Đập phá tài sản của họ hàng, bị xử lý thế nào?

ANTD.VN - Do tranh chấp về đất đai nên chú tôi là ông Nguyễn Văn V và các con trai của ông đã đập phá tường, cây cối và các tài sản khác của gia đình tôi trên phần đất tranh chấp (mà ông V cho rằng gia đình tôi đã lấn chiếm của gia đình ông V), với thiệt hại khoảng hơn 15 triệu đồng. Xin cho hỏi, việc làm nêu trên của ông V và các con có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào? Nguyễn Văn Tài (Huyện Hoài Đức, Hà Nội)

Trả lời: Theo bạn trình bày thì gia đình bạn và gia đình ông V đã phát sinh tranh chấp trong lĩnh vực đất đai. Khi có căn cứ cho rằng gia đình bạn đã lấn chiếm đất thì gia đình ông V có quyền yêu cầu gia đình bạn trả lại phần quyền sử dụng đất này hoặc thỏa thuận các phương án giải quyết cho phù hợp.

Nếu các bên không thể tự thỏa thuận, thương lượng giải quyết tranh chấp thì ông V phải làm đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp, đề nghị UBND cấp xã tiến hành hòa giải tranh chấp giữa hai gia đình theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013. Trong trường hợp UBND cấp xã hòa giải không thành, thì ông V có quyền khởi kiện vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân hoặc làm đơn đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

Mọi tranh chấp phải được giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật, dựa trên sự thương lượng, thỏa thuận giữa các bên, hoặc do các cơ quan hay tòa án có thẩm quyền giải quyết theo trình tự, thủ tục luật định.

Việc ông V và các con đập phá tường rào, cây cối và các tài sản của gia đình bạn, với giá trị thiệt hại khoảng hơn 15 triệu đồng là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu của “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 143 BLHS: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại”.

Do đó, gia đình bạn có quyền làm đơn trình báo sự việc với cơ quan cảnh sát điều tra nơi xảy ra vụ việc, đề nghị cơ quan này điều tra, xác minh vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bạn theo đúng quy định của pháp luật. 

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Trưởng VPLS Bross&partners Địa chỉ: Phòng 1602A, tầng 16, Tòa nhà Charm Vit, số 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội