Đặt chỉ tiêu mỗi năm đạt 70 trường chuẩn quốc gia

ANTĐ - Chỉ còn 2 tháng nữa Hà Nội kết thúc kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn  2010-2015 với mục tiêu 50% trường đạt chuẩn trên toàn thành phố. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn, bởi các quận, huyện đều gặp nhiều khó khăn để đẩy các tiêu chí đạt chuẩn quốc gia.

Đặt chỉ tiêu mỗi năm đạt 70 trường chuẩn quốc gia ảnh 1Xây dựng trường chuẩn là tiêu chí phấn đầu hàng đầu của Hà Nội

5 năm tăng gấp 2 lần số trường đạt chuẩn 

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, qua 5 năm, số trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội đã tăng gấp 2 lần, đến hết tháng 9-2015, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 1.058/2.481 trường, tương đương với 42,6%. “Toàn ngành đang quyết tâm sẽ đạt chỉ tiêu thành phố đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có tỷ lệ trường chuẩn cao thì một số quận, huyện vẫn còn khó khăn trong quá trình thực hiện. Khó khăn được các quận, huyện nêu ra vẫn liên quan đến quỹ đất và kinh phí đầu tư”.

Được biết, trong các quận, huyện, thị xã vượt chỉ tiêu đến thời điểm này thì quận Long Biên đạt tỷ lệ vượt trội với 49 trường, chiếm 86%. Trưởng phòng   GD-ĐT Long Biên Lưu Thị Bích Hằng cho biết, quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia có nhiều thuận lợi, bởi quận đã đặt chỉ tiêu phù hợp trong 5 năm, đồng thời bám sát kế hoạch từng năm. “Hàng năm, chúng tôi phải rà soát xem tiêu chuẩn nào cần điều chỉnh bổ sung, đề xuất UBND quận điều chỉnh để đảm bảo đúng tiến trình. Hiện quận Long Biên đã có 49 trường đạt chuẩn, trong tháng 10-2015 sẽ công nhận thêm 2 trường, nâng tỷ lệ lên gần 90%” - bà Lưu Thị Bích Hằng chia sẻ. 

Một trong những quận khắc phục khó khăn, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu năm 2015 là quận Hai Bà Trưng. Đại diện Phòng GD-ĐT quận này cho biết, số lượng trường chuẩn tăng rõ rệt, đạt 32/63 tổng số các trường trên địa bàn quận. “Khó khăn của quận là diện tích trường học rất hạn chế, một số trường sĩ số học sinh rất cao. Để đạt tiêu chí theo chuẩn quốc gia, phòng GD-ĐT đã đề xuất lãnh đạo UBND quận giảm sĩ số, đồng thời dành đất mở trường mới để tách trường Lê Ngọc Hân, xây mới trường Ngô Thì Nhậm. Dự kiến năm 2017 toàn quận sẽ có 38/63 trường đạt chuẩn, nâng tỷ lệ lên tỷ lệ 59,9%” - đại diện phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết.

Không dễ đạt chỉ tiêu

Ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD-ĐT cho biết, Hà Nội đang đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn sẽ ở mức từ 60-75%, trong đó, mỗi năm phấn đấu sẽ có 70 trường đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu không dễ đạt được vì càng về sau các trường được bổ sung tiêu chí đạt chuẩn càng khó do hạn hẹp về quỹ đất. Bên cạnh đó, khó khăn về kinh phí cũng khiến nhiều huyện đang lo chưa thể đạt kế hoạch năm 2015 dù còn hơn 2 tháng nữa.

Bà Phạm Thị Hồng Nga đánh giá, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn thành phố đã nỗ lực cao nhất với 35 trường đạt chuẩn quốc gia, 11 đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu. Có 41 trường trong tháng 10 sẽ được kiểm tra, công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt xấp xỉ 52% các trường công lập toàn thành phố đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý 19 đơn vị chưa đạt được chỉ tiêu nào của năm 2015, cần phải hết sức nỗ lực để về đích. Bên cạnh đó, việc kiểm tra công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia cũng quan trọng không kém công nhận mới. “Sở sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra ngẫu nhiên tiến trình công nhận lại ở các quận, huyện. Một số trường xập xệ, xuống cấp nếu không được đầu tư sẽ kiên quyết không công nhận lại là trường chuẩn” - bà Nga nhấn mạnh.

Có thể thấy, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia được thành phố đặc biệt quan tâm, đầu tư và cơ bản đã đạt mục tiêu sau khi nỗ lực khắc phục khó khăn từ thực tế. Kế hoạch xây dựng trường chuẩn năm 2016 không nhiều như các năm trước nhưng lại là những trường khó, cộng với việc kiểm tra công nhận lại số lượng trường hết hạn công nhận khá lớn đòi hỏi các quận, huyện phải có kế hoạch cụ thể và bám sát tiến độ thực hiện.

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT: Nỗ lực vượt bậc trong việc xây dựng trường chuẩn

“Nếu so sánh với nhiều tỉnh, thành phố khác, Hà Nội chưa phải là đơn vị đạt thành tích cao nhất trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Có thể thấy, nhiều năm nay Hà Nội luôn đi đầu về chất lượng giáo dục cũng như các tiêu chí trường chuẩn nhưng riêng với tiêu chí diện tích đất trên đầu học sinh thì Hà Nội gặp không ít khó khăn do đặc thù Thủ đô, đất chật người đông. Bộ GD-ĐT hiểu rất rõ những vướng mắc đặc thù của Hà Nội. Về chính sách cũng đã có một số điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, để đạt được tiến độ như hiện nay, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, sự quan tâm của các cấp chính quyền thành phố. Tôi cho rằng, Hà Nội sẽ còn tiến nhanh hơn nữa trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng như trong lĩnh vực giáo dục nói chung”.

Chị Mai Thị Nhất, huyện Phúc Thọ, Hà Nội: Mong con được học trong ngôi trường khang trang

“Huyện Phúc Thọ là một huyện nghèo của Hà Nội nên còn rất ít trường đạt chuẩn quốc gia. Hàng ngày tôi đều đi làm trong các quận nội thành và thấy rõ sự khác biệt giữa trường học được đầu tư đạt chuẩn quốc gia với trường con mình học ở địa phương. Ở quận nội thành, trường lớp khang trang, nhìn về cơ sở vật chất có thể thấy rõ các học sinh được tạo điều kiện tốt hơn hẳn. Hiện con em ở xã tôi vẫn về nhà ăn trưa vì nhà trường chưa có bếp ăn. Tôi nghe nói, ngoài cơ sở vật chất tốt thì ở trường chuẩn quốc gia đội ngũ nhà giáo cũng được đầu tư mạnh, đảm bảo chất lượng. Tôi hy vọng con mình sẽ sớm được học ở ngôi trường có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên tốt để con có thể phát huy tốt nhất năng lực của mình”.