Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang:

Đất đai: Nhìn đâu cũng thấy bức xúc

ANTĐ - Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang đã nhận được rất nhiều câu hỏi khó liên quan tới chính sách pháp luật đất đai.

Đất đai: Nhìn đâu cũng thấy bức xúc ảnh 1


Nới hạn điền, thời hạn sử dụng đất

ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) “mở hàng”: “Chính sách pháp luật đất đai đang bộc lộ nhiều bất cập, Bộ trưởng kiến nghị gì về sửa đổi Luật Đất đai?” ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn: “70% khiếu nại tố cáo (KNTC) liên quan đất đai. Bức xúc lớn nhất ở nội dung bồi thường khi thu hồi đất. Trách nhiệm của ngành ở đâu khi KNTC vẫn tăng?”.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình: “Nguyên nhân dẫn tới những bức xúc trong bồi thường là bởi chưa đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng khi thu hồi đất. Giá đất bồi thường còn thấp. Chưa chú trọng tạo việc làm mới cho người bị thu hồi đất. Năng lực đội ngũ làm GPMB còn hạn chế... Tất cả dẫn tới nhiều vụ khiếu kiện kéo dài, có vụ đã gần 10 năm. Chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư tồn tại”.

Về sửa đổi Luật Đất đai 2003, Bộ trưởng cho biết, sẽ mở rộng thời hạn sử dụng đất và hạn điền. Ông nói: “Mở rộng bao nhiêu năm thì khi trình Quốc hội chúng tôi sẽ nêu cụ thể. Có thể 30 - 50 năm. Nới hạn điền cũng cần thiết bởi mức hiện nay là thấp. Qua tổng kết, chúng tôi thấy cần nâng lên gấp 5 đến 10 lần. Tất nhiên, đi cùng với đó là công cụ quản lý bằng thuế bởi nới hạn điền là để phục vụ sản suất chứ không phải để đầu cơ...”.

ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) bức xúc: “Quy định là năm 2010 phải cấp xong hết "sổ đỏ" nhưng tới nay năm 2012 vẫn chưa xong. Giải pháp mạnh của Bộ trưởng để thực hiện yêu cầu này?” Bộ trưởng cho biết: “Về cấp “sổ đỏ”, Bộ trưởng Bộ TN-MT nhiệm kỳ trước có hứa cấp xong vào năm 2010, nhưng kết quả chưa đạt được”. Ông phân bua: “Nếu cấp hết, cần 30.000 tỷ đồng, trong khi mỗi năm chỉ chi được khoảng 1.000 tỷ đồng, quá ít so với nhu cầu”. Để giải quyết vấn đề, Bộ trưởng nói, “cấp xong toàn bộ rất khó, không bao giờ có thể hoàn thành được, chỉ cố phấn đấu được khoảng 80%, nếu đủ nguồn vốn thì cũng phải tới năm 2015”. Nghe tới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không vừa lòng: “Bộ trưởng nói 2015 mới xong cơ bản, tôi không đồng ý. Liệu năm 2013 có hoàn thành cơ bản được không?”. Tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng nói, “sẽ cố gắng hoàn thành trên 80% “sổ đỏ” cho đất đô thị và đất chuyên dùng trong năm 2013”.

Lúng túng với dự án “treo”

Vấn đề đất đai ở khu công nghiệp, khu đô thị bỏ hoang ở các địa phương được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) hỏi: "Phát triển khu công nghiệp quá nóng. Đất đai bỏ hoang hóa, lãng phí cộng thêm nạn ô nhiễm môi trường gây nhiều bức xúc, trách nhiệm của Bộ như thế nào?". Bộ trưởng đáp: “Quy định xử lý dự án “treo” đã rất rõ nhưng tình trạng này vẫn phổ biến. Địa phương cũng lúng túng trong khi dân bức xúc vì dự án rào đất lại, đổ cát vào nhưng mãi không làm gì. Bộ TN-MT đang tổng hợp, tìm hướng xử lý”. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thanh minh: "Triển khai khu công nghiệp cũng cần thời gian dài để lấp đầy. Tỷ lệ này còn thấp, khoảng 50% song nếu triển khai thêm dự án mới mà đúng quy hoạch thì vẫn chấp nhận được".

