Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Sau phim chiến tranh sẽ là... phim kinh dị

ANTĐ - Một bộ phim chiến tranh gây “sốt”, rồi “cơn địa chấn” của phim Việt… là những từ ngữ mà bộ phim “Người trở về” nhận được khi ra rạp. Đằng sau sự thành công ấy, đạo diễn Đặng Thái Huyền đã chia sẻ cùng phóng viên Báo An ninh Thủ đô những suy nghĩ rất thật của một người làm phim chiến tranh của thế hệ không trải qua chiến tranh - thế hệ 8X. 
Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Sau phim chiến tranh sẽ là...  phim kinh dị ảnh 1

2/3 khán giả là người trẻ

- PV: Đến giờ “Người trở về” có nhận được lời chê nào mà chị thấy  chê vì… quá đúng không?

- Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Có một lời chê mà tôi vô cùng tâm đắc, đó là lời thoại. Mặc dù tôi cực kỳ tỉ mỉ và trau chuốt từng câu thoại sao cho ngắn gọn và súc tích nhất nhưng có lẽ chính vì thế mà đôi chỗ có những câu bị xem là không đúng với nhân vật. Ví như trong phim có đoạn nhân vật người bố nói với cô con gái: “Hãy cứ gặp nhau một lần, thà một lần đau” mà sau này được góp ý là một ông bố ở nông thôn sẽ không nói thế. Đạo diễn Phạm Hoàng Nam là một người anh trong nghề, cũng nói với tôi rằng: “khi nào em cảm thấy hình bất lực, không còn gì có thể tả được bằng hình thì hãy cho thoại lên tiếng, còn không hãy tin là khán giả hiểu và đừng thật thà cho rằng phải nói ra mồm”. Nghĩ lại, tôi thấy quá đúng!

- Có ai nói với chị là phim có đôi chỗ bị “sến” hay ủy mị quá không?

- Khi làm phim này, tôi xác định không phải để các bậc tiền bối xem mà để đến với lớp trẻ. Muốn thế, mình phải có cách tiếp cận để tìm ra tiếng nói chung, phải có “link” (đường dẫn) đến với họ để họ thấy gần gũi. Vì thế, nhiều cô gái trẻ nói với tôi là họ thích vì nhân vật anh lính như trong tiểu thuyết, không lừng lững oai vệ, mà rất gần gũi đời thường. Các suất chiếu của “Người trở về”, 2/3 là người trẻ, với tôi đấy là thành công rồi. 

- Chị có nghĩ phim thành công là nhờ được “PR” tốt không?

- Tôi đồng ý là nhờ truyền thông mà phim được đi xa hơn và được công chúng biết đến nhiều hơn. Nếu làm phim xong mà không ai biết thì lấy đâu ra người đến xem. Từ trước đến nay các phim Nhà nước chưa bao giờ coi trọng khâu này, có lẽ vì bị “ăn mòn” bởi suy nghĩ: không có nhu cầu bán vé. Nhưng tôi lại nghĩ, một bộ phim làm ra không phải của cá nhân đạo diễn mà là công sức của cả tập thể, vì vậy không phải muốn PR hay không mà đó là trách nhiệm. 

- Làm phim chiến tranh mà trong êkip làm phim của chị toàn 8X với 9X. Chị có thấy mình “liều” quá không?

- Trong êkip làm bộ phim này có cả những bạn 9X chưa đi làm phim bao giờ nhưng được giao làm phó trợ lý đạo diễn. Tôi đang cầm một “đội quân” làm phim như thế đấy (cười). Lúc đi làm phim, cơ quan ra tiễn mà vẫy chào như lên đường đi nghĩa vụ quân sự. Nói vui vậy nhưng tôi nghĩ thà cứ trẻ hết, cùng nhau làm cái mới tinh, chứ sợ nhất ngồi làm mà tranh luận với nhau mỗi người một ý rồi có khi lại…“nát” chuyện.

Sẽ không “đóng khung” mình

- Sau bộ phim này, chị đang nung nấu ý định theo đuổi đề tài phim chiến tranh. Liệu sẽ là “Người trở về 2” hay thế nào?

- Không, tôi cần một câu chuyện có sức nặng hơn, bi kịch hơn, vượt qua cả tình yêu đôi lứa, không chỉ là bi kịch trong một gia đình mà bi kịch của cả một dân tộc. Tôi vẫn đang suy nghĩ về điều đó và thấy mình cần độ “chín” hơn. Nhưng đó vẫn sẽ là bộ phim về đề tài hậu chiến, có điều tôi không bao giờ làm phim nào mà bi kịch khiến người xem cảm thấy quá mức nặng nề. Điều quan trọng là sau khi xem, người ta thấy dù thế nào cũng có thể chiến đấu và chiến thắng vượt qua khổ đau, kể cả tận cùng. 

- Theo đuổi dòng phim này, chị có nghĩ mình đang tự “đóng khung” mình lại không?

- Công bằng mà nói, mình phải được đón nhận thế nào thì mới được “đóng khung”, chứ chẳng ai lại “đóng khung” một đạo diễn với đề tài nào nếu như họ làm thất bại cả. Nếu tôi được như vậy, đó là điều an ủi vì mình đã được ghi nhận. Nếu có cơ hội, tôi vẫn dành thời gian thử sức với các đề tài khác. Tháng 12 tới tôi sẽ làm một bộ phim chiếu rạp về đề tài tâm lý kinh dị. 

- Đang làm phim chiến tranh mà “nhảy” sang phim kinh dị, nghe chừng bước nhảy này của chị xa quá?

- Không ai biết đây là đề tài mà tôi rất mê và nghiên cứu lâu lắm rồi. Tôi sưu tập gần như trọn bộ phim của đạo diễn Alfred Hitchcock làm về dòng phim kinh dị. Tôi rất ấn tượng với cách làm phim kinh dị của ông, đi sâu vào khai thác tâm lý và bản năng con người, đấy mới là điều khán giả đang rất quan tâm và tôi cũng muốn thử làm theo cách đó. Vì hiện giờ các phim kinh dị ở Việt Nam có cái khó là vì các rạp đang tràn ngập phim thể loại này của nước ngoài nên hay bị đem ra so sánh là “chưa tới”. Đấy thực sự cũng là áp lực cho tôi. Nhưng với dự án nào, tôi cũng muốn tự tạo ra áp lực cho mình để có sự chuẩn bị chu đáo. 

-  Xin cảm ơn và chúc chị thành công!