Đào tạo tiếng Việt thương mại: Hướng mở hợp tác quốc tế

(ANTĐ) - Khởi nguồn từ trường Đại học Ngoại thương, nhưng đơn vị dành được những hiệu quả lớn hơn từ chương trình này lại là trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Khóa 1 đào tạo đã hoàn thành, sinh viên đã tìm được chỗ đứng của mình. Và mới đây, khóa học thứ hai đã được khai giảng với 84 sinh viên.

Đào tạo tiếng Việt thương mại: Hướng mở hợp tác quốc tế

(ANTĐ) - Khởi nguồn từ trường Đại học Ngoại thương, nhưng đơn vị dành được những hiệu quả lớn hơn từ chương trình này lại là trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Khóa 1 đào tạo đã hoàn thành, sinh viên đã tìm được chỗ đứng của mình. Và mới đây, khóa học thứ hai đã được khai giảng với 84 sinh viên.

Với đặc thù là một trường đào tạo cử nhân kinh tế cho không chỉ trong nước mà còn cho sinh viên nước ngoài, trong lịch sử phát triển của mình, trường đã cung cấp nguồn nhân lực cho các quốc gia xung quanh. Nối tiếp khả năng đào tạo, đồng thời cũng để hợp tác phát triển giáo dục nhà trường, thông qua các mối quan hệ, có thể cá nhân, có thể Nhà nước, trường ĐH KTQD, đã có nhiều nguồn hợp tác. Trên chặng đường đi tìm những con đường đào tạo mới, một đối tác Trung Quốc - Học viện Ngoại ngữ và dạy nghề Đông Phương, Quảng Tây, Trung Quốc đã đề nghị trường đào tạo chuyên ngành tiếng Việt thương mại cho sinh viên năm thứ 3 đồng thời cũng là năm cuối của nhà trường.

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng có nhiều điều kiện phát triển, chính vì lý do này mà tiếng Việt thương mại sẽ ngày càng cần thiết hơn trong việc giao dịch và kinh doanh. Dạo qua rất nhiều các khu công nghiệp và chỉ số đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm một con số không hề nhỏ. Thu nhập của người lao động ở một đất nước năng động và đông dân như Trung Quốc không phải quá cao so với người lao động. Điều này khiến rất nhiều lao động Trung Quốc tìm đường xuất khẩu, trong đó có thị trường Việt Nam. Bởi dù sao đây cũng là một thị trường tiềm năng, lại có nền văn hóa tương đối tương đồng.

Phần lớn những sinh viên Trung Quốc đến với chương trình đào tạo 10 tháng này đều là con em một bộ phận dân tộc của Trung Quốc, trình độ không cao, chủ yếu là học nghề, nên chương trình học ở đây có thể nói là tương đối nặng. Học viện Ngoại ngữ và dạy nghề Đông Phương, Quảng Tây là nơi đào tạo bậc cao đẳng thời gian 3 năm bằng tiếng Việt. Sinh viên của trường đã được học 2 năm tiếng Việt tại nhà trường, thời gian ở Việt Nam chỉ khoảng 10 tháng cho một khóa học. Chương trình nặng, nên kiến thức cung cấp cho các bạn chỉ là một phần thực tập nâng cao. Học kỳ 1, sinh viên còn có cơ hội được nói tiếng Trung Quốc, nhưng đến học kỳ 2, học hoàn toàn bằng tiếng Việt. Đây cũng là sự cố gắng nỗ lực của thầy cô khoa Thương mại của trường ĐH KTQD. 5/7 thầy cô chịu trách nhiệm đứng lớp đều là những người biết tiếng Trung.

Sau những phần bài tập đơn giản như thế, các sinh viên sẽ được làm quen với các thuật ngữ thương mại. Với những giáo trình dành để dịch tiếng Việt và tiếng Trung ngược xuôi, xen lẫn hay những bài tập nghe hiểu, nhà trường đều phối hợp với Đại học Quốc gia để có những giáo trình tốt nhất và chính xác. Điều quan trọng của những chương trình học như thế này là hướng dẫn cách thức giao dịch trong văn hóa thương mại Việt Nam, văn hóa Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp, các điều khoản hợp đồng (ngôn ngữ và điều khoản). Thầy Trần Văn Mão - giáo viên chủ nhiệm lớp phía Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho các em làm quen với các bài tập tình huống trong thương mại, đó là điều mà các em nên học và nên biết để sau này khi tốt nghiệp, ai đó ở lại Việt Nam thì không hề bỡ ngỡ”.

Sự cách biệt của hai nền văn hóa dù có nhiều nét tương đồng nhưng vẫn cần có sự uốn nắn để chương trình hợp tác này thực sự hiệu quả, không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Việc đào tạo của nhà trường được đối tác rất ghi nhận. 107 sinh viên khóa 1 được cấp chứng chỉ tiếng Việt đã dần tìm được chỗ đứng cho mình, có bạn về Trung Quốc, có bạn ở lại lập nghiệp ở Việt Nam, càng đánh giá cao hơn khả năng đào tạo của một ngôi trường có nhiều kinh nghiệm đào tạo tiếng Việt thương mại cho sinh viên các nước láng giềng, đồng thời cũng nói lên, đào tạo tiếng Việt thương mại là điều cần thiết trong tương lai.

Châu Anh