Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: Với tôi, 365 ngày đều là ngày điện ảnh

ANTĐ - Chiều tối, ngõ Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm thành chợ như mỗi sáng. Gác 2 nhà số 5, một biệt thự Pháp cổ, là nơi cư ngụ của vợ chồng đạo diễn phim truyện nhựa duy nhất hiện nay của Điện ảnh Việt Nam (ĐAVN): NSND Nguyễn Thanh Vân - NSƯT Phạm Nhuệ Giang. 

Đạo diễn Nhuệ Giang tiếp tôi trong căn phòng 25m2, nhiều tranh, sách, băng phim, khi chồng chị đang bận bên Ngọc Thụy, Long Biên hoàn tất việc xây mộ cho bố - NSND Hải Ninh, ông vừa mới rời xa chúng ta. Đây là ngôi nhà lịch sử, cất giữ toàn bộ ký ức của anh em chị, bố mẹ và những người bạn tiếng tăm.

Con của hai đạo diễn nổi tiếng lấy nhau, nối nghiệp cha, như định mệnh của tình yêu truyền đời. Đạo diễn Nhuệ Giang là con gái đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa (1914 - 1992) - người đặt nền móng sáng lập nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. NSƯT Nhuệ Giang trò chuyện với ANTĐ cuối tuần không chỉ về điện ảnh, mà còn về Hà Nội và những điều chưa nói.

- Mỗi lần người ta nói đến Hà Đông là tôi nhớ tới sông Nhuệ chảy bên thị xã (nay là quận) và phố ven sông tên Nhuệ Giang. Có phải chị sinh ra ở đấy?

- Thật lạ khi chúng ta bắt đầu bằng tên của tôi, có cái cớ để tôi giải đáp thắc mắc của nhiều người. Tôi sinh ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, còn mẹ tôi (diễn viên kịch nói Bích Châu, 1934-1988, PV) sinh tại Hà Đông. Tên anh chị em tôi là do mẹ tôi đặt: Anh Tô Văn, là theo tích Tô Văn Tô Thị, còn tên của tôi là để nhớ nơi mẹ sinh ra.

Gia đình ông bà ngoại tôi cũng ở Hà Nội, nhưng gốc Nghệ An, mẹ tôi là cháu đời thứ 6 của cụ Nguyễn Hữu Chỉnh (tướng thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn, thế kỷ 18). Còn cha tôi quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

- Vợ chồng chị gắn bó với biên kịch Nguyễn Quang Lập và diễn viên Hồng Ánh thành mối duyên chung. Các giải thưởng quan trọng của họ cũng từ các bộ phim của anh chị. Thực trạng phim nhựa ít mà kịch bản luôn dành cho “mối quen” thì người khác sao có cơ hội!

- Là duyên, hợp thì cộng tác bền. Hôm 14-2 vừa rồi, chúng tôi bay sang Sydney cùng vợ chồng Hồng Ánh, thăm Mai Hoa, người đã đóng vai bà Hoa (vợ cả) phim Đời cát. Mai Hoa (SN 1967) lấy chồng Việt kiều, có 1 con gái 6 tuổi, đã ly dị, hiện cô nuôi con và làm phát thanh cho Bộ Dân tộc của Australia. Chúng tôi chỉ có thời gian 10 ngày cho chuyến đi chơi, thăm em gái. Một số nghệ sĩ đã làm phim lâu năm với vợ chồng tôi, coi nhau như  gia đình.

- Chị vừa mới xong khâu tiền kỳ bộ phim truyền hình 30 tập Trò đời, chuyển thể từ các tác phẩm đặc sắc của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Kinh phí làm phim eo hẹp mà chị làm phim bối cảnh cách đây 70, 80 năm, quả là quá liều.

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: Với tôi, 365 ngày đều là ngày điện ảnh ảnh 2

- Tôi vẫn liều trong sự im lặng quyết liệt mà (Cười). Với cương vị Giám đốc Hãng phim Hội ĐAVN (HODA Film), đạo diễn Nguyễn Thanh Vân muốn khai thác dòng văn học “vang bóng một thời” đưa lên màn ảnh. Đây cũng là mảng đề tài sinh thời bố tôi rất tâm huyết. Chúng tôi chọn người đầu tiên là  nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939), nhà báo xuất sắc mà các phóng sự, ký sự chưa được khai thác. Chúng tôi mời nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chuyển thể mất 1 năm ròng, gồm tác phẩm: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô (1935), Kỹ nghệ lấy Tây và cả phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang (1900-1986). Tôi làm kịch bản phân cảnh 3 tháng và quay 3 tháng, từ 17-9-2012. Phối hợp là Hãng phim THVN (VFC), đạo diễn Đỗ Thanh Hải (Ủy viên BCH Hội ĐAVN) đồng giám đốc sản xuất.

