Đất cát lấn át tình người

ANTĐ - “Tấc đất, tấc vàng”, đó là điều mà ai cũng biết, song nếu chỉ vì thứ vật chất này mà rũ bỏ hết tình cảm gia đình, ruột thịt, thậm chí sát hại cả người thân thì đó là điều không ai chấp nhận được.           

Ảnh: LEO

Nằng nặc đòi bỏ tù mẹ đẻ 

Hơn chục năm hành nghề luật, luật sư Nguyễn Văn Hà – Trưởng văn phòng Luật sư Hà Lan và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) từng tham gia tố tụng tới cả trăm vụ việc nhưng với ông, vụ án cụ bà Nguyễn Thị Cải (81 tuổi, trú ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) phải dắt díu theo 5 người con dâu, con gái đến một phiên xét xử, tại TAND TP Hà Nội hồi tháng 5 mới đây vẫn là vụ án đáng nhớ và đáng buồn nhất. Nhắc lại vụ án này, luật sư Hà kể: “Ngay khi tiếp cận hồ sơ, tôi đã thấy ngán ngẩm không muốn tham gia, nhưng rồi lại không nỡ từ chối, đơn giản là vì tôi muốn giúp gia đình họ bớt căng thẳng để sau này còn có cơ hội hàn gắn”.    

Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, con đường khiến 6 mẹ con cụ Cải phải ra trước vành móng ngựa về tội hủy hoại tài sản bắt nguồn từ việc tranh chấp, lục đục về đất đai giữa những thành viên trong gia đình. Dù đã nhiều lần khuyên nhủ và thương lượng, song cụ Cải vẫn không nhận được cái “gật đầu” của vợ chồng anh Hoàng Văn Đích, bớt lại một phần đất đang ở cho người anh ruột. Không những thế, cuối năm 2011 vợ chồng anh Đích còn xây dựng công trình phụ trên phần đất mà cụ Cải đang ở cùng vợ chồng người con trai lớn. Do đó, sáng 23-12-2011, cụ Cải cầm búa xông sang nhà anh Đích đập phá công trình. Thấy vậy, chị Nguyễn Thị Thường (vợ anh Đích) xông vào giằng co. Cuộc chiến giữa mẹ chồng nàng dâu lên đến đỉnh điểm, khi cụ Cải vấp ngã và bị chị Thường tước chiếc búa. Nghe tiếng mẹ già kêu cứu, 5 người con dâu và con gái của cụ vội chạy sang. Cho rằng chị Thường đánh mẹ chồng ngã nên các con của cụ Cải lập tức xông vào cào cấu, đánh đập vợ anh Đích. Hậu quả của trận đòn hội đồng khiến chị Thường phải nhập viện với tỉ lệ tổn hại sức khỏe 4%. 

Chưa hả lòng, 2 ngày sau, nhân cơ hội con dâu nằm viện, cụ Cải lại triệu tập con gái, con dâu cùng kéo sang nhà anh Đích đập phá tài sản. Toàn bộ công trình vệ sinh 18m2 của vợ chồng anh Đích bị phá hủy gần hết, thiệt hại là hơn 8 triệu đồng… Luật sư Hà kể, hôm vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm, dù bảo vệ quyền lợi cho bị hại nhưng ông vẫn hết lời khuyên nhủ vợ chồng con trai cụ Cải rút lại kháng cáo về phần hình phạt, nhưng không được thân chủ đồng ý. Trước tòa, anh Đích đã nằng nặc đề nghị HĐXX chuyển từ 6 tháng tù, hưởng án treo sang tù giam đối với cả 6 mẹ con cụ Cải. Tuy nhiên, tòa án đã bác đơn kháng cáo tăng hình phạt của vợ chồng anh Đích. 

Thiệt hại không chỉ là vật chất 

Cách đây chưa lâu, Tòa án Hà Nội cũng đã chấp nhận giảm từ 5 năm tù xuống còn 4 năm tù giam đối với Nguyễn Văn Mừng (SN 1969, trú ở xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội) về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị hại là ông Nguyễn Văn Khải (anh trai ruột của bị cáo) bị tổn hại 42% sức khỏe. 

Việc Mừng nhẫn tâm đánh, chém anh trai cũng có nguyên nhân sâu xa từ việc tranh giành đất. Trong lúc việc tranh chấp đất đai đang được chính quyền địa phương xem xét thì chiều 7-5-2011, vợ chồng ông Khải phát hiện kiêu gạch của gia đình bị đổ. Cho rằng thủ phạm chính là em trai nên ông này lớn tiếng chửi, dẫn đến hai bên cự cãi nhau. Liền sau đó, Mừng chạy vào nhà lấy tuýp sắt, dao phay ra “xử” anh trai. Ông Khải cũng cầm xẻng đáp trả. Trước tòa, Mừng khoa chân, múa tay ra sức tố cáo anh trai đã lấn đất của gia đình đối tượng, đồng thời còn bất kính với bố mẹ già. Ngược lại, ông Khải cũng lớn tiếng kể tội. Hôm đó, nếu không bị HĐXX nạt nộ thì rất có thể anh em Mừng sẽ tiếp tục ẩu đả. Cũng chính vì thế mà ông Khải đã đề nghị tòa án bỏ tù em trai mình lâu hơn nữa. 

Ngày 9-10 mới đây, Bùi Trần Định (SN 1940, trú ở xã Quất Động, Thường Tín, Hà Nội) cũng đã phải trả giá cho hành vi giết hại em gái ruột bằng bản án chung thân. Động cơ khiến  bị cáo này ra tay với nạn nhân là vì ông ta bị em gái đệ đơn ra tòa đòi hưởng một phần mảnh đất do người mẹ quá cố để lại. Sáng 19-4, lợi dụng lúc em gái mang đồ ăn sang cho bố, Định đã xông đến từ phía sau đâm liên tiếp nhiều nhát vào người em gái, khiến bà này tử vong ngay sau đó… 

Nói về những vụ án hình sự có nguyên nhân sâu xa từ tranh chấp đất đai và tài sản, trong đó các bên liên quan là ruột thịt của nhau, một thẩm phán TAND TP Hà Nội cho rằng hầu hết đều có diễn biến dai dẳng, âm ỉ từ trước. Thế nhưng các tranh chấp, mâu thuẫn đó đã không được những người trong cuộc và chính quyền, đoàn thể ở địa phương kịp thời xử lý ổn thỏa. “Những người liên quan đến các vụ án này đã quá coi trọng vật chất và ít nhiều bị cơ chế thị trường tác động” – vị thẩm phán Tòa án Hà Nội nhìn nhận.