Đặt camera quay lén có phạm tội không?

ANTĐ - Anh Nguyễn Văn K. cùng bạn gái thuê một phòng tại nhà nghỉ A. Trong khi sử dụng phòng, anh K. phát hiện sau gương phòng nghỉ có đặt thiết bị quay lén. Sau khi làm đơn tố cáo, cơ quan chức năng đã phát hiện người đặt thiết bị quay lén trong phòng nghỉ chính là Hoàng Mạnh H., nhân viên lễ tân của nhà nghỉ A.

Đặt camera quay lén có phạm tội không? ảnh 1

Tại cơ quan công an, Hoàng Mạnh H. khai nhận mình đã đặt 3 thiết bị quay lén tại 3 phòng nghỉ khác nhau theo yêu cầu của chủ nhà nghỉ. Sau khi bị cơ quan chức năng triệu tập, chủ nhà nghỉ khai nhận người này cho nhân viên lắp đặt camera quay lén các cặp đôi tại 3 phòng với mục đích để… xem lại. 

Vấn đề đặt ra là dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hành vi quay clip của nhân viên Hoàng Mạnh H. có vi phạm pháp luật? Chủ nhà nghỉ có vi phạm pháp luật? Nếu có thì phạm tội gì?

 Ý kiến bạn đọc:

Có thể bị xử lý hình sự 

Thời gian vừa qua đã nhiều người đã bị kết án do lén quay clip sex rồi đe dọa, tống tiền. Trong trường hợp này, cơ quan công an cần làm rõ mục đích của Hoàng Mạnh H. và chủ nhà nghỉ. Tùy vào mục đích của việc quay lén đó mà người quay lén và kẻ chủ mưu có thể bị xử lý hình sự về các tội cụ thể. Nếu chủ nhà nghỉ cho quay lén sau đó phát tán nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của khách thì sẽ bị xử phạt về tội làm nhục người khác hoặc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (tùy nội dung, hình ảnh trong clip)...; nếu hành vi quay lén đó nhằm mục đích tống tiền của khách thì người quay lén có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản của người khác. 

Nguyễn Ngọc Anh (Tây Hồ, Hà Nội) 

Chưa rõ mục đích vẫn cần xử lý nghiêm

Mặc dù phòng nghỉ tại nhà nghỉ A. mà anh Nguyễn Văn K. cùng bạn gái vào thuê thuộc sở hữu của chủ nhà nghỉ, nhưng khi chủ nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ, đã hợp đồng cho khách thuê phòng trong một khoảng thời gian nào đó thì trong khoảng thời gian đó, khách được toàn quyền sử dụng phòng mà chủ nhà nghỉ không thể tự tiện mở cửa phòng của khách, trừ những tình huống khẩn cấp.

Tương tự, hành vi của người nào đó lén lút đặt máy quay tại phòng nghỉ hay nhà vệ sinh, khu vực thay quần áo... để ghi lại hình ảnh riêng tư của người khác tại những khu vực này đều là hành động vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý nghiêm. 

Đỗ Mạnh Hùng (Văn Giang, Hưng Yên) 

Vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh 

Hành vi lắp đặt camera ghi lại mọi hoạt động trong phòng tại nhà nghỉ A. của nhân viên lễ tân Hoàng Mạnh H. và chủ nhà nghỉ là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền bí mật đời tư của công dân được quy định tại Điều 31, Bộ luật Dân sự về việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý và Điều 38, Bộ luật Dân sự quy định quyền bí mật đời tư của mỗi cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Nếu những hình ảnh ghi lại anh Nguyễn Văn K. cùng bạn gái trong phòng nghỉ được Hoàng Mạnh H. và chủ nhà nghỉ phát tán, phổ biến cho nhiều người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy quy định tại Điều 253, Bộ luật Hình sự. 

Hứa Thị Lê (Thanh Miện, Hải Dương) 

Được bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm

Pháp luật đã và đang bảo vệ tuyệt đối quyền nhân thân của mỗi người dân, dù với bất cứ lý do nào, không ai được đặt camera quay lén hình ảnh của người khác cho dù hành vi đó chỉ là để… xem lại.

Trong trường hợp trên, anh Nguyễn Văn K. đã kịp thời phát hiện, báo với cơ quan chức năng ngăn chặn việc phát tán những hình ảnh riêng tư của mình. Mặc dù chưa gây hiệu quả nghiêm trọng nhưng việc thu thập hình ảnh (qua clip) về đời tư cá nhân chưa được anh Nguyễn Văn K. và bạn gái đồng ý.

Nếu người bị hại là anh Nguyễn Văn K. và bạn gái chứng minh được quyền lợi bị thiệt hại, đời tư bị xâm phạm thì có quyền yêu cầu khởi kiện để bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm cho mình kể cả trong trường hợp chưa xác định được mục đích đặt camera quay lén của Hoàng Mạnh H. và chủ nhà nghỉ. 

Nguyễn Minh Đức (Nam Đàn, Nghệ An) 

 Bình luận của luật sư :

Quay lén là phạm pháp

Hành vi đặt thiết bị quay lén của chủ nhà nghỉ là vi phạm pháp luật về quyền bí mật đời tư của cá nhân. Điều 38, Bộ luật Dân sự đã quy định: Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp người đó chết, mất năng lực hành vi dân sự (hoặc chưa đủ 15 tuổi) thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện về pháp luật đồng ý. Trừ trường hợp thông tin được thu thập và công bố theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cơ quan tiến hành tố tụng (tòa án, viện kiểm sát, cơ quan cảnh sát điều tra...).

Nếu bí mật đời tư của công dân bị xâm phạm thì cá nhân có quyền được bảo vệ theo quy định tại Điều 25, Bộ luật Dân sự: “Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai; Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại”.

Chủ nhà nghỉ đặt các thiết bị quay lén nhằm mục đích gì thì rất khó chứng minh. Chỉ khi chủ nhà nghỉ đưa chúng ra sử dụng thì mới xác định được. Ở trong vụ việc này, chủ nhà nghỉ khai khi lắp đặt thiết bị quay lén với mục đích để xem. Nếu cơ quan điều tra chứng minh chủ nhà nghỉ đã lan truyền cho nhân viên hoặc người khác cùng xem, phát tán trên mạng Internet… thì hành vi này có dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 253, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Điều 253. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy 
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
b) Phổ biến cho nhiều người;
c) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
c) Đối với người chưa thành niên;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a ) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
 Nếu trường hợp chủ nhà nghỉ dùng các hình ảnh quay lén đó nhằm mục đích tống tiền thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 135, Bộ luật Hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản: 
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, 
(Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)