Đất “yên” thì dân yên

ANTĐ - Dường như dư luận cả nước đều chăm chú theo dõi kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. 3 điểm kết luận của Thủ tướng về sai phạm của huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng là hợp lòng dân. Bởi vì nói chung nhân dân đều thấy rõ những sai phạm vừa trái luật vừa trái đạo lý từ lâu và chờ đợi người đứng đầu Chính phủ nói lên đúng nhận định của dân. Nhiều ý kiến của các cán bộ cấp cao đã về hưu, các luật sư, nhân sĩ trí thức, cựu đại biểu Quốc hội cũng như hàng nghìn người dân đều bày tỏ quan điểm phản đối những sai phạm của những người có thẩm quyền liên quan trong việc cưỡng chế thu hồi đất. Vấn đề được dư luận quan tâm hơn cả là “hậu” Tiên Lãng như thế nào?

Kết luận đúng đắn của Thủ tướng thể hiện nguyên tắc đảm bảo tính công bằng, nói lên bản chất của nhà nước pháp quyền. Chính quyền phải thực sự là “của dân, do dân, vì dân”. Đất lành hay đất dữ, dân lành hay dân dữ, một phần lớn phụ thuộc vào những “công bộc” của dân. Trong vụ Tiên Lãng, Thủ tướng chỉ rõ, do quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai, nên quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật. Theo ý kiến của Thủ tướng: “Vụ việc khiếu nại của gia đình ông Vươn đã diễn ra mấy năm, nếu ngay từ ban đầu được chỉ đạo xử lý tốt, đúng pháp luật thì không xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua”.

Qua vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật; tập trung giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường khẳng định sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật về đất đai và hoàn thiện hệ thống Luật Đất đai.

Thủ tướng cũng chỉ đạo bộ này tham mưu cho Chính phủ sớm có văn bản thông báo tới các địa phương, đặc biệt là người dân đang sử dụng đất yên tâm. Trong khi chờ đợi xây dựng và ban hành Luật Đất đai mới cho phù hợp với tình hình hiện tại, đối với những trường hợp hết thời hạn thuê đất, giao đất sẽ tiếp tục được giao đất, cho thuê đất. Nói cách khác là sẽ gia hạn đối với các trường hợp hết thời gian giao đất. Không chỉ riêng ở Tiên Lãng, mà tất cả các địa phương trên cả nước cũng sẽ thực hiện chính sách này. Vấn đề quyền sử dụng đất đai của nông dân không chỉ “nóng” lên ở nước ta.

Báo chí nước ngoài đưa tin, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc đã kêu gọi phải bảo vệ tốt hơn quyền về đất đai của nông dân. Ông đặt câu hỏi: “Vấn đề phổ biến hiện nay là gì?” và tự trả lời: “Đó là việc tịch thu tùy tiện đất của nông dân, nông dân đã phẫn nộ và dấy lên những cuộc biểu tình đông người”. Tân Hoa xã trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc: Cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ đất đai là nguồn sống của người dân nhưng quyền lợi của họ không được bảo vệ thích đáng”. Ở Quảng Đông cũng như ở mọi tỉnh ở Trung Quốc, đất canh tác của nông dân thường bị chính quyền thu hồi với giá đền bù rẻ mạt để cho các nhà đầu tư phát triển các khu công nghiệp, đô thị mới, trung tâm thương mại, sân golf… Việc thu hồi đất đai tràn lan và tùy tiện cũng là nguồn gốc tạo nên sự lạm dụng quyền lực của quan chức địa phương mà Chính phủ Trung ương nước này không kiểm soát nổi. Hàng năm ở Trung Quốc, có tới hàng trăm nghìn vụ khiếu kiện đất đai triền miên, kéo dài.

“Lấy dân làm gốc” không phải là một khẩu hiệu suông. Đất nước có tới gần 70% dân số là nông dân thì gốc dân chính là nông dân. Đất có “yên” thì dân mới yên tâm làm ăn, làm giàu. “Phi nông bất ổn” là thế.

Tin cùng chuyên mục