“Dấu ấn” Miami trong vụ ám sát Tổng thống Haiti

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một trong những diễn biến bất ngờ vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moïse là vai trò trung tâm của thành phố Miami, Mỹ trong toàn bộ câu chuyện này. Các cộng đồng lưu vong, nguồn cung cấp sẵn sàng của các cựu chiến binh cùng các băng đảng ma túy khiến Miami trở thành mắt xích có thể liên quan đến biến cố vừa xảy ra ở Haiti.
Cảnh sát Haiti tiếp tục tăng cường an ninh tại Thủ đô Port-au-Prince hôm 12-7-2021

Cảnh sát Haiti tiếp tục tăng cường an ninh tại Thủ đô Port-au-Prince hôm 12-7-2021

Bí ẩn xung quanh nghi phạm chính

Tâm điểm của vụ ám sát Tổng thống Haiti hiện giờ là nghi phạm chính Christian Emmanuel Sanon, 62 tuổi, một người Haiti có quan hệ chặt chẽ với khu vực Miami. Bên cạnh đó là một người Mỹ gốc Haiti khác bị chính quyền Haiti giam giữ và công ty an ninh bị cáo buộc đã tuyển dụng lính đánh thuê Colombia có liên quan đến vụ tấn công. Công ty an ninh này tự xưng là Học viện Liên bang Đơn vị Chống Khủng bố (CTU) do một người Venezuela lưu vong điều hành. Nó có văn phòng ở Doral, ngay gần Sân bay Quốc tế Miami và khu nghỉ dưỡng chơi golf của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tham gia nhóm ám sát này có 26 cựu binh sĩ Colombia, trong đó 23 người đã bị bắt cùng với 3 người Haiti. Ít nhất 3 tay súng đã bị tiêu diệt và 5 nghi phạm đang lẩn trốn. Nhóm này đến Haiti trong khoảng cuối tháng 6. Các nghi phạm cho biết, nhiệm vụ của họ là bảo vệ Sanon, nhưng sau đó họ đã được lệnh bắt giữ Tổng thống Haiti. Sau khi ông Moise bị giết, Sanon đã liên lạc với 2 người khác, có thể là chủ mưu. Đáng nói, Sanon trong một video trên Youtube từng bày tỏ mong muốn được lãnh đạo đất nước Haiti. Tuy nhiên, ông này không được biết đến trong giới chính trị Haiti. Những người quen biết Sanon cho rằng ông ta bị lừa, chỉ là “bình phong” cho những kẻ thực sự đứng sau vụ giết hại Tổng thống Jovenel Moise.

Dù sao, sự việc này gợi nhớ đến Chiến dịch xấu số Gideon, một cuộc đột kích trắng trợn vào Venezuela vào tháng 5-2020, xuất phát từ Miami mà đối tượng tham gia là những kẻ lưu vong và lính đánh thuê do Jordan Goudreau, một cựu chiến binh “Mũ nồi xanh”, Jordan Goudreau, điều hành. Âm mưu đó khiến 8 người chết và 100 người bị bắt. Giống như ở Haiti, những kẻ âm mưu đảo chính đã bị chính quyền Venezuela bắt giữ, công khai trước các phương tiện truyền thông.

Trong nhiều thập kỷ, Miami hầu hết có liên quan đến những âm mưu đảo chính thất bại: từ sự kiện “Vịnh Con lợn”, cuộc xâm lược thất bại vào Cuba năm 1961, đến cuộc đột kích nhắm tới Venezuela năm ngoái và tuần trước là vụ ám sát Tổng thống Haiti. Hầu hết những sát thủ được cho là đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt trong 24 giờ sau khi gây án.

Miami - “trụ sở lưu vong của thế giới”

Miami có tất cả các yếu tố cần thiết cho một mối quan hệ hỗn loạn: một số cộng đồng lưu vong, mơ ước và âm mưu trở lại quyền lực ở quê nhà của họ, nguồn cung cấp sẵn sàng các cựu chiến binh quân sự có kinh nghiệm ở Mỹ Latinh và Caribe, cùng một môi trường dễ dãi cho các nhóm sắc tộc địa phương. Tiền ma túy từ việc buôn bán cocaine trong lịch sử đóng vai trò là yếu tố liên kết các trụ cột này.

Vùng đô thị trải dài dọc theo bờ biển từ Miami đến Fort Lauderdale đến Bãi biển Tây Palm là nơi sinh sống của cộng đồng người dân ở hầu hết các nước Mỹ Latinh, nhưng 3 cộng đồng quan trọng và tích cực nhất hiện nay là Cuba, Venezuela và Haiti. Người Cuba có truyền thống đóng đô ở Little Havana, ngay phía tây trung tâm thành phố Miami. Cách đó vài dặm là khu đông dân Little Haiti. Người Venezuela ở Miami phân tán hơn nhưng tập trung đông nhất là ở Doral.

Mỗi cộng đồng lưu vong chắc chắn có mối quan hệ riêng với tình báo Mỹ và nguyện vọng của họ đã đóng một vai trò trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Cuộc bỏ phiếu dành cho cộng đồng người Cuba và Venezuela đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ông Donald Trump thắng cử ở Florida vào năm 2016 và 2020. Cộng đồng Haiti của thành phố Miami có ít ảnh hưởng hơn nhưng họ đã là một lực lượng chính trong các vấn đề của Haiti, đồng thời giúp thúc đẩy nhu cầu đối với các công ty an ninh đã mọc lên khắp Nam Florida. Jenna

Ben-Yehuda, cựu phân tích Haiti tại Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là Chủ tịch của Dự án An ninh Quốc gia Truman nhận định: “Sự hiện diện của an ninh tư nhân đã phổ biến khắp Haiti trong nhiều thập kỷ, có thể vượt quá số lượng cảnh sát quốc gia Haiti”.

Anne Louise Bardach, người đã viết nhiều về thành phố này trong cuốn sách “Bí mật Cuba: Tình yêu và Báo thù ở Miami và Havana”, cho biết: “Đó là trụ sở lưu vong của thế giới. Bởi vì Florida là một bán đảo về cơ bản giống con dao găm cắm vào vùng Caribê và nhắm vào Châu Mỹ Latinh”. Bà Bardach cho rằng, các cộng đồng lưu vong ở đây hoạt động gần giống như các quốc gia tự trị, với sự quản lý nội bộ riêng, có bộ máy chính trị, đài phát thanh và báo chí riêng. Tất cả bọn họ nhìn về quê hương và đều mơ có ngày nắm quyền ở đó.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy chiến dịch được thực hiện ở dinh thự riêng của Tổng thống Haiti rạng sáng 7-7 nhằm vào một thứ gì đó tham vọng hơn nhiều so với việc giết người đơn thuần, bao gồm cả việc thay đổi chế độ. Nhưng trên thực tế, sự kiện bi thảm này đã tăng thêm sự khốn khổ và hỗn loạn của quốc gia Haiti và đằng sau nó, lại là một dấu ấn khác của Miami.