Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân ở tuổi 50!

ANTĐ - Tiếp nối một cách rạng rỡ sự nghiệp của cha - đạo diễn, NSND Hải Ninh, Nguyễn Thanh Vân - đạo diễn duy nhất của thế hệ 6X nhận danh hiệu NSND cho đến nay, đang sống những tháng ngày đầy rẫy nhọc mệt và âu lo, cùng cộng sự chèo lái Hãng Phim truyện Việt Nam (PTVN) - “anh cả đỏ” của ngành điện ảnh đang thoi thóp.

Hãng phim cũ kỹ đến vô lý và thảm thương, vắng và buồn. “Đại bản doanh” số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ không còn là địa chỉ vàng của chốn “quần anh hội”. Nhân tài tan tác, nhà xưởng tướp táp - dấu vết vừa qua “bão”. Phó Giám đốc nghệ thuật đón khách bằng nụ cười buồn, tiếp tôi tại phòng làm việc của anh - sơ sài, bé nhỏ.

- Chúng ta bắt đầu bằng tin vui đi! Chúc mừng anh về thành tích của bà xã Nhuệ Giang, phim Tâm hồn mẹ lọt vào chung kết LHPQT các nữ đạo diễn tại Dortmund (từ 10 đến 15-4-2013) và anh chị lại vừa có tour 4 nước châu Âu?

- Chúng tôi được mời dự nhiều LHPQT nên đã đến hơn 20 nước trên thế giới. Tôi tháp tùng vợ trở lại Đức, lần đầu chúng tôi tới Dortmund. Sau đó chúng tôi sang Namur, Bruxelles (Bỉ), Budapest (Hungary), Prague (Czech), lần đầu Đông Âu.

- Tôi vừa từ TP. Hồ Chí Minh ra. Trong ấy, khá đông lực lượng nghệ sĩ điện ảnh từ Hà Nội vào làm phim. Kênh HTV7 đang phát Huyền thoại 1C của anh. Tiếc là phim này và Lều chõng (từ truyện của Ngô Tất Tố) chưa lên sóng VTV?

- Nói dân điện ảnh sống nhờ truyền hình (TH) không sai. Gần 20 năm nay cả Hãng đi làm ngoài. Xét chuyên nghiệp là sống bằng nghề, chẳng lẽ lứa chúng tôi, 25 năm gắn bó với ĐAVN, đang dần thành đội ngũ không chuyên nghiệp?

- Các rạp chiếu dày đặc phim nước ngoài, có phim Việt Nam thì chủ yếu là hài, giải trí, thương mại. Phim nghệ thuật đi đâu, thưa anh?

- Đi vào kho, đau thật! Hệ thống rạp: hiện đại do tư nhân bao thầu, của Nhà nước thì hạch toán độc lập, nên lợi nhuận là trên hết. Nhà nước không có chính sách hỗ trợ khâu phát hành. Fafilm Việt Nam, đơn vị quốc doanh lép vế trước dòng thác thương trường. Chiếu phim nước ngoài nhanh, rẻ, lãi nhiều, phim nghệ thuật, phim dòng chính thống hầu như chỉ chiếu dịp lễ, ngày kỷ niệm. Thuộc nhiệm vụ bị buộc phải làm, các rạp có cách hành xử làm phim này chóng “chết” hơn theo kiểu xếp lịch chiếu vào giờ oái oăm: giờ hành chính ngày thường rồi bảo”không có khán giả” để ngừng chiếu.

- Hóa ra nhiều năm rồi, Hãng PTVN tự lo phát hành?

- Đúng thế. Chắt bóp để trả phí phát hành cho các phim của mình sản xuất, Hãng chịu lỗ hàng chục năm rồi. Nay tài khoản cạn kiệt, Hãng không thể tiếp tục nữa.

- Nên Tâm hồn mẹ và Lạc lối của NSƯT Phạm Nhuệ Giang vẫn chưa đến với đại chúng sau buổi chiếu chiêu đãi ra mắt?

