Đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan: Áp lực lớn nhất là vượt qua chính mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giải thưởng quốc tế ArteKino Awards từ LHP Busan 2021 tạo bước khởi đầu thuận lợi cho dự án điện ảnh “If wood could cry, It would cry blood” (tựa tiếng Việt: “Tấm ván phóng dao”) của nữ đạo diễn trẻ sinh năm 1996: Nguyễn Phan Linh Đan.

Dự án phim “Tấm ván phóng dao” chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên khá nổi tiếng của nghệ sĩ/nhà văn Mạc Can. Đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan quyết định chuyển thể kịch bản vì yêu thích tác phẩm này. Trò chuyện với An ninh Thủ đô Cuối tuần, Linh Đan cho biết: “Tôi để cuốn “Tấm ván phóng dao” trong túi xách và mang theo mình trong suốt 1 năm liền. Sau khi đọc trọn vẹn nội dung 2 lần, tôi quyết định phải làm thành phim với câu chuyện của nó”.

Linh Đan làm đạo diễn hình ảnh trên phim trường

Linh Đan làm đạo diễn hình ảnh trên phim trường

Muốn kể chuyện Việt Nam qua phim

- Phóng viên: Trước kia Linh Đan thường xuyên đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng có vẻ gần đây bạn đã ở trong nước nhiều hơn?

- Đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan: Những năm gần đây tôi đã tập trung công việc ở quê hương, một phần vì đại dịch Covid-19, một phần vì tôi thật sự muốn phát triển sự nghiệp của mình ở trong nước. Thú thật, lúc trước tôi có phần “ngại” làm việc ở Việt Nam vì hay bị người nhìn vào qua… cái bóng của gia đình. Nhưng bây giờ tôi nhận ra bản thân cũng có một phần cố chấp trong suy nghĩ. Bây giờ tôi muốn theo đuổi thứ mình muốn và không để tâm cái nhìn của người ngoài nữa.

Thời gian đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam để quay phim đối với tôi là một sự tự do, song cũng là một thử thách. Vì không ở một chỗ cố định nên tôi đã phải bỏ qua nhiều dự án không tham gia được, điều đó rất đáng tiếc. Tôi nghĩ mình vẫn sẽ tiếp tục sang Mỹ làm việc khi có cơ hội, vì tôi cảm thấy còn rất nhiều thứ có thể học được. Dẫu vậy, tôi muốn được tham gia kể những câu chuyện mang tính đặc trưng Việt Nam và hướng ra quốc tế bằng những dự án của Việt Nam. “Tấm ván phóng dao” với bối cảnh Việt Nam ở thập niên 50 và câu chuyện về gia đình đoàn xiếc lênh đênh nay đây mai đó là một bộ phim như thế.

- Đan vừa tâm sự một chút về “bóng dáng gia đình”. Có vẻ như bạn đã rất nỗ lực để khẳng định dấu ấn cá nhân dù được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm điện ảnh?

- Trước đây nếu được hỏi như vậy thì tôi sẽ tránh trả lời vì cảm thấy bị… xóa bỏ đi các nỗ lực cá nhân cũng như những khó khăn tôi trải qua. Tôi từng cảm thấy áp lực “gia đình” quá lớn, nên đôi khi quên đi những điều mình lẽ ra phải biết ơn. Khi lớn lên trong một gia đình tham gia nghệ thuật qua nhiều thế hệ, tôi may mắn được tiếp cận các hình thức nghệ thuật từ thuở bé và có ảnh hưởng lớn tới mình. Tôi nhận ra áp lực lớn nhất đến từ… chính mình và không muốn để điều này ngăn cản bản thân theo đuổi niềm đam mê làm phim. Dự án phim điện ảnh đầu tay “Tấm ván phóng dao” cũng là một nỗ lực để trả lời câu hỏi này. Tôi mong mọi người đón nhận nó như một lời đáp muộn khi bộ phim được hoàn thành. Tôi rất ngưỡng mộ những tấm gương trong gia đình đã bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Nên tôi cũng mong là mình có thể đi trên con đường riêng và để các sản phẩm nghệ thuật trả lời, cũng như để làm cho gia đình tự hào về con cháu.

