Đạo đức kinh doanh đa cấp - món hàng xa xỉ

ANTĐ - Hoạt động kinh doanh đa cấp đã có mặt tại nhiều nước phát triển trên thế giới từ lâu nhưng theo các chuyên gia, không có nước nào trên thế giới bán hàng đa cấp lại biến tướng với nhiều vi phạm như ở Việt Nam. 

Đạo đức kinh doanh đa cấp - món hàng xa xỉ ảnh 1Một buổi hội thảo của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp 

Hàng loạt doanh nghiệp đa cấp ngừng hoạt động

Bình luận về danh sách 7 doanh nghiệp trong “tầm ngắm” của cơ quan chức năng trong đợt này (Báo An ninh Thủ đô đã có bài phản ánh),  đại diện của Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (VMLMA) cho biết, chỉ có 2 doanh nghiệp là thành viên hiệp hội, gồm Công ty TNHH Amway Việt Nam và Công ty CP Liên kết trí thức. Cuối năm 2015, do không tuân thủ quy tắc hoạt động của hiệp hội, Thiên Ngọc Minh Uy và Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) đã bị khai trừ khỏi VMLMA. 

Vị đại diện này cho biết thêm, trước đây, hiệp hội có 42 doanh nghiệp thành viên, nhưng hiện tại chỉ còn 24 doanh nghiệp, giảm 18 thành viên. Ngoài 2 trường hợp bị khai trừ và 2 trường hợp doanh nghiệp tự xin rút khỏi hiệp hội, số còn lại đã tạm dừng hoạt động. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp xin tạm dừng hoạt động trong thời gian gần đây. Đại diện MLMA cho hay, “tất cả thành viên của hiệp hội hàng tháng đều sinh hoạt định kỳ và ký cam kết tuân thủ đạo đức nghề nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa cấp lừa đảo vẫn là hình ảnh thường thấy ở Việt Nam.  

Giờ đây, nói tới đa cấp, người ta nghĩ ngay tới những kẻ lẻo mép, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo người vào hệ thống. Anh Lê Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) kể, anh có vợ chồng người bạn tham gia bán hàng đa cấp. Nghe phong thanh gia đình anh có 2 tỷ đồng nhàn rỗi, người bạn tìm đến rủ vợ chồng anh “tìm kiếm cơ hội làm ăn”, thực chất là gặp gỡ những người cùng kinh doanh đa cấp. “Tôi nói ngày mai ra ngân hàng rút tiền mua 100 mã hàng, tương đương 850 triệu đồng. Họ nhất quyết đòi tôi ký trước nhưng tôi không đồng ý, họ lại đề nghị giữ lại chứng minh nhân dân.

Tôi buộc phải cho họ số điện thoại và địa chỉ giả. Vợ chồng anh bạn không rủ được tôi thì tức tối. Đến nay, anh bạn đã phải bán nhà đi ở thuê, hơn trăm mã hàng, nồi niêu, bếp từ, bình sục ozon, thực phẩm chức năng… xếp đầy nhà, không bán cho ai được, tiền “chết” ở đấy” - anh Lê Tuấn kể.

Bạn đọc nick name rignickfree cho rằng, về cơ bản, kinh doanh đa cấp mô hình tốt nhưng về Việt Nam bị biến tướng. Đây là nơi sản sinh ra đội ngũ "chém gió thành thần". Vì vậy, cần kiểm tra để sớm phát hiện sai phạm.

Phát hiện vi phạm không khó

Nguồn tin riêng của Báo ANTĐ cho biết, trong số 7 doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra đợt này, có doanh nghiệp đã có dấu hiệu vi phạm. “Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp khác không nằm trong danh sách cũng có biểu hiện này và cần được kiểm tra, công khai kết quả sớm để người dân biết”- nguồn tin cho biết.

Từ năm 2013, đã rộ thông tin về kiểu “bán hàng kỳ lạ của Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam. Trong khi đó, Công ty CP Liên kết trí thức cũng bị người tiêu dùng "tố" quảng cáo gian dối hồi đầu năm 2014.

Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam cũng có nhiều vụ việc lùm xùm trong quá trình hoạt động…Một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực kinh doanh đa cấp cho biết, phát hiện vi phạm trong kinh doanh đa cấp không phải việc khó.

Ông này nói: “Bán hàng đa cấp cũng như bất cứ hàng hóa nào khác, phải bán được hàng mới có tiền. Công ty nào trả tiền cho người dân mà họ chưa bán được món hàng nào hay họ không quan tâm hàng hóa là gì đều hoạt động bất chính. Cần phân biệt rõ là “bán hàng” chứ không phải “mua hàng”, tức là đi mua hàng của công ty để bán lại và kiếm hoa hồng. Nhưng thực tế, người tham gia đa cấp đều được tư vấn đầu tư kiếm lời, hàng hóa rất ít người lấy”.

Theo chuyên gia này, để “lách luật”, doanh nghiệp thường cho người tham gia ký phiếu xuất hàng, rồi lại ký phiếu xin gửi lại hàng. “Nếu công tác kiểm tra hiệu quả, chỉ cần đối chiếu số tiền người tham gia nộp vào và số tiền họ nhận được sẽ ra ngay gian dối. Tại sao họ gửi hàng lại công ty, chưa nhận hàng mà vẫn có hoa hồng? Quy định liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp đã nêu rõ, phải bán hàng mới có tiền” - chuyên gia này phân tích. 

7 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp thuộc diện kiểm tra

1. Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (trụ sở chính: A6/D11 và A7/D11, đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội)

2. Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam (trụ sở chính: số 19, đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM) 

3. TNHH Amway Việt Nam (trụ sở chính: lô 20, khu công nghiệp AMATA, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) 

4. Công ty CP Liên kết Việt Nam (trụ sở chính: Lô C16/D21, khu đô thị mới Cầu Giấy, phố Dịch Vọng Hậu, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội)

5. Công ty CP Liên kết trí thức (trụ sở chính: số 100 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội)

6. Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (trụ sở chính: số 33 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) 

7. Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long (trụ sở chính: M2-12, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Kinh nghiệm của địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Chấn chỉnh kịp thời từ những dấu hiệu bất thường

Lực lượng chức năng đang kiểm đếm số hàng hóa không rõ nguồn gốc bị thu giữ tại Công ty TNHH MTV Daeun Korea 

Trước diễn biến phức tạp của nhiều công ty kinh doanh đa cấp hiện nay, yêu cầu đặt ra là cơ quan chức năng phải có sự phối hợp, bằng nhiều biện pháp để nắm chắc hoạt động của các doanh nghiệp này. 

Cùng với biện pháp kiểm tra hành chính, hay yêu cầu doanh nghiệp đa cấp thường xuyên báo cáo cách thức tổ chức kinh doanh thì không thể thiếu việc chủ động phát hiện, kiểm tra những hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp muốn… giấu.

Đơn cử như khi doanh nghiệp tổ chức hội nghị khách hàng hay chương trình khuyến mãi, cơ quan chức năng cần thẩm định xem việc tổ chức chương trình, hội nghị đó đã được cấp có thẩm quyền cấp phép hay chưa. Đặc biệt, cần nắm được thông tin mà doanh nghiệp đưa ra tại những sự kiện này, để chấn chỉnh kịp thời những dấu hiệu bất thường.

Như trường hợp của Công ty  Liên kết Việt vừa bị lật tẩy, các đối tượng đã “vẽ” mức chi trả hoa hồng lên đến 65% doanh thu, trong khi quy định của pháp luật chỉ cho phép tối đa không quá 40%. Nếu vi phạm này bị phát hiện và xử lý sớm, rất có thể hành vi phạm tội của các đối tượng đã được ngăn chặn phần nào.

