Dập dìu sông nước Quảng Nam

ANTĐ - “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa uống đã say”. Ta tìm về xứ Quảng trong chiều buông lưới của ngư dân ven sông Thu Bồn không phải để tìm cái say của men rượu hồng đào hay tìm những giọt mưa của trời đất mà để được hòa mình vào những làn sóng nước của dòng sông trữ tình đi vào thi ca làm nên đặc trưng của mảnh đất và con người xứ Quảng thấm nghĩa, đậm tình. 

Cầu khỉ Cẩm Nam (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: Internet

Chẳng biết từ bao giờ, con người hai bên dòng sông đã biết khơi lòng rộng mở, đón những con thuyền mang nặng nghĩa tình để đưa cuộc đời mưu sinh vất vả vượt qua sóng gió. Cũng bởi dòng sông chứa chất từng giọt phù sa để rồi thấm đẫm vào mỗi con người mộc mạc như từng hạt cát ven bờ Thu Bồn thấm từng hạt mưa nhỏ. Đi trên ghe nghe tiếng nước khua mái chèo mà lòng người càng trở nên chộn rộn. Tiếng thân thương từ trên chiếc cầu khỉ vẳng xuống dí dỏm hỏi khách đi về đâu trong nắng chiều sắp tắt. Du khách chẳng thể bỏ qua lời hỏi thân thiện, từ dưới thuyền hướng lên cầu nói rằng đi thăm làng chài Cẩm Lam vớt cá cho bữa ăn đêm. Nụ cười hiền của người bản xứ, làm hài lòng muôn du khách bởi câu chuyện vu vơ mà lại chân thành. Tiếng ghe khe khẽ khua nước dùng dằng trong tiếng cá muốn thoát khỏi lưới vây càng làm cho nhịp sống chân thật, sống  động.

Trên mỗi con sông phù sa ở Việt Nam, sông Thu Bồn còn để lại những cánh đồng màu mỡ để nuôi nấng người Việt từ bữa ăn đến tâm hồn. Những cánh đồng Duy Xuyên, Điện Bàn, cánh đồng Hội An đã nuôi nấng cư dân vẫn tôn thờ Thu Bồn như sông Mẹ bao đời nay. Sông Mẹ Thu Bồn không những ban phát cho dân chài  tôm cá đầy ắp mà còn cho cư dân nhiều làng nghề nức tiếng. Những tên làng: làng trầm Nông Sơn, làng dệt vải Tằm Tang (Duy Xuyên),  làng gốm Thanh Hà (Hội An) để những sản phẩm theo con sóng qua thương cảng Hội An đến với bạn bè thế giới từ thế kỷ XVII.

Vào tháng 3 hàng năm, cư dân Duy Xuyên tổ chức Lễ hội Bà Thu Bồn để tưởng nhớ sông Mẹ đã ban phát cho nghề cày cấy và nghề nuôi tằm dệt vải. Dân làng ra sông rước “Mẹ Thu Bồn” rồi đến từng nhà như khẳng định một ý niệm, sông Mẹ đã hiện hữu và đến từng nhà cư dân đôi bờ ban phát mùa màng và sự ấm no, hạnh phúc. Hòa mình trên dòng sông Thu Bồn với người chủ ghe mến khách. Ta được trả lời những điều muốn biết nhưng chưa kịp hỏi. Cầu khỉ bắc ngang là tấm lòng của những người quen gắn bó, nghĩa tình, nối đôi bờ xóm làng thêm vui. Cũng như thước đo của nghĩa tình ven bờ sông Mẹ. Buổi đầu đi ai cũng ngập ngừng chẳng dám đi. Những bước chân chưa vững đi trên nhịp cầu khỉ, rồi sẽ vững trong bước chân quen. Về xứ Quảng để du mục trên cầu khỉ vắt ngang sông Thu Bồn, là để hiểu và thêm yêu xứ sở của men say, của mảnh đất trong tình nghĩa hơn tất cả những gì đổi tặng.