- Các doanh nghiệp tài trợ phí phát hành, đòi hỏi quyền lợi có logo thương hiệu trên sản phẩm. Theo Luật Điện ảnh, không được để logo, chỉ có dòng chữ trên générique cảm ơn, điều này không hấp dẫn các thương gia. Huống hồ kinh tế khó khăn. Nhuệ Giang bỏ 500 triệu góp vốn sản xuất Lạc lối, đang tất tả cùng chủ nhiệm phim tìm tài trợ. Cần ít nhất 200 triệu mới phát hành được phim ra các rạp.

- Tháng 7-2012, anh nhận chức Phó Giám đốc nghệ thuật, nhưng hình như anh chưa được làm đúng chức năng của mình mà cứ phải quay cuồng với những việc kiện cáo đáng lẽ ra không đáng có?

- Ban giám đốc, anh em và cả bố tôi cùng “chiến đấu”. Kỹ sư Nguyễn Văn Nam làm Giám đốc Hãng năm 2000 lại ký hợp đồng cho thuê nhà “Thủy phi cơ” đến năm 2018 là sai và ẩu. Tòa nhà 200m2 ăn ra hồ, có từ thời Pháp, thuộc diện tích của Hãng, vốn là trụ sở của kịch đoàn, xưởng in tráng, nơi lãnh đạo cấp trên về gặp gỡ anh em. Đấu tranh mãi mới chấm dứt được hoạt động kinh doanh ăn uống. Chúng tôi muốn đây sẽ là nhà truyền thống của Hãng.

- Đơn vị “anh cả đỏ” sản xuất nhiều bộ phim kinh điển, xuất sắc cho ĐAVN lại cầm cự khốn khổ bằng tiền nhà cho thuê vài gian phòng. Nhà quay phim NSƯT Lý Thái Dũng cho biết, anh ấy không nắm chắc quân số hiện có của Hãng, bởi nó sụt giảm mỗi tháng! Đó có phải là sự thật?

- ĐD Nguyễn Hữu Mười, Trần Lực, Trần Hoài Sơn, nhà quay phim NSND Trần Quốc Dũng, Phạm Thanh Hà, biên kịch Nguyễn Hạnh Lê, HS Nguyễn Như Vũ vừa chuyển sang trường Đại học   SK-ĐA. Tôi biết khi việc đã rồi. Hãng chới với, nhân tài, năng lực bỏ đi. Nhớ thời hoàng kim, 10 phim nhựa/năm, chỉ giỏi mới được về Hãng. Nhiều phim là cơ hội cho anh em làm nghề, thu hút lớp trẻ, giờ sao nhận thêm người, lớp kế cận trống. Các em khá, giỏi chẳng ai dám hy sinh thời gian chờ đợi.

- Gần ba năm Hãng không sản xuất phim đặt hàng, tại sao thưa anh?

- Vì không được đặt hàng. Hai ông Lại Văn Sinh và Lê Ngọc Minh, nguyên Cục trưởng, Cục phó Cục ĐAVN làm thất thoát trên 43 tỷ công quỹ khiến ngành điện ảnh đã nghèo lại càng kiệt quệ. Nhà nước làm lại kế hoạch và trong lúc chờ đợi ấy, không có phim tài trợ và phim đặt hàng. Hiện 144 người trụ lại Hãng, hưởng lương hệ số 6,5 thấp hơn mức khởi điểm của Bộ Tài chính. Đa số nhận lương 50, 70% mức tối thiểu, không phụ cấp. Thật tủi hổ và cay đắng. Chúng tôi bị tổn thương lớn niềm kiêu hãnh của Hãng phim đầu đàn.

 - Hà Nội giờ rộng mênh mông. Nếu biết có ngày vất vả thế này, anh có tiếc 30 năm trước đã bỏ dở Đại học Kiến trúc thi vào Đại học SK-ĐA?

- Điện ảnh hồi đó rất thiêng. Năm 1979 chưa tuyển sinh đại học đạo diễn, mà tôi chỉ muốn làm đạo diễn. Hết cấp 3 học nghề này là quá non. Lứa đạo diễn chúng tôi đều được tuyển rất kỹ, chỉ có 7 người: Lưu Trọng Ninh, tôi, Nhuệ Giang, Nguyễn Khánh Sơn về đầu quân ở Hãng; Mạc Văn Chung (Hãng phim TL, KHTW, Cao Mạnh (Đài TH Hà Nội), Đinh Đức Liêm (sau vào TP HCM), tất cả qua hai trường ĐH. Tôi đã học hết kỳ 1 năm thứ 4 Kiến trúc. Chưa khi nào tôi tiếc khi chọn nghệ thuật thứ bảy.