Tiếp mạch đất đai, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) hỏi: "Thái độ của Bộ TN-MT trong vụ ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng - Hải Phòng), vụ Văn Giang (Hưng Yên)? Bao giờ dứt điểm các vụ này?". Bộ trưởng nhìn nhận: “Các vụ việc cụ thể ở Tiên Lãng, Văn Giang... xảy ra là đáng tiếc. Chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của Bộ TN-MT, của địa phương. Thái độ chung là các vụ việc phải giải quyết theo quy định pháp luật, đúng trách nhiệm của cơ quan Nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân liên quan. Sau vụ Tiên Lãng, Bộ TN-MT đã kiểm tra một số tỉnh có đất bãi bồi ven sông, ven biển, tình hình thấy... bình thường, đúng pháp luật. Thế nên, vụ Tiên Lãng là bài học sâu sắc với ngành tài nguyên môi trường”. Về vụ việc ở Văn Giang, Bộ trưởng nói, “đã cử cán bộ xuống nắm tình hình” và “không phải người dân có kêu ca, phàn nàn gì về đền bù”. Ông cho biết, người dân đề nghị xem xét thu hẹp lại tổng diện tích dự án và khu đất dịch vụ phải nằm trong khu đô thị.

Chưa hài lòng với lời đáp của Bộ trưởng, ĐB Bùi Thị An vẫn muốn biết, “ai đúng, ai sai cụ thể”. Đặc biệt, ĐB Hà Nội đặt vấn đề: “Bao giờ người dân ở các lưu vực sông được sống trong môi trường sạch, trong lành". Ông Nguyễn Minh Quang cho biết, “tất cả đã có kết luận rõ ràng” nhưng vì “không có thời gian trình bày” nên Bộ trưởng mời ĐB Bùi Thị An tới Bộ để trao đổi cụ thể sau. 

Trả lời về các dòng sông, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang lúng túng: "Bao giờ dòng sông xanh lại là câu hỏi rất hóc búa. Khi nào đất nước đạt đến một trình độ phát triển nhất định thì các vấn đề mới dần giải quyết hết được”. Cũng quan tâm tới vấn đề môi trường, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi: “Sông Hồng bị ô nhiễm nghiêm trọng, thu hẹp dòng chảy, vì sao Chính phủ chưa có chương trình nào để bảo vệ?”. Bộ trưởng phân trần: “Đúng là sông Hồng ô nhiễm nặng nề. Chúng tôi đã biết và rất quan tâm. Ở đây, có trách nhiệm của cả phía bên kia biên giới (Vân Nam, Trung Quốc) và chúng ta. Hiện nay, sông Hồng chưa có chương trình bảo vệ. Chúng tôi sẽ tham mưu Chính phủ về việc này”.

Chủ tịch Quốc hội chấm điểm Bộ trưởng: Cần nghiêm túc thực hiện lời hứa

"Không khí chất vấn thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm rất cao. ĐB hỏi rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Bộ trưởng Bộ TN-MT đã trả lời khá đầy đủ, nhưng cũng có những điểm cần giải thích, bổ sung thêm. Với những gì đã hứa trước Quốc hội, Bộ trưởng phải lưu ý tập trung giải quyết, thực hiện cho tốt, từ việc tham mưu sửa đổi những bất cập trong chính sách pháp luật đất đai tới những vấn đề bức xúc khác như sử dụng đất lãng phí, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, xử lý khiếu nại, tố cáo tồn đọng...".

