Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: Sến là tôi!

ANTĐ - Lắm khi quay xong một cảnh, tôi ngồi ôm monitor và cười phá lên, cô thư ký trường quay ngơ ngác hỏi, sao anh cười ? Tôi nói, trời, sao mà nó sến dữ vậy trời? Cô thư ký bảo, kịch bản anh viết mà! Tôi bảo, ờ, thì tôi viết, nhưng không hiểu sao khi đó tôi có thể viết được những câu sến đến vậy!

Đoàn làm phim "Vừa đi vừa khóc" dầm mưa Sài Gòn, quay 36 tập phim trong 3 tháng. Lúc tôi đến bến phà Thủ Thiêm, Vũ Ngọc Đãng đầu trọc lóc đang cùng các nhân viên ăn cơm hộp, chuẩn bị những cảnh quay đêm giữa cơn mưa như bão. Vũ Ngọc Đãng luôn thẳng và thật, khiến người đối diện giật mình. Và vì thế, thay vì nói về những thành công, Đãng nói nhiều về thất bại của mình. Sự sòng phẳng với nghề, cho thấy Đãng còn yêu nghề quá nhiều...

- "Vừa đi vừa khóc", nghe cứ như tiểu thuyết diễm tình ấy nhỉ?

Đó là một trạng thái ai cũng gặp trong đời, vui quá cũng khóc mà buồn quá cũng khóc. Đó là cảm xúc của con người, sến hay diễm tình gì cũng thế. Phim tôi sến, phải sến mới là tôi. Lắm khi quay xong một cảnh, tôi ngồi ôm monitor và cười phá lên, cô thư ký trường quay ngơ ngác hỏi, sao anh cười ? Tôi nói, trời, sao mà nó sến dữ vậy trời? Cô thư ký bảo, kịch bản anh viết mà! Tôi bảo, ờ, thì tôi viết, nhưng không hiểu sao khi đó tôi có thể viết được những câu sến đến vậy!

- Sến quả thì tivi chảy hết cả nước, anh tính quảng cáo khăn giấy đấy à?

Phim này ấm áp lắm, đây là một bộ phim khiến tôi hài lòng nhất từ trước đến giờ. Không phải đang quay mà nói vậy đâu. Đây là kịch bản tôi ưng ý, do được chuẩn bị rất kỹ, nó mang đến thông điệp rất rõ ràng về cuộc sống. Các diễn viên cũng rất họp vai. Tôi nói ưng ý vì đây là bộ phim không có nhân vật phản diện, tất cả mọi người đều rất tốt. Nhưng vì tốt quá mà đôi khi người ta làm khổ nhau. Tôi muốn làm một bộ phim ấm áp, nó làm người ta yêu đời hơn. Xem phim Việt Nam bây giờ khiến người ta cảm thấy sợ, vì chém giết, trả thù lừa lọc nhau rất kinh khủng. Người ta nhìn Sài Gòn như một con ngáo ộp toàn tệ nạn, trong khi Sài Gòn rất là dễ thương...

- Thì anh cũng trình bày một Sài Gòn "hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo" trong phim "Hotboy nổi loạn " đó thôi?

"Hotboy nổi loạn" có sự khốc liệt vì phim phơi bày một hiện tượng đặc biệt, tuy nhiên cái kết vẫn làm cho người ta cảm thấy ấm áp. Bộ phim sai lầm nhất của tôi là "Những cô gái chân dài", vì tôi đã khiến cho người ta xem xong phim và mất niềm tin vào cuộc sống. Phim đó nói rằng, cứ cô nào lơ ngơ đứng ở ngã ba lên thành phố chắc chắn sẽ bị cám dỗ, sẽ bị lọc lừa.

- Còn sai lầm nào trong đời đạo diễn của anh nữa không?

Nói sai lầm thì không phải. Nhưng có hai thất bại mà tôi cho là bài học, đó là "Đẹp từng centimet" và "Ngôi nhà hạnh phúc". Với "Đẹp từng centimet" thì đó là sự tẻ nhạt, tôi chưa chuẩn bị kỹ cho nó, và có hơi hấp tấp, nên câu chuyện bị lưng chừng và nó khiến người xem không tin vào câu chuyện tôi kể. Còn với "Ngôi nhà hạnh phúc" thì lại là một vấn đề khác, tức là người xem vẫn không tin câu chuyện đó diễn ra ở Việt Nam, do văn hóa quá khác biệt giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Thêm vào đó, tôi đã làm một bản sao kém hấp dẫn so với bản chính.

