"Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim"

ANTĐ - Đại biểu (ĐB) Trần Thị Quốc Khánh (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đã ví von như vậy để nói về thực trạng nền hành chính vẫn mang tính xin-cho, nhiều cấp, ngành, nhiều cán bộ, công chức vẫn làm khó cho doanh nghiệp.

Sáng 24-3, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.  

Phát biểu thảo luận, ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng việc tổ chức quản lý thị trường hiện nay vẫn còn là vấn đề bức xúc. “Tôi ví dụ ở lĩnh vực nông nghiệp, 60-70% dân số chúng ta sống ở đấy, nhưng vấn đề tổ chức thị trường ở khu vực này vẫn không làm tốt, hết chuyện hành tím ở Sóc Trăng không bán được, tương tự là khoai lang tím Vĩnh Long, thanh long miền Trung, dưa hấu Quảng Nam… Tại sao cứ để những lời kêu cứu của dân lặp lại hết năm này qua năm khác? Tại sao vấn đề hàng giả hàng lậu mãi tiếp diễn? Tại sao để bán hàng đa cấp kéo dài như thế,  người dân khóc lóc vì mất nhà mất cửa? Hay vấn đề tín dụng đen ở Cà Mau vừa qua? Đề nghị Chính phủ phải đánh giá cho rõ vấn đề này, xem trách nhiệm thuộc về ai, Bộ nào?”, ĐB An nói. 

"Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim" ảnh 1

ĐB Bùi Thị An cho rằng việc tổ chức quản lý thị trường hiện nay vẫn còn là vấn đề bức xúc

Đồng quan điểm này, ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) đánh giá sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, các sản phẩm nông nghiệp còn tản mạn, manh mún, chưa có sản phẩm mang tính chiến lược, lâu dài.

“Chúng ta sản xuất lúa gạo, xuất khẩu rất nhiều nhưng đến nay gần như gạo Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế", ĐB Khiết dẫn chứng.

ĐB Lê Thanh Hải (đoàn TP.HCM) thì cho rằng hiện nay, biến đổi khí hậu, hạn hán, ngập mặn, đây là nguy cơ rất lớn, đòi hỏi một cách cấp bách phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao với các giải pháp mạnh mẽ. “Trước hết phải phát huy tối đa đội ngũ khoa học trong nông nghiệp kỹ thuật cao. Làm tốt cái này chúng ta giải quyết được nhiều khó khăn”, ĐB Hải đề nghị. 

Trước vấn đề biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn hoành hành tại các tỉnh phía Nam, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng giải pháp đặt ra là phải nghiên cứu, đắp đê bao như đồng bằng Bắc Bộ, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản, hoặc nghiên cứu lúa có thể trồng trong nước mặn. 

Đề cập tới vấn đề sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp – một trong 3 trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo cho biết nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa, vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm trên 90%. "Điều này không đảm bảo mục tiêu cổ phần hóa đặt ra, dẫn đến nhiều nguy cơ, hệ lụy khác”, ĐB Bảo nói. 

Băn khoăn trước tình trạng nền hành chính vẫn nặng về xin-cho, chưa đảm bảo tự do kinh doanh bình đẳng, ĐB Trần Thị Ngọc Khánh nói: “Tôi thấy vấn đề ở đây là thể chế. Cải cách hành chính chưa đảm bảo quyền tự do bình đẳng kinh doanh giữa các thành phần kinh tế cũng như người dân. Cứ nói là cải cách hành chính nhưng thực tế nền hành chính vẫn mang tính xin-cho. Nhiều cấp, ngành, nhiều cán bộ, công chức vẫn làm khó cho doanh nghiệp”. 

"Đất lành chim đậu, nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim" ảnh 2

ĐB Trần Thị Quốc Khánh mong muốn nhiệm kỳ tới, nền hành chính nước ta phải thay đổi

Theo ĐB Khánh, doanh nghiệp ổn định và phát triển trong bối cảnh hiện nay là rất khó. “Rất nhiều doanh nghiệp tâm sự với chúng tôi rằng mọi người cũng rất muốn làm giàu cho đất nước, cho quê hương. Đất lành thì chim đậu, nhưng chim chưa đậu thì đã nhậu hết cả chim”, ĐB Khánh ví von, đồng thời bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ tới, nền hành chính nước ta phải thay đổi.

Về bội chi ngân sách và chi thường xuyên, ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP.HCM) cho rằng để khắc phục Chính phủ đã có giải pháp nhưng thủ tục rất nhiêu khê. “Chính phủ muốn địa phương giảm biên chế 10% nhưng đề án địa phương phải trình Bộ Nội vụ duyệt. Đây là điều phi lý. Vì vậy phải tháo gỡ và phân cấp rõ ràng. Đề nghị Chính phủ mạnh dạn giao cho địa phương tinh giản. Bộ máy càng lớn thì nó gánh nợ công, bội chi ngân sách”, ĐB Dung nói.

ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) bày tỏ băn khoăn: “Thành tựu kinh tế xã hội như báo cáo đã thực chất chưa, đã làm gì để nâng cao đời sống nhân dân? Nợ nước ngoài hiện khoảng 80 tỷ USD, bội chi khoảng 250 tỷ/năm. Xuất khẩu gạo hàng năm khoảng 3 tỷ USD nhưng uống bia cũng hết. Chi lương thường xuyên cho cán bộ hành chính là 400 nghìn tỷ đồng, trong khi đó thu ngân sách là 1 triệu tỷ”.

Vấn đề tinh giản cán bộ, theo ĐB Đương phải gắn với xã hội hoá: “Những gì người dân làm được thì để dân làm. Chứ cái gì cũng ngân sách nhà nước thì chết, dân không nuôi nổi. Một ông nông dân cõng 4 ông công chức là không nổi”.

Thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng đất lâm trường đang rất lãng phí, chưa được 90kg gạo/ha. Còn tình trạng phát canh thu tô, biến lâm trường viên thành những người lao động làm thuê. “Theo tôi cần giải thể, chuyển đổi mục đích. Tất cả dự án hoang phí đến thời điểm phải thu hồi lại ngay. Phải có tư duy mới, tư duy xử lý tình huống. Nông nghiệp kỹ thuật cao, nếu đầu tư lĩnh vực này thì doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững nhất”, ĐB Đương kiến nghị.