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé: Lòng dân vẫn chưa yên 

Qua trả lời của Bộ trưởng Bộ TN-MT, tôi thấy mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu của ĐBQH. Vẫn còn nhiều ý Bộ trưởng chưa trả lời đặc biệt là những giải pháp trong giai đoạn tới đặt ra như thế nào, để giải quyết dứt điểm các vụ việc “nóng” liên quan đến đất đai. Theo tôi, đây là vấn đề cử tri rất quan tâm. Thực tế vừa qua cho thấy, Chính phủ cũng như Bộ TN-MT và các ngành liên quan đã có những giải pháp để giải quyết những vấn đề về đất đai, nhưng lòng dân vẫn chưa yên và từ đó dẫn đến tình trạng khiếu kiện tiếp tục tái diễn, đôi khi còn xảy ra khiếu kiện vượt cấp. Vấn đề này liên quan đến việc giải quyết của các cơ quan Bộ, ban - ngành chức năng với sự đồng thuận của người dân chưa gặp được nhau. 

Đại biểu Ya Duck: Chúng tôi chưa hài lòng

T  heo tôi, Bộ trưởng Bộ TN-MT vẫn còn né tránh và trả lời không trực tiếp vào những vấn đề cử tri mong muốn giải đáp, hoặc ĐBQH đang tìm hiểu. Tôi kiến nghị, trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng nên nghiên cứu kỹ các câu hỏi và trả lời theo ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ theo nguyện vọng của cử tri. Nếu Bộ trưởng cứ trả lời chung chung như vậy, cử tri không hài lòng và ngay cả ĐBQH ngồi trong hội trường cũng toát mồ hôi, vì không hiểu Bộ trưởng trả lời cái gì. 

Tôi xin đơn cử ví dụ: Những vấn đề cần phải giải quyết và giải quyết ra sao thì Bộ trưởng phải nói rõ các giải pháp sắp tới. Ngay cả việc Chủ tịch Quốc hội hướng tới vấn đề một số việc phải giải thích rõ hơn cho cử tri và ĐBQH biết, nhưng Bộ trưởng cũng trả lời chưa rõ nên chúng tôi còn băn khoăn. Tóm lại, chúng tôi chưa hài lòng với cách trả lời của Bộ trưởng.

Đại biểu Lê Đình Khanh: Không cần thiết phải  quy định mức hạn điền

Việc Chính phủ dự tính tăng thời hạn thuê đất nông nghiệp lên từ 30 - 50 năm, theo tôi vẫn chưa hợp lý. Không nên khống chế thời gian giao đất mà nên giao vô thời hạn và nếu làm không đúng quy hoạch hoặc để đất hoang thì thu hồi ngay. Trong việc này cần có quy định rõ ràng và giao đất như vậy còn giúp chúng ta kiểm soát được việc sử dụng đất và việc đất nông nghiệp bị thu hẹp sẽ ít xảy ra hơn.

Về mức hạn điền, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói sẽ tăng lên gấp 5 đến 10 lần hiện nay, có nghĩa là khoảng 30 đến 60ha cho mỗi hộ. Tôi cho rằng quy định mức hạn điền là không cần thiết, như vậy chắc chắn phải sửa đổi luật tiếp. Khi chúng ta đạt đến một nền kinh tế lấy công nghiệp làm chủ đạo, thì tỷ lệ người dân sống bằng nông nghiệp sẽ giảm. Nhưng chúng ta đang cố gắng không giảm tỷ lệ đất cho nông nghiệp, như vậy mức hạn điền đối với mỗi người dân phải tăng lên. Nếu quy định cứng nhắc là bao nhiêu hécta thì Luật Đất đai sẽ không có tính bền vững lâu dài. Theo tôi, đất nông nghiệp chỉ giao cho những người biết nghề, sống bằng nghề nông nghiệp, nên việc quy định mức hạn điền và thời gian giao đất là không cần thiết. 

Không chia lại ruộng đất

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) hỏi: “Sau năm 2013, sẽ kéo dài thời hạn sử dụng đất tiếp 20 năm, vậy những đối tượng ra đời sau 1993 thì có chính sách gì để tạo điều kiện cho họ sinh sống không? Bộ trưởng nói: "Trung ương đã có bàn nội dung này và kết luận không chia lại đất đã giao. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đang ngày càng giảm đi và những năm tới, nhu cầu đất cho sản xuất nông nghiệp sẽ không còn bức bách như hiện nay".