- Với bối cảnh, thiết kế, phục trang được đầu tư, Trò đời dựng lại Hà Nội thời Pháp thuộc: ngoài sự lai căng, lố lăng, là vẻ đẹp của dung mạo, nếp sống ngày càng bị mai một, biến thái...

- Tiền ít, song tôi luôn động viên êkíp cố gắng tối đa. Thời ấy, thời trai trẻ của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Sĩ Tiến và cha tôi, là thời “Hà Nội nhất”, thời mà văn hóa thanh lịch lên ngôi, ra chất Hà Nội từ ăn, mặc, tóc, mũ, đi lại, đồ đạc... đều đẹp sang trọng, cầu kỳ, kiểu cách. Phim phản ánh bộ mặt xã hội qua nhiều tầng lớp. Rất tốn kém khâu phục trang (NSƯT Thu Hà - họa sĩ phục trang, em gái đạo diễn Thanh Vân đảm nhận), chuyên viên hóa trang Nguyễn Thị Hường vất vả, ngoài trang điểm phải lo vấn tóc cho nhiều nữ diễn viên. Phim có 200 nhân vật có tên, quần chúng thì vô kể.

                                                             

- Ở phim trường, chị thường dùng loa, một nữ đạo diễn làm phim lớn nếu không có “uy”, dễ bị “lấn”, bắt nạt? 

- Khi làm việc, tôi không quan tâm yếu tố giới tính. Tôi thường xuyên phải dùng loa mà vẫn hét khản cổ ở các đại cảnh. May có chồng tôi và cộng sự “hét” hộ. Thanh Vân và tôi luôn hỗ trợ nhau mọi phim, từ Tâm hồn mẹ đến nay, Thanh Vân kiêm giám đốc sản xuất. Tôi giữ chính kiến, phong cách, làm theo điều mình thích. Chỉ đạo các tên tuổi cá tính, có lúc tranh cãi, để thuyết phục mọi người theo mình, phải “rắn” và “mềm” tùy hoàn cảnh.

- Chị có thể phác qua không gian Trò đời và ê kíp sáng tạo? Khi nào phim phát sóng?

- NSND Nguyễn Hữu Tuấn giám đốc hình ảnh, HS Nguyễn Mạnh Đức thiết kế mỹ thuật, tôi đang dựng phim và lựa chọn nhạc sĩ. Phim quay tại đoạn phố kiến trúc Pháp ở Tạ Hiện, Hoàng Thành, làng cổ Đường Lâm, cảnh nội quay tại nhà cổ 87 Mã Mây, 38 Hàng Đào. Nhờ đạo diễn Thanh Vân được nhiều người biết và quý nể nên khi chúng tôi đưa công văn, đặt vấn đề giúp bối cảnh, mọi nơi đều giúp đỡ tối đa, không lấy tiền hoặc lấy  mức thấp nhất. Chặn phố để quay, thay đổi nội thất nhà cổ... đoàn phim đều được ủng hộ. Phim lên sóng VTV1 tháng 10-2013.

- Như vậy vấn đề kinh phí thấp đã được giải tỏa, sẽ có bộ phim hay?

- Các quan hệ cá nhân đều từ uy tín nghề, thật quan trọng. Làm phim hơn 20 năm, tôi càng thấy mình đúng khi quyết định: không cần làm nhiều, mà làm cho chất lượng.

- Kể chuyện vào vai Xuân tóc đỏ trên ANTĐ cuối tuần số 3-3 diễn viên Việt Bắc nói chị đã chỉ đạo kỹ cho diễn viên, quay phim rồi mà khi quay vẫn phóng xe máy theo để dặn tiếp. Điều này không có trong cách làm việc của các đạo diễn truyền hình quay 3 ngày/tập.

- Vì tôi là dân điện ảnh, làm phim truyền hình vẫn bị lối kỹ  chi phối. Tiền ít, không có nhiều phim nhựa để quay, số phim Kodak dè sẻn nên cần thị phạm kỹ để không phải quay nhiều “đúp”, tốn phim. Sang làm phim truyền hình thì vẫn bàn, dặn, tập cho diễn viên nhuyễn, nhằm không phải quay nhiều, kéo dài thời gian của đoàn phim vài trăm người là gay lắm.

- Đời thường, giọng nói chị thật dịu dàng và sống dung dị, nhưng lại rất quả quyết, tính cách ấy có phải từ hoàn cảnh sống?