Linh Đan và nhà sản xuất Ngô Bích Hạnh chụp hình cùng ông Lee Yong-Kwan (Chủ tịch LHP Busan) tại Hàn Quốc

Linh Đan và nhà sản xuất Ngô Bích Hạnh chụp hình cùng ông Lee Yong-Kwan (Chủ tịch LHP Busan) tại Hàn Quốc

Từ phim ngắn “Trẻ bụi đời” đến vai trò DOP/đạo diễn

- Có lẽ ít người biết về bộ phim ngắn tốt nghiệp “Trẻ bụi đời” (Children of the Dust) được làm trong gần 3 năm tại New York của bạn?

- Phim ngắn “Children of the Dust” kể về một cậu bé 10 tuổi, một người tị nạn tới Mỹ sau chiến tranh. Chỉ biết nói duy nhất một câu tiếng Anh “I'm hungry” (Tôi đói), cậu là hiện thân hy vọng của những người nhập cư và tị nạn theo đuổi “Giấc mơ Mỹ”. Xa lạ với môi trường mới, cậu cô độc trong một thế giới mà cậu không hiểu và thế giới ấy cũng không hiểu được cậu. Nhờ một cô gái cho cậu một bát phở lót dạ, cậu như được mang lại hơi ấm xoa dịu nỗi nhớ nhà của mình. Cuối cùng, trong tiếng pháo hoa mừng Ngày Độc lập của nước Mỹ, cậu đối mặt với sự lựa chọn giữa việc làm tội phạm hay làm việc lành mạnh song vất vả mà cô gái khuyên cậu. Thời gian làm phim ở New York có rất nhiều khó khăn, nhưng bù lại khi đạt được một thành quả gì đó thì cảm giác rất hạnh phúc. Tôi được cộng đồng người Việt xa quê hỗ trợ rất nhiều để hoàn thành bộ phim này.

- Trong làng điện ảnh Việt thì số nữ đạo diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn DOP (đạo diễn hình ảnh) thì cực hiếm. Linh Đan lại làm cả hai vai trò, vậy đâu là những ưu thế lẫn bất lợi (nếu có) trên phim trường đối với bạn?

- Thực sự thì ở vai trò DOP, dù ở New York hay Việt Nam thì tôi phải cố gắng chứng tỏ chuyên môn, sức lực bản thân chỉ vì mình là nữ giới. Nghe có vẻ hơi ngớ ngẩn, nhưng thời gian đầu, mỗi khi lên phim trường tôi đều nhấc máy quay hoặc một thiết bị gì đó nặng lên. Một cách mơ hồ, đó là để chứng minh mình đã quen làm việc chân tay - những việc đòi hỏi sức lực đàn ông - thì không có nghĩa các việc khác tôi không làm được. Tôi không muốn nhắc tới giới tính, nhưng thật ra đây là một vấn đề có ở mọi nơi. DOP là một công việc tốn nhiều sức lực, kể cả với đàn ông. Nhất là ở môi trường chưa có luật lao động riêng cho ngành điện ảnh như trong nước. Ban đầu cũng có người chưa xem trọng tôi, song tôi cũng may mắn tìm được nhiều người tin tưởng, hỗ trợ. Việc bình đẳng giới trong ngành điện ảnh nói chung, vai trò DOP nói riêng, sẽ góp phần cho những bộ phim được ra mắt khán giả đa dạng hơn và không kém phần chân thật.

- Cảm ơn Linh Đan và mong “Tấm ván phóng dao” sớm được thực hiện!

Nguyễn Phan Linh Đan

* Tốt nghiệp tại trường Đại học New York University (NYU) - Tisch School of the Arts, nơi có nhiều đạo diễn nổi tiếng thế giới từng theo học như: Martin Scorsese, Spike Lee, Chloé Zhao, Rachel Morrison…

* Đã từng quay nhiều phim ngắn tham dự nhiều liên hoan phim như Tribeca Film Festival, Busan International Film Festival, SXSW...

* Phim ngắn tốt nghiệp “Children of the Dust” (Trẻ bụi đời) nhận được tài trợ kinh phí làm phim từ Văn phòng điện ảnh thành phố New York, Hội đồng nghệ thuật bang New York, Quỹ nghệ thuật New York, đạo diễn Todd Phillips…

* Là nghệ sĩ của Hội Điêu khắc BKLYN CLAY ở New York.

* Làm đạo diễn hình ảnh cho phim Việt Nam “Bí mật của gió” công chiếu tại LHP Busan 2019.