Hãy lấy một ví dụ, như phim "Vườn sao băng" của Đài Loan, khi người Hàn Quốc làm lại họ đã đẩy nó lên hoành tráng hơn, rầm rộ hơn. Nghĩa là làm lại thì bạn phải đẩy mọi thứ vượt qua bản gốc ở độ hoành tráng, còn câu chuyện thì cũng chỉ có vậy thôi. Còn ở Việt Nam, không riêng "Ngôi nhà hạnh phúc", chúng ta mua bản gốc hoành tráng về làm một bản sao èo uột, nên sẽ không bao giờ thành công được. Với lại qua phim "Ngôi nhà hạnh phúc", tôi thấy mình làm phim về người giàu có gì đó quê kệch, nó không thuộc về tôi. Tôi thích làm phim về người nghèo hơn, thế giới đó lấm láp bụi bặm nhưng duyên dáng.

- Tất cả những gì anh vừa nói đều đã thay đổi ở "Vừa đi vừa khóc" nhưng xem ra anh cũng mượn Hàn Quốc khá nhiều motif, chẳng hạn như một cô gái giả trai, một chàng trai giả nghèo để đi tìm mẹ...

Đúng rồi đó, Hàn Quốc làm nhiều rồi nhưng Việt Nam chưa làm, nhưng không có nghĩa là tôi vay mượn. Thực ra trước giờ phim của tôi luôn kể những câu chuyện không có thật và tôi muốn khán giả tin đó là sự thật. Một bộ phim về những người nghèo nhưng không hèn, họ yêu đời và họ thấy hạnh phúc với cuộc sống đó. Cũng có thể nói, đó là triết lý sống của tôi, không phải giàu có nhiều tiền người ta mới hạnh phúc được. Hạnh phúc là sự bằng lòng lớn lao với cuộc sống này.

- Anh vừa nói tới các diễn viên, thực sự nếu nhìn từ góc độ truyền thông thì chỉ có duy nhất Minh Hằng có đủ sức nóng mà thôi. Nhìn lại thì thấy, tất cả đều là những người quen của anh trong những phim trước...

Tôi không lựa chọn những diễn viên có tên tuổi mà chọn vào sự hợp vai, thì Phương Thanh, Lương Mạnh Hải, Minh Hằng, Ninh Dương Lan Ngọc, Nhã Phương... đều rất hợp vai. Khán giả thích việc tôi đưa ra một diễn viên mới hơn là một diễn viên cũ. Với người cũ, tôi phải tìm được một cách làm mới họ thì mới mời. Chẳng hạn như Lan Ngọc, cô này nổi tiếng lâu rồi, nhưng vào phim của tôi sẽ hài hước và khác biệt hẳn. Nếu tìm được một ai đó mới mà diễn hay như Minh Hằng, tôi sẽ mời người đó chứ không phải Minh Hằng đâu. Tôi tin phim của mình hấp dẫn chứ không phải nó gây tò mò từ các diễn viên. Phim chiếu trên VTV3 vào tháng 12, lúc đó chúng ta sẽ biết tôi đúng hay tôi sai.

- Vậy có nghĩa là, những diễn viên anh từng mời vai chính trong phim trước mà nay không xuất hiện, nghĩa là họ đã nằm ở "lãnh cung" trong lòng anh, như Linh Sơn, Hồ Vĩnh Khoa chẳng hạn. Hình như có sự giận dữ nhẹ giữa đạo diễn và diễn viên, giống như mối quan hệ giũa Vũ Ngọc Đãng và Minh Anh trước đây?

Tôi và Minh Anh không có giận dữ gì nhau, chỉ vì tôi không tìm được điều gì mới ở cậu này thì ngừng hợp tác. Với Linh Sơn và Hồ Vĩnh Khoa cũng vậy, sau khi đóng phim thì nhắn tin qua lại không quá l0 cái tin. Đó là mối quan hệ bình thường của đạo diễn và diễn viên, nếu có vai hợp mới mời, chứ đâu thể cứ kéo nhau từ phim này đến hết phim kia. Bạn sẽ hỏi, thế tại sao luôn có Lương Mạnh Hải trong phim của tôi? Ngoài mối quan hệ đạo diễn - diễn viên, thì Hải hay Phương Thanh hay một vài diễn viên khác là những người bạn của tôi. Và khi viết kịch bản, tôi viết cho họ, tôi hiểu được mình có thể thay đổi họ như thế nào, nếu có thể thì mới làm. Nhưng Hải cũng trách tôi suốt, nó nói thân nhau thế nhưng vai của nó luôn lép vế so với những vai nữ. Đúng là không hiểu sao, tôi luôn dành ưu ái cho những vai nữ, số phận hơn, tính cách thú vị hơn và gây hiệu ứng mạnh hơn...

- Nói cách khác, những diễn viên anh không mời đóng phim tiếp, là anh "bó tay" với họ?

Là lúc này tôi chưa tìm ra được cách nào đó để khai thác họ khác đi, so với những gì họ đã có. Chẳng hạn, nếu mời Tăng Thanh Hà thì "hót" quá chứ; nhưng tôi không biết phải thay đổi hình ảnh của Hà như thế nào. Hơn thế, lúc này Hà đóng phim chắc chắn sẽ khó tập trung, vì cô ấy vừa mới lấy chồng, lại làm công ty, bao nhiêu việc phải giải quyết mỗi ngày. Trong khi đó, Minh Hằng dám từ bỏ tất cả, để tập trung cho phim. Minh Hằng cũng dám hóa thân thành một cậu con trai luôn.