- Vâng, tôi tự lập từ nhỏ. Cha mẹ ly hôn, ngăn phòng, nhưng vẫn cùng lo cho con cái. Hoàn cảnh số phận cũng cho tôi nghề nghiệp và tình yêu như ý.

- Chị muốn nói tới tình yêu trong tình yêu và định mệnh điện ảnh?

- Không phải khoe về lý lịch “con nhà”, nhưng thừa hưởng gen nghệ thuật và khẳng định mình nên con đường tiếp nối cha, là điều không phải ai cũng có và làm được. Từ nhỏ, tôi đã sống trong không khí điện ảnh. Mỗi khi bố bảo đi xem phim, dù đang bận gì, tôi đều bỏ để đi ngay. Tôi được xem rất nhiều phim hay, nhất là phim Nga kinh điển và phim chỉ chiếu nội bộ, tất cả cho tôi cảm xúc mạnh. Rồi được theo bố đi làm phim. Mẹ tôi là diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam, học piano từ nhỏ, bà hướng tôi học đàn từ lớp 1, học 9 năm tại trường Âm nhạc Việt Nam, rồi tôi bỏ. Tôi thi vào Đại học Xây dựng ra trường, công trình đầu tiên là giám sát xây dựng Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô.

- Hãy cho chúng tôi hình dung về kỹ sư xây dựng Nhuệ Giang năm 1981?

- Ngày ấy thiếu thốn, công nhân có bộ đồ bảo hộ là tốt lắm rồi. Kỹ sư vào công trường chẳng có mũ bảo hiểm. Tôi đạp xe Thống Nhất đi làm, mặc quần áo bình thường, chân đi guốc, không có giày chuyên dụng, có gì đi nấy. Xỏ guốc mà leo lên tầng kiểm tra giàn giáo, nghĩ lại thấy sợ thật. Cung Văn hóa xây theo thiết kế của Nga, tôi theo dõi từ lúc đổ móng tới khi đổ mái. Năm 1983, ĐH Sân khấu - Điện ảnh mở lớp đại học đạo diễn đầu tiên. Tôi biết đây là cơ hội để được sống với đam mê của mình. Đã thi là phải đỗ, đỗ phải học, học xong phải làm phim.

Tôi quyết thế, còn bố thì lo lắng. Nữ đạo diễn hiếm, lại chịu thử thách nhiều hơn. Lúc ấy, Thanh Vân đang học năm thứ ba Đại học Kiến trúc, cũng bỏ sang điện ảnh. Chúng tôi học cùng một lớp.

- Chị sống lãng mạn đấy, lúc nào cũng có hoa trong nhà!

- Không lãng mạn, đâu phải nghệ sĩ. Tôi yêu hoa trắng và các màu nhã, dịu. Tôi sống thực tế, không hay tưởng tượng bay bổng, đã làm gì thì làm hết khả năng, làm tốt nhất cái mình có.

- Chị lại quay về chuyện làm phim rồi. 

- Tôi thực sự xúc động khi được tiếp nối sự nghiệp của cha, người đã tận lực cả đời cho điện ảnh Việt Nam. Với tôi, 365 ngày đều là ngày điện ảnh, đều suy nghĩ về phim. Sống để làm phim!

- Và như thế, là chị đã lao động vượt sức lực vốn có?

- Khi làm phim, tôi luôn căng sức 200%. Không được ốm, không cho phép mình ốm. Đêm lại hay mất ngủ vì toàn suy nghĩ công việc.

- Chị đang chờ và mong mỏi điều gì?

- Tôi đang chờ phản hồi của khán giả sau buổi chiếu ra mắt Lạc lối (Cánh diều Bạc 2012) - phim truyện nhựa thứ tư của tôi  tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia sáng 16-3. Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ dòng phim nghệ thuật ở kinh phí sản xuất và phát hành, bởi đó là loạt tác phẩm đi ra quốc tế, cho thế giới biết đến ĐAVN. Hãng Phim truyện Việt Nam là đơn vị có đóng góp lớn trong hành trình điện ảnh nước nhà, đang nguy khốn: diện tích bị xâm hại, nhà xưởng xuống cấp. Hãng là anh cả đỏ của ngành mà bị bỏ quên, bạc đãi, tôi rất chua xót. Chồng tôi là Phó giám đốc hãng, lúc khó khăn này, thật vất vả vô cùng, khi anh em chỉ nhận 60% lương mà vẫn bám trụ. Chúng tôi sống để làm phim, muốn làm phim nên không bao giờ bỏ cuộc.