Dấu ấn mùa xuân đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội cách đây 90 năm

ANTD.VN - Trong lịch sử, Thăng Long - Hà Nội từng có những mùa xuân cả dân tộc vui mừng. Đó là chiến thắng giặc Minh năm 1428, đánh tan giặc Thanh năm 1789, nhưng cũng có những mùa  xuân gợi ký ức đau buồn. Cuối mùa xuân năm 1882, Pháp bắn đại bác vào cổng phía Bắc và đánh chiếm thành Hà Nội. Song Hà Nội có một mùa xuân rất đặc biệt… 

Dấu ấn mùa xuân đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội cách đây 90 năm ảnh 1

Dấu ấn mùa xuân đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội cách đây 90 năm ảnh 2Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội, nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam

Những ngày gian khó

Kể từ khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, phong trào chống  Pháp diễn ra ở nhiều tỉnh thành, nhưng lẻ tẻ và thiếu đường lối chiến lược cho một cuộc kháng chiến dài hơi. Đến đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, những luồng tư tưởng mới về đấu tranh giải phóng dân tộc tràn vào Việt Nam đã được nhiều thanh niên có tư tưởng tiến bộ đón nhận. Năm 1928 là năm có nhiều ý nghĩa với phong trào cách mạng Việt Nam.

Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Hà Nội qua 1 năm hoạt động đã phát triển lên gần 200 hội viên với thành phần chủ yếu là tiểu tư sản. Một số đảng phái khác cũng ra sức xây dựng đội ngũ tại Hà Nội như Việt Nam Quốc dân, Tân Việt Cách mạng đảng. Để tăng cường ảnh hưởng, ngày 28-9-1928, Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ đã họp Đại hội Đại biểu toàn kỳ lần thứ nhất để kiểm điểm hoạt động, thảo luận  phương hướng hoạt động và kiện toàn bộ máy lãnh đạo.

Tỉnh bộ Hà Nội có 3 người tham gia là Nguyễn Phong Sắc, Mai Lập Đôn và Trần  Tư Chính (sau phản bội). Đại hội đã bầu ra Kỳ bộ. Sau đại hội của Kỳ bộ, Tỉnh bộ Hà Nội cũng tiến hành đại hội và Nguyễn Phong Sắc, ủy viên Kỳ bộ được cử làm Bí thư Tỉnh bộ.

Nhận thấy đòi hỏi của lịch sử và xu hướng phát triển tất yếu của phong trào cách mạng, tháng 3-1929 những thanh niên tiên tiến trong lãnh đạo Kỳ bộ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp ở nhà 5D phố Hàm Long để thành lập tổ chức cộng sản - Chi bộ 5D Hàm Long gồm các đồng chí: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc, Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân) và Dương Hạc Đính.

Ngày 7-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, đại biểu các tổ chức cộng sản mới được thành lập quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản đảng. Hội nghị thông qua chính cương, tuyên ngôn, điều lệ và lấy cờ đỏ búa liềm làm cờ đảng, quyết định xuất bản báo Búa Liềm. Như vậy chi bộ 5D Hàm Long và Đông Dương Cộng sản đảng là những tổ chức cộng sản đầu tiên thành lập tại Hà Nội. Lý do Hà Nội là nơi các tổ chức cộng sản hoạt động vì dân chúng đông đúc là điều kiện để che mắt mật thám Pháp. Mặt khác Hà Nội là nơi tập trung nhiều thanh niên có tư tưởng tiến bộ và có tri thức.  

Dấu ấn mùa xuân 1930

Tuy dù nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam với cùng một mục đích đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng hoạt động lại riêng lẻ, không tập hợp được sức mạnh tranh đấu. Và một sự kiện vô cùng quan trọng đã diễn ra tại Cửu Long (Hương Cảng (Hồng Kông) - Trung Quốc), từ ngày 3-2-1930 dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản và trực tiếp là đồng chí Nguyễn Ái Quốc, những người cộng sản tham gia đã thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau hơn 1 tháng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc (trụ sở Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành bộ Đông Dương Cộng sản đảng Hà Nội), Ban Chấp hành lâm thời của Thành bộ Hà Nội được thành lập gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ  Nam, đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư. Đây là sự kiện quan trọng và là tiền thân của Đảng bộ Hà Nội sau này.

Cuối tháng 4-1930, đồng chí  Đỗ Ngọc Du, Bí thư Thành ủy lâm thời được Trung ương điều đi công tác nước ngoài. Để có người lãnh đạo, tháng 6-1930 đồng chí Trần Văn Lan, Ủy viên Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp ở 117 phố Hàng Bông để tổ chức lại Thành ủy và Thành ủy Hà Nội chính thức thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư cùng 2 Ủy viên là đồng chí Lê Đình Tuyển và Đỗ Danh Cưu, Văn phòng Thành ủy do đồng chí Tạ Quang Sần phụ trách.

Sự kiện Thành ủy Hà Nội ra đời đánh dấu một bước trong phát triển của Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ (tức Phan, Phương, Lục) sinh năm 1908 trong một gia đình nghèo ở phố Khâm Thiên. Năm 1927  được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Nội và ngay sau khi Đông Dương Cộng sản đảng ra đời, đồng chí được  kết nạp và giữ cương vị lãnh đạo Xứ ủy và Thành bộ Đông Dương Cộng sản đảng Hà Nội.  

Ngay sau khi ra đời, cùng với việc xây dựng tổ chức cách mạng, Đảng bộ Hà Nội đã lao vào thực tế, lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân, nông dân, đầu tiên là cuộc đình công của công nhân xe điện đòi chủ không được cúp phạt lương trong tháng 4-1930. Tiếp đó, ngày 25-4-1930 công nhân nhà máy gạch Hưng Ký bãi công đòi tăng lương, công nhân nhà máy đèn Bờ Hồ bãi công hưởng ứng cuộc bãi công của công nhân Cửa Cấm (Hải Phòng).

Một sự kiện vô cùng đặc biệt là ngày 1-5-1930, những thanh niên tiền phong đã treo cờ đỏ búa liềm ở trước tòa Đốc lý, ga Hàng Cỏ, vườn Bách thảo... Các hoạt động ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ra ở cả nội và ngoại thành mà điển hình là cuộc biểu tình ở phố Sinh Từ ngày 10-11-1930 do Đội Tuyên truyền xung phong của Thành ủy thực hiện. Tại đây có hàng trăm người tham dự với truyền đơn, biểu ngữ, diễn thuyết hô hào ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đây là cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng đầu tiên do Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo. 

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Hà Nội và cao trào cách mạng năm 1930-1931 đã tác động sâu sắc đến phong trào ở Hà Đông và Sơn Tây để hai nơi này có nhiều hoạt động cách mạng sôi nổi, tiếp bước dưới cờ Đảng...

Tin đọc nhiều