- Nếu là kiến trúc sư Nguyễn Thanh Vân thì sao, nghề kiến trúc sẽ giàu hơn, lắm việc, làm không xuể?

- Nếu theo ngành xây dựng, tôi sẽ là kiến trúc sư vô danh.

- Anh sống tốt bằng nghề chứ?

- Tôi không lo đời sống riêng, mà lo cho anh em, trách nhiệm với Hãng. Chúng tôi sống khỏe bằng nghề, không giàu nhưng tiêu thoải mái, có thể bay nước nào mình thích mà không phải quá căng thẳng về tiền.

- Loạt phim truyện nhựa nổi bật của ĐAVN hiện đại được phát sóng các tối chủ nhật trên VTV1, mới có Người đàn bà mộng du, Trái tim bé bóng… Tôi thấy vợ chồng anh dành nhiều vai chính cho Hồng Ánh như thể đấy là diễn viên duy nhất đáp ứng mọi yêu cầu của đoàn phim. Có ưu ái tình thân đấy chứ!

- Có, song chủ yếu thấy hợp, vai bà Cháy mẹ Mai nhân vật chính trong Trái tim bé bỏng, tôi mời Hạnh Thúy, rồi cô ấy vướng phim khác nên Ánh vừa làm phó ĐD vừa đóng. Phim tới đây, chắc chắn không có Hồng Ánh.

- Nhất quyết không mua thêm xe máy, vợ chồng cứ chung 1 xe Honda thế sao?

- Một thì thiếu, hai thì thừa. Giang đã nghỉ hưu, tôi đi làm xe máy, gần thì đạp xe. Tôi mới mua xe đạp Nhật, đạp xe, chơi bóng bàn thường xuyên cho khỏe.

- Anh vẫn còn thời gian chơi bóng bàn? Tôi thấy anh bận lắm mà. Anh đọc trăm tập kịch bản/năm còn gì, lại làm nhiều chức: Ủy viên Ban chấp hành khóa 7 kiêm trưởng Ban Sáng tác kiêm Giám đốc Hãng phim Hội ĐAVN?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân ở tuổi 50! ảnh 2

- Ôi, toàn chức không lương ấy mà. 

- Anh ảnh hưởng gì từ cha mình?

- Ông Hải Ninh không dạy dỗ tôi trực tiếp, mà chính cách sống và sự nghiệp của ông dạy tôi. Thế hệ ông đam mê thành thật quá, mà cha tôi là tiêu biểu. Nếu không có gia đình lo toan, ông sẽ sống nghèo. Những người cùng thời ông, phần lớn nghèo, không có tích lũy. Chúng tôi có lúc tranh luận về cách làm phim, do tính cách và thời đại, chứ bố không áp đặt phải thế này, thế khác. Tôi thì vẫn thành thật, nhưng không quá (cười).

 - Hãng PTVN lúc này, còn đội ngũ đủ làm mấy phim?

- Có thể hai đoàn phim lên đường một lúc. Phim Những người viết huyền thoại của Bùi Tuấn Dũng duyệt tài trợ từ 2010, giờ mới làm. Tôi sắp triển khai phim nhựa Sống cùng lịch sử, Nhà nước đặt hàng, sẽ chiếu dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua 21 năm, tôi mới có dịp hợp tác với Đoàn Tuấn, sau Ngõ đàn bà. Sống cùng lịch sử nói về lớp trẻ hiện nay trước những kỳ tích cha ông, địa danh lịch sử, Lý Thái Dũng quay phim.

- Anh nhận giải thưởng Nhà nước năm 2007, khi 45 tuổi; nhận danh hiệu NSND năm 2012, khi 50 tuổi, thế là viên mãn rồi. Thảo nào, anh không cần nhìn giờ trên đồng hồ Tissot ở cổ tay trái.

- Nói chuyện thú vị không tính thời gian. Viên mãn ư? Đừng “dừng hình” tôi ở tuổi 50! Tôi còn làm phim ít nhất 30 năm nữa (cười giòn).