Đạo đức nghề báo thời công nghệ

ANTĐ - Trong cái thời buổi “ai ai cũng có thể làm báo” như hiện nay, để báo chí được phát triển, cần tạo một môi trường báo chí trung thực, lành mạnh, có nghĩa là tạo điều kiện tối đa để sự thật được lên tiếng. Những cá nhân, tổ chức báo chí vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp cần bị xử lý nghiêm khắc. Những tờ báo, tạp chí  và cả những người làm báo lợi dụng danh nghĩa của báo chí để thực hiện mục đích riêng thì nhất định phải thanh lọc. Mà việc cố tình lờ đi hoặc im lặng trước cái xấu để nhận lại một lợi ích cho bản thân, cũng là vi phạm đạo đức nghề báo. 

Công nghệ thông tin đã đem lại cho báo chí một diện mạo mới với độ bao phủ tin tức rộng khắp, những người làm báo cũng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, khai thác và truyền tải tới bạn đọc. Nói như nhiều chuyên gia thì “Internet và thiết bị công nghệ thông minh nối dài cánh tay và mở rộng lỗ tai của nhà báo”.

Nhưng có thể nói, cùng với những thuận lợi thì báo chí là một trong những lĩnh vực chịu áp lực lớn nhất từ công nghệ số, khi các mạng truyền thông xã hội phát triển như vũ bão tạo nên cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt. Nếu như trước đây, với một tờ báo in thì tin tức có thể để hàng tuần vẫn không lạc hậu, độc giả có thể ngấu nghiến đọc từ đầu đến cuối, không sót chữ nào. Nhưng giờ, chỉ sau một vài phút thì thông tin đã lạc hậu. Vì vậy, các cơ quan báo chí truyền thống cũng phải vận dụng tối đa các mạng truyền thông xã hội để bắt kịp xu thế thời đại, không bị lạc hậu thông tin.

Hiện nay, không ít cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử và mạng xã hội đưa thông tin không chính xác, xâm phạm đời tư, xâm phạm lợi ích cá nhân. Và sự thật là, những thông tin như thế vẫn thu hút một lượng lớn độc giả. Cũng có nhiều nhà báo, tờ báo đã không giữ vững được cái tâm và bản lĩnh của mình. Vì thiếu trách nhiệm, thiếu cẩn trọng, nhiều nhà báo không kiểm tra thông tin trước khi đăng, dẫn đến không ít độc giả nghi ngại về tính chính xác cũng như mất niềm tin vào báo chí. Không những thế, vì mục đích kiếm tiền, có không ít nhà báo, tờ báo không còn chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp, phẩm giá của người cầm bút, sẵn sàng vì đồng tiền mà bẻ cong ngòi bút. 

Vì vậy, cái khó là các tờ báo là làm sao vẫn đáp ứng được thông tin một cách nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo thông tin đúng định hướng. Thông tin phải được kiểm chứng, xem xét kỹ lưỡng trước khi đăng. Điều đó đặt ra thách thức rất lớn về vấn đề đạo đức của người làm báo trong thời đại công nghệ thông tin. Câu nói của nhà báo lão thành Hữu Thọ đến giờ vẫn còn nguyên giá trị: “Những người làm báo phải có tâm, có tầm và có tài”. 

Câu nói của người xưa, đại ý người làm báo chân chính thì không bao giờ giàu được, vẫn đúng và có thể càng đúng trong thời đại này. Vì trong thời buổi báo chí phải cạnh tranh khốc liệt, đa phần các tờ báo bị giảm doanh thu, thu nhập của người làm báo vì vậy cũng eo hẹp hơn. Trong khi đó, theo một số khảo sát của các tổ chức quốc tế, nghề báo luôn đứng top đầu trong những nghề cực nhọc nhất. Vì vậy, để trụ được với nghề, ngoài đam mê còn cần có bản lĩnh vững vàng. Đáng mừng là vẫn còn không ít nhà báo, với sự say mê và bản lĩnh của mình, vẫn tạo được dấu ấn với độc giả, lên tiếng bảo vệ cái tốt đấu tranh với cái xấu, cái ác, đem đến những tác phẩm báo chí giá trị. 

Trong cái thời buổi “ai ai cũng có thể làm báo” như hiện nay, để báo chí được phát triển, cần tạo một môi trường báo chí trung thực, lành mạnh, có nghĩa là tạo điều kiện tối đa để sự thật được lên tiếng. Những cá nhân, tổ chức báo chí vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp cần bị xử lý nghiêm khắc. Những tờ báo, tạp chí  và cả những người làm báo lợi dụng danh nghĩa của báo chí để thực hiện mục đích riêng thì nhất định phải thanh lọc. Mà việc cố tình lờ đi hoặc im lặng trước cái xấu để nhận lại một lợi ích cho bản thân, cũng là vi phạm đạo đức nghề báo.