Một vụ việc khác mà đơn vị chúng tôi phát hiện và đang thụ lý điều tra, liên quan đến Công ty TNHH MTV Daeun Korea. Công ty này đề ra “tôn chỉ” là chỉ tập trung thuyết trình, phát triển mạng lưới cho… phụ nữ cao tuổi. Chưa hết, các sản phẩm được giới thiệu là “Cao hồng sâm”, “Nệm kim cương đen”, được nhập khẩu với giá rẻ nhưng khi đến tay các đại lý, người mua đã bị đội giá cao gấp 10 lần. Trên hóa đơn, “Cao hồng sâm” được nhập với giá 980.000 đồng, rồi được Công ty TNHH MTV Daeun Korea bán với giá 9,8 triệu đồng; “Nệm kim cương đen” nhập 1,9 triệu đồng, bán cho khách hàng với giá 26 triệu đồng. 

Nhiều dấu hiệu vi phạm khác cũng đã bị phát hiện qua quá trình kiểm tra hàng hóa trong kho của Công ty TNHH MTV Daeun Korea. Khoảng 20 mặt hàng, chủ yếu là mỹ phẩm và một số thực phẩm chức năng, bao bì ghi chữ Hàn Quốc nhưng không có giá niêm yết của từng sản phẩm. Thời điểm kiểm tra, đại diện công ty không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa nói trên. Đối với mặt hàng mỹ phẩm, đại diện Công ty TNHH MTV Daeun Korea không xuất trình được giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm của Bộ Y tế. 

Thiếu tá Đoàn Văn Đông (Đội trưởng Đội CSKT, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

ĐB Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Nếu kinh doanh đa cấp biến tướng, phải xử lý ngay

“Mô hình kinh doanh đa cấp ở các nước trên thế giới khá thịnh hành nhưng họ làm đúng pháp luật và mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, khi vào thị trường Việt Nam thì hoạt động kinh doanh này lại bị biến tướng, sai phạm nhiều, gây bức xúc xã hội. Ở nước ta, hoạt động kinh doanh đa cấp được quản lý theo Luật Doanh nghiệp, được bình đẳng với các loại hình kinh doanh khác.

Nhà nước phải tạo thuận lợi, không được gây ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp nếu họ làm đúng luật. Tuy nhiên, khi có biến tướng, sai phạm, điển hình như vụ kinh doanh đa cấp của Công ty Liên kết Việt vừa qua gây hậu quả lớn thì chúng ta phải có động thái xử lý kịp thời. Bộ Công Thương ra quyết định kiểm tra 7 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là cần thiết.

Nếu qua thực tế kiểm tra mà phát hiện những kẽ hở của pháp luật trong quản lý kinh doanh đa cấp thì cần kiến nghị để bổ sung vào Luật Doanh nghiệp nhằm siết chặt lại loại hình này. Chúng ta cũng cần tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về kinh doanh đa cấp để tham gia theo đúng pháp luật, không bị doanh nghiệp kinh doanh trái phép lừa đảo và rồi mình lại đi lừa người khác”. 

ĐB Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Quản chặt để bảo vệ người dân

“Một doanh nghiệp cuối năm chia cổ tức được 15% đã là rất tốt rồi. Vậy mà nhiều công ty đa cấp chỉ “buôn nước bọt” lại quảng cáo, hứa hẹn mang lại lãi suất gấp đôi, gấp ba, nhằm lôi kéo người kinh doanh tham gia vào mạng lưới của họ. Tất nhiên, có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp làm ăn nghiêm túc, đúng quy định pháp luật, song với loại hình kinh doanh này, ranh giới giữa đúng pháp luật và vi phạm rất mong manh và đáng lo hơn là những người dân ít va chạm với thương trường, người nghèo lại dễ bị dụ dỗ hơn.

Bộ Công Thương, với chức năng nhiệm vụ của mình, cần thanh tra, kiểm tra trên diện rộng, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý thật nghiêm, thật cương quyết, vừa bảo vệ người dân, vừa đảm bảo quyền lợi cho những doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Cần phải có các chế tài quản lý chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực kinh doanh đa cấp bởi đây là ngành kinh doanh khá đặc thù”.