Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Việt Nam học và Khoa học phát triển)

“Đất của tổ tiên chúng ta, làm gì có chuyện cướp không!”

ANTĐ - Việc một quốc gia khác hạ đặt giàn khoan trên lãnh thổ quốc gia chúng ta thì không có lý do gì để không kiện cả. Phải kiện đến cùng, thời đại văn minh, phải đặt luật pháp quốc tế lên đầu và phải có trọng tài giải quyết. Chúng ta có đầy đủ căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học thể hiện rõ chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa và Trường Sa. 

- PV:  Thưa giáo sư, cơ duyên nào khiến ông tiếp cận được bộ Atlas của nhà địa lý học Philippe Vandermaelen?

- GS Nguyễn Quang Ngọc: Tôi nghiên cứu và tập hợp bản đồ phương Tây từ nhiều năm nay. Nhưng có thể tôi không may mắn gặp được bộ Atlas này. Cách đây hơn một tháng, chị Nguyễn Thị Hải - nghiên cứu sinh Đại học Paris 7 gửi cho tôi bản sao bộ bản đồ này qua GS Nguyễn Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV. Khi tiếp cận, tôi đã rất ngạc nhiên bởi đây là tấm bản đồ cổ cực kỳ có giá trị. Lúc đó, tôi đã gợi ý với Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện để tôi nghiên cứu trực tiếp, chứ nghiên cứu qua bản photocopy thì không đánh giá được điều gì. Khi tới châu Âu, tôi đã được tạo điều kiện, tiếp xúc nhiều bản gốc của bộ Atlas này.  Nó đang được lưu giữ ở nhiều nơi, thư viện Trường  Đại học Y- Paris, thư viện Quốc gia Pháp có tới 2 bộ, rồi có ở thư viện Viện Địa lý hoàng gia Bỉ... Tôi đã nghiên cứu, trao đổi với các chuyên gia về bản đồ ở châu Âu, và cả các chuyên gia về luật ở châu Âu nhằm khẳng định tính pháp lý và giá trị.

- Và giá trị của tấm bản đồ này đã khiến ông ngạc nhiên?

- Đúng thế. Bản đồ này quá hiện đại, chính xác ở mức tuyệt đối. Philippe Vandermaelen là người say mê bản đồ, vẽ bản đồ theo phương pháp khoa học từ rất sớm và cũng sớm có thành tựu được cả thế giới công nhận. Bên cạnh đó, Bỉ là nước có nền địa lý học và bản đồ học phát triển hàng  đầu thế giới.  

- Chúng ta đã nắm trong tay nhiều bằng chứng thể hiện chủ quyền của Việt  Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Còn với bộ Atlas này, ông đánh giá thế nào về tính khách quan của nó?

- Tấm bản đồ này được vẽ theo công nghệ đỉnh cao đầu thế kỷ 19. Thứ nữa nó do một nhà khoa học ở nước không liên quan (đến Việt Nam và Trung Quốc - PV) vẽ thì đương nhiên họ sẽ khách quan, trung thực và vô tư. Thực tế chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa được đánh dấu mạch lạc. Bộ Atlas còn là sự ghi nhận quốc tế đối với chủ quyền của ta ở 2 quần đảo kể trên. Đó là bộ bản đồ chính xác, khách quan, khoa học và được nước bên ngoài ghi nhận.

- Liệu đây có phải là chứng cứ pháp lý tốt để chúng ta yêu cầu Trung Quốc  rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi hải phận Việt Nam?

- Trên bản đồ thể hiện chính xác khu vực đảo Tri Tôn, và vừa rồi khi Trung Quốc đặt giàn khoan đúng vị trí đó, Việt Nam càng có thêm cơ sở lịch sử và pháp lý để đấu tranh đến cùng. Chúng ta phải bằng mọi cách, dựa trên Công ước Quốc tế, Luật pháp Quốc tế, yêu cầu Trung Quốc dời giàn khoan Hải Dương 981. Bởi đó không phải là đảo của họ. Đó là của Việt Nam chúng ta. Trung Quốc cứ rêu rao về cái gọi là lợi ích cốt lõi. Sao lợi ích cốt lõi lại ở nhà của người khác? Tôi cho như thế là sự vi phạm trắng trợn và nguy hiểm. Nhân loại tiến bộ khó có thể chấp nhận lối hành xử kiểu đó. 

- Quan điểm của ông về việc đưa sự việc này ra Tòa án Quốc tế, nên hay không?

- Việc một quốc gia khác hạ đặt giàn khoan trên lãnh thổ quốc gia chúng ta thì không có lý do gì để không kiện cả. Phải kiện đến cùng, thời đại văn minh, phải đặt luật pháp quốc tế lên đầu và phải có trọng tài giải quyết. Chúng ta có đầy đủ căn cứ khoa học, bằng chứng khoa học thể hiện rõ chủ quyền của chúng ta ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi, những người làm khoa học đã tìm mọi cách để chứng minh các tư liệu cổ, bản đồ cổ để mọi người biết. Công việc tiếp theo thuộc về cơ quan đàm phán, ngoại giao, luật pháp… trên cơ sở mỗi người một lĩnh vực mà triển khai để có thể góp phần đấu tranh đòi chủ quyền, giành lại chủ quyền hiệu quả nhất. Khi tất cả các chứng cứ được đặt cạnh nhau sẽ tạo thành nguồn sức mạnh chân lý. Và chân lý này là đất của tổ tiên chúng tôi, anh phải trả, làm gì có chuyện vào đó mà cướp không được.

- Xin cảm ơn GS!