"Đạo", "nhái" trong âm nhạc: Sự nhố nhăng đã lên đến đỉnh điểm!

ANTD.VN - Đêm chung kết Cuộc thi “The Face - Gương mặt thương hiệu 2016” đã gây ra một làn sóng phản ứng chưa từng thấy ở một gameshow truyền hình. Sự ồn ào ở đây không phải là quan điểm trái chiều về kết quả cuộc thi mà vì những màn biểu diễn trong đêm chung kết: “đạo”, “nhái” từ trang phục, bài hát của ca sĩ khách mời đến màn thi hài hước của các thí sinh... 

Sơn Tùng M-TP luôn là một cái tên gây tranh cãi kể từ khi nam ca sĩ này bước chân vào làng giải trí Việt. Nổi tiếng từ ca khúc “Cơn mưa ngang qua” biểu diễn tại sân khấu chương trình “Bài hát yêu thích”, với phong cách trẻ trung, thời thượng, âm nhạc đại chúng, ngoại hình sáng sân khấu, Sơn Tùng đã lọt vào mắt xanh của nhạc sỹ Huy Tuấn và sau đó đầu quân cho công ty của vị nhạc sỹ này.

Con đường nghệ thuật của Sơn Tùng bắt đầu khi bản “hit” - “Em của ngày hôm qua” gây “bão” các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước. Cũng từ đây, cư dân mạng tìm ra sự tương đồng giữa ca khúc này với ca khúc “Every Night” của nhóm nhạc Hàn Quốc EXID. Không chỉ thế, các ca khúc của Sơn Tùng sáng tác hầu hết đều dính nghi án “đạo”, “nhái”, không thì cũng “xài beat chùa” đến nỗi người nghe bình thường nhất cũng nhận ra sự giống nhau đến kinh ngạc giữa các bài hát của Sơn Tùng và các ca khúc ra đời trước đó.

Giữa tâm bão “scandal” đạo nhạc, Sơn Tùng đầu quân về công ty âm nhạc Wepro, để lại sau lưng nhiều câu chuyện không bao giờ được tiết lộ giữa công ty cũ và công ty mới. Chỉ biết rằng, sau khi chuyển hướng trở thành ca sỹ thị trường, Sơn Tùng nổi tiếng hơn bao giờ hết với các sản phẩm âm nhạc na ná Hàn Quốc lai Âu Mỹ của mình. Riêng về phong cách thời trang thì rập khuôn một nam ca sỹ nối tiếng châu Á là GD nhóm Big Bang (Hàn Quốc).

Khi bất thường trở thành... bình thường!

“Đạo”, “nhái” vốn là một hành vi không được tôn trọng trong nghệ thuật nói riêng và cả các ngành nghề trong xã hội này nói chung. Với nhạc sỹ, ca khúc chính là đứa con tinh thần của họ, là tâm huyết, là tài năng, là tiếng nói của họ mang đến cho khán giả, và trong một chừng mực nào đó, ca khúc là bộ mặt của nhạc sỹ, khẳng định đẳng cấp của họ trong âm nhạc.

Một nhạc sỹ có thể sáng tác không hay, không ăn khách nhưng tuyệt nhiên đã xưng danh nhạc sỹ thì không bao giờ nên dùng “chùa” beat (bản phối) hoặc giai điệu của nhạc sỹ khác. Đó không phải là sự sáng tạo, vay mượn mà đó chính là ăn cắp. Ăn cắp, dù ở động thái tinh vi hay thô thiển thì cũng là hành vi đáng lên án.

Còn nhớ khi xưa, hai nhạc sỹ hàng đầu làng văn nghệ Việt là Bảo Chấn và Quốc Bảo đã phải cúi mình xin lỗi vì “scandal” đạo nhạc ca khúc “Tình thôi xót xa” và “Tuổi 16” khi công chúng phát hiện sự tương đồng của hai ca khúc này với ca khúc nước ngoài. Sự vụ đó cho đến giờ vẫn là “vết nhơ” của hai người nhạc sỹ tài hoa này. Đời ai không một lần sai, vì thế điều quan trọng vẫn là sự tha thứ, luận công xét tội từ phía công chúng và đồng nghiệp.

Nhưng có lẽ, dù có bị công chúng và đồng nghiệp “luận tội” hay không thì cái “tôi” của hai người nhạc sỹ nổi tiếng này cũng bị tổn thương nghiêm trọng chỉ vì một lần sai.

Nhưng nay thì khác, dường như công chúng thời mở cửa quá dễ tính với gu thưởng thức âm nhạc của mình, hoặc quá dễ dãi khi nhìn nhận một sự việc “đạo, nhái” âm nhạc, thời trang, điện ảnh... Ăn cắp và sáng tạo vốn là hai khái niệm rạch ròi, anh không thể “chôm” của người này một chút, của người kia một chút rồi nhận là của mình sáng tạo. Như vậy, anh đã ăn cắp lại còn ngụy biện, một hành vi xấu đi kèm với một tính cách xấu, anh có xứng để làm thần tượng của người khác hay không?

Lùm xùm ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” chưa dứt, khi chính tác giả bản gốc cũng lên tiếng: “Ca khúc chúng ta không thuộc về nhau rất giống ca khúc “We don’t talk anymore” của tôi!”. Sơn Tùng cùng êkip chọn cách im lặng để công chúng miệt mài “khám phá” tổ hợp các loại đạo từ âm nhạc đến hình ảnh trong bản “hit” của nam ca sỹ người Thái Bình. Mặc kệ dư luận sục sôi, bản hít dính nghi án đạo “Chúng ta không thuộc về nhau” phá vỡ mọi kỉ lục về lượt nghe, xem của làng nhạc Việt.

“Đạo”, “nhái” có tính tổ hợp…

Ngoài sự hỗn độn như một chương trình tạp kĩ ở đêm chung kết “The Face - Gương mặt thương hiệu 2016”, công chúng từ ngỡ ngàng trở nên hốt hoảng với màn biểu diễn của Sơn Tùng với bản “hit” mới - “Chúng ta không thuộc về nhau”.

Nam ca sỹ mặc nguyên một chiếc áo lông to sụ, tóc vàng và đôi giày bốt cao, một phong cách “học hỏi” nguyên si gu thời trang của nam ca sỹ G-Dragon, một bản “copy - paste” hoàn hảo đến mức lộ liễu. Chưa hết, với bản “hit” dính nghi án “tổng hợp đạo nhái” còn chưa được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam kết luận, đã ngang nhiên lên sóng đài quốc gia, hành động ấy chẳng khác gì chứng tỏ việc “chôm chỉa” là chuyện quá bình thường! 

Công chúng thấy gì từ một bản “copy - paste” đang múa may và thu bộn cát-sê sau những scandal mà nhiều người nghi ngờ là được dàn dựng một cách có chủ ý? Thực tế, giới trẻ vốn chẳng quan tâm lắm đến giá trị thực thụ của âm nhạc, cứ dễ nghe, dễ thuộc, dễ quên, trai xinh, gái đẹp, nhảy giỏi là hâm mộ, là nghêu ngao theo, cũng chẳng cần biết là bài hát đó thực sự là của ai, phong cách đó là anh ta tạo ra hay là bản sao của một người nào khác...

Công chúng vốn dễ tính như thế, bảo sao mà những người mang danh nghệ sỹ cứ ngang nhiên “xài chùa”, “chôm chỉa” rồi thản nhiên hưởng thành quả từ sự “láu cá” của mình. Và vì thế, sự nhố nhăng cứ tăng cao dần trong làng nhạc, chẳng biết bao giờ mới chấm dứt.