiếp trong 2 phiên giao dịch ngày 9 và 10-3. 

Nhìn lại “lịch trình” đi lên đầy kiêu hãnh của ROS, người ta càng thán phục bởi trong 57 phiên giao dịch liên tiếp gần đây, ROS chỉ có 1 phiên giảm điểm (ngày 8-3) và 1 phiên đi ngang (ngày 9-1), còn lại giá cổ phiếu này tăng đều đặn. Mức tăng cũng rất đồng đều chỉ trên dưới 1.000 đồng/phiên chứ không tăng quá sốc. Với thông tin ROS được thêm vào rổ đầu tư của ETF, dự kiến trong đợt tái cơ cấu 2 tuần tới, quỹ này sẽ mua vào ROS với số lượng khoảng 4 triệu cổ phiếu.

Theo các chuyên gia, đây chính là những yếu tố ngắn hạn giúp ROS liên tục tăng giá thời gian gần đây. Thực tế, với nhiều nhà đầu tư còn chưa có kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam thì lựa chọn đầu tư thông qua các Quỹ ETF là khá thuận tiện, có những nhà đầu tư sẽ mua vào khi ETF mua vào nhưng ngược lại cũng có nhà đầu tư sẽ bán ra khi ETF mua vào. 

Đừng ham “ôm” cổ phiếu

Trong trường hợp nhà đầu tư đón sóng, bán ra khi ETF mua vào thường rơi vào những cổ phiếu đầu cơ. Bởi thực tế, do quỹ này thường căn cứ theo các chỉ số kỹ thuật, cụ thể là đặt nặng vấn đề thanh khoản và tỷ trọng có thể đầu tư, chứ không đi vào đánh giá từng doanh nghiệp như những nhà đầu tư giá trị. Trong giao dịch, các quỹ này cũng có những nguyên tắc lặp lại dễ đoán.

Chính vì điều này, không ít thành viên tham gia thị trường đã và đang tranh thủ để kiếm lời từ việc bán lại cho các Quỹ ETF, thậm chí bằng các thủ thuật như tạo thanh khoản ảo, tăng giá ảo của cổ phiếu. “Có những cổ phiếu bị làm giá bằng cách tạo giao dịch ảo, thậm chí có sự tiếp tay của nội bộ doanh nghiệp để giao dịch với nhau nhằm lọt vào danh mục đầu tư của những quỹ quốc tế để bán lại cho các quỹ này”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết.

Cũng chỉ ra hạn chế của các Quỹ ETF, trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra nhận định tương tự: “Theo trao đổi riêng của chúng tôi với một số nhóm đầu cơ trên thị trường, họ cho rằng đã và sẽ có những người tiếp tục công việc tạo ra những “vỏ ốc rỗng” giao dịch với thanh khoản cao trên thị trường, chờ đợi những “chiếc sọt ETFs” để bán lại và kiếm lợi nhuận hợp pháp từ những nguyên tắc dễ đoán của các quỹ mô phỏng chỉ số này”.

 Dành lời khuyên cho các nhà đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, nếu các nhà đầu tư không chuyên cứ chạy theo những cổ phiếu tăng nóng thì chẳng khác nào “ôm bom”. “Thực tế cho thấy, có những cổ phiếu đã giảm đến 99% giá trị sau khi tăng nóng”, ông Hải nói. Nói thêm về những cổ phiếu bị làm giá, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện nay đã xuất hiện những hành vi làm giá tinh vi hơn rất nhiều những năm trước. “Họ nhào nặn báo cáo tái chính, lập ra các công ty ma để giao dịch với nhau để tạo doanh thu ảo, lợi nhuận ảo, vốn ảo gấp hàng trăm lần vốn thật; tạo ra các giao dịch ảo để “làm giá” cổ phiếu. Nhà đầu tư rất bất bình trước hiện tượng này”.

“Với một cổ phiếu đầu cơ như ROS thì yếu tố cơ bản của doanh nghiệp lại không giúp lý giải cho giá trị cổ phiếu, mà lý do phổ biến nhất là dòng tiền “nóng”. Với ROS, thì dòng tiền đổ vào cổ phiếu này là câu chuyện xung quanh việc ROS được thêm vào rổ đầu tư của ETF”.

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)