- Các đạo diễn khác mỗi năm chạy show 4-5 phim, nếu dở thì có lý do chạy show nên không chăm chút được. Còn anh, hai năm mới làm một phim, khán giả kỳ vọng nhiều, những phim dở hay không có khi lại do công chúng đánh giả. Áp lực không anh?

Tôi đã bình tĩnh rất nhiều để làm bộ phim này. Sau khi "Hotboy nổi loạn" bị một số bài báo chê, tôi cũng lắng nghe nhiều, nhận ra bộ phim đó có những điểm yếu, chẳng hạn những cảnh hành động rất nhẹ, nó không đủ sức mạnh để tạo niềm tin với khán giả. Hành động và nhịp điệu phim là điểm yếu của tôi. Trước đây giới làm nghề nhiều người chửi tôi, thằng Vũ Ngọc Đãng không biết làm phim đâu. Nhưng sau "Hotboy nổi loạn", người ta cũng đã nhìn tôi khác đi một chút, có gì đó nể trọng hơn.

Tôi quay lại làm phim truyền hình, bởi vì tôi thấy đây là cái mình thích và tôi tự tin rằng nó không dở. Chắc chắn khán giả sẽ thích, vì tôi đã dành 2 năm để xem phim truyền hình Việt Nam, tôi biết khán giả muốn gì và chúng ta đang thiếu gì. Nghệ sỹ Việt Nam có một điểm yếu là chỉ tỏa sáng trong một vài tác phẩm đầu tiên, sau đó là cùn mòn, dùng những tác phẩm cũ để ăn mày đĩ vãng. Tôi thì không muốn điều đó. Tôi không muốn mọi người coi "Bỗng dưng muốn khóc" là đỉnh cao của Vũ Ngọc Đãng. Tôi muốn sẽ có một series ấn tương hơn. Phim này rất hay, yên tâm đi...

- Tại sao anh lại thích phim truyền hình, trong khi tất cả các đạo diễn đều hướng tới phim truyện nhựa? Phải chăng anh sợ cái áp lực về doanh thu?

Phim truyền hình cũng bị áp lực về rating mà. Tôi thích làm những điều mình thích. Chẳng hạn, một công ty trả lương rất cao và một công ty trả lương vừa phải nhưng cho tôi nhiều quyền hạn để sáng tạo hơn, thì tôi sẽ chọn công ty sau. Với tôi, làm phim là phải được chọn kịch bản, chọn diễn viên và cát sê của diễn viên do tôi ấn định.

Còn lý do làm phim truyền hình là vì niềm tự hào của bố mẹ tôi. Tôi là một đứa trẻ bụi đời bỏ nhà đi từ sớm, ngày trước khi làm phim nhựa chiếu rạp đâu có ai trong nhà được xem, đến khi "Bỗng dưng muốn khóc" chiếu trên tivi, bố mẹ họ hàng rồi những người ở quê cũ Thái Bình cũng xem và gọi điện, khiến bố mẹ tôi rất tự hào. Từ đó bố mẹ tôi đã có cái nhìn khác hơn về tôi, họ hiểu con mình hơn và chia sẻ được nhiều hơn. Nói vui vậy thôi, chứ tôi thấy làm phim truyền hình về cuộc sống đương đại là sở trường của mình. Tôi sẽ chọn những gì mình có thể làm tốt nhất.

- Cuộc sống của Vũ Ngọc Đãng bây giờ với l0 năm trước có gì đổi khác?

Tôi vẫn thế thôi, đi làm kiếm cũng chưa được nhiều tiền, vẫn chưa có nhà ở Sài Gòn đâu. Nhưng về nghề thì có sự điềm tĩnh hơn, chấp nhận được những lời chê và chấp nhận được cả những tật xấu của người khác...

- Còn tình yêu? l0 năm trước anh từng nói thà yêu một người kém thú vị một chút nhưng đẹp, để sau khi mọi thứ qua đi ta vẫn còn một thân hình đẹp để ngắm. Còn nay thì sao?

Nay vẫn vậy, nhưng khó hơn, là ngoài đẹp thì còn phải thú vị nữa. Chứ chỉ đẹp không thì yêu nhau sau vài tuần là chán. Đẹp và thú vị, để yêu nhau sau 5 năm vẫn còn có thể khám phá được nhau, yêu và tâm tình như những người bạn.

- Tóm gọn lại là anh đang yêu một chàng trai vừa đẹp vừa thú vị, và tình yêu đó đã 5 năm?

(Cười lớn) Hỏi kỳ quá nha! Tôi không trả lời câu hỏi này.

- Xin cảm ơn anh!