Đạo đức trên sân cỏ: Vấn đề nằm ở cái đầu

ANTĐ - Các chuyên gia hàng đầu của bóng đá Việt Nam là Trần Văn Phúc và Nguyễn Văn Vinh cho rằng để xóa bỏ những hình ảnh xấu của bóng đá Việt Nam diễn ra thời gian qua, trước hết cần thay đổi tư duy của người trong cuộc.

Cải thiện văn hóa sân cỏ Việt phụ thuộc vào tư duy và ý thức của chính người trong cuộc

Vấn đề đạo đức, cách hành xử giữa cầu thủ - trọng tài - quan chức đội bóng đang bị đặt ở mức báo động đỏ. Hầu như mỗi vòng đấu, người hâm mộ lại phải chứng kiến những hình ảnh, lời lẽ thiếu văn hóa. Cầu thủ vái lạy, văng lời lẽ thô tục trong khi lãnh đạo đội bóng chỉ thẳng mặt trọng tài chửi “Đồ mất dạy!”. Đáp lại, trọng tài cũng chẳng vừa khi buông lời dọa nạt, đại loại như “Mày có muốn bị thẻ không, muốn tao cho giống thằng X không?”… Chứng kiến những hình ảnh xấu đó, chuyên gia Trần Văn Phúc phải thốt lên: “Đạo đức cầu thủ đi xuống một cách thảm hại!”. 

Có một thực tế là trong nội bộ đội bóng, chuyện cầu thủ văng tục với đồng đội, thậm chí cả với HLV trưởng là điều không hiếm. Nhưng bản thân HLV lại thiếu quyết liệt trong việc dập tắt thói hư đó khi mới manh nha. Từng là HLV, chuyên gia Trần Văn Phúc thừa nhận việc thu xếp những chuyện hậu trường khó khăn hơn rất nhiều so với công tác chuyên môn. “Ai cũng hiểu chỉ cần phạt tiền, hoặc kỷ luật nội bộ thật nặng thì chẳng cầu thủ nào dám tái phạm nhưng không phải ai cũng dám làm. Lý do là HLV hiện nay không phải ai cũng có thực quyền tại đội bóng, trong khi nhiều trường hợp vì làm mất lòng một cầu thủ nào đó là bị nhóm còn lại đá bay ghế ngay”.

Theo ông Phúc, việc các HLV thiếu cứng rắn trong xử lý nội bộ, thậm chí bao che sai phạm cho cầu thủ đã gián tiếp khiến họ tha hóa đạo đức. Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh cho rằng bản thân các ông “bầu” đội bóng cũng cần xem lại mình. “Đường đường là ông chủ đội bóng, song anh Thụy (Sài Gòn FC) lại có hành vi lao xuống sân, chửi bới trọng tài, như vậy làm gương xấu cho cầu thủ của mình noi theo. Thực tế, đa số các ông “bầu” hiện nay chưa ý thức việc giữ gìn hình ảnh đội bóng, nên dễ hiểu khi họ xem nhẹ các hành vi thiếu văn hóa của cầu thủ mình. Thậm chí, nhiều người có tính ăn thua, thấy cầu thủ mình chửi có người còn tỏ ra hoan hỉ, khi thấy cầu thủ mình xỉ vả trọng tài, hay triệt hạ đội đối phương lại lấy làm thỏa mãn. Cứ thế, bảo sao cầu thủ không hư”, ông Vinh nói.

Liên quan đến tình trạng báo động của văn hóa sân cỏ Việt, nhiều người cho rằng bản thân lãnh đạo VFF phải chịu một phần trách nhiệm. Ban Kỷ luật ra đời với mục đích xử lý răn đe những hình vi vi phạm, song hàng loạt quyết định thiếu hợp lý mà ban này đưa ra thời gian qua lại gây thất vọng. Tuyên bố xử phạt Danh Ngọc (20 triệu, treo 45 ngày) để làm gương của Ban Kỷ luật vừa mới phát ra thì chỉ vài ngày sau đó, chính Ban Kỷ luật lại “xử cho có” khi phạt Quốc Long 10 triệu và treo 3 trận (thực ra là 1 trận, vì 2 trận do thẻ đỏ không tính), trong khi từ báo cáo của trọng tài, giám sát, lẫn khán giả truyền hình đều thấy rõ hành vi vái lạy, xúc phạm trọng tài của hậu vệ HN T&T. 

Xâu chuỗi các quyết định mà Ban Kỷ luật đưa ra từ đầu giải khiến người ta không khỏi hoài nghi, rằng liệu nó có chịu ảnh hưởng từ một thế lực hay vì một mục đích cá nhân nào khác?! Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Ban Đạo đức được kỳ vọng sẽ giải quyết những nghi án, tương tự như việc xin - cho điểm giữa các CLB mà đến nay vẫn chỉ dừng ở nghi vấn, đồn đoán. Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh cho rằng sự ra đời của Ban Đạo đức thời điểm này là rất cấp bách. Ngoài có chuyên môn, lãnh đạo ban này phải là người… rắn mặt, dám đương đầu với những thế lực ngầm để không bị chi phối trong mỗi quyết định vụ việc. “Vấn đề là có tìm ra được người rắn mặt như thế không. Hay lại đề ra hàng tá điều, khoản luật này nọ nhưng tính hiệu quả thì chẳng thấy đâu, như những gì đang diễn ra tại Ban Kỷ luật VFF”, ông Vinh nhấn mạnh.