“Đánh úp” ngành vận tải

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay, xăng dầu liên tiếp 5 lần tăng giá nhưng chưa một lần giảm khiến các doanh nghiệp vận tải càng thêm khó. Sau cú “sốc” tăng giá lần thứ 5 vừa qua, nhiều doanh nghiệp taxi đã lên phương án tăng giá từ 5-10%.

“Đánh úp” ngành vận tải ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp taxi đã lên phương án tăng cước từ 5-10%

Taxi, vận tải hàng hóa lên phương án tăng cước
Từ 20h ngày 7-7, tất cả các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh tăng khá mạnh, đẩy giá xăng đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay 26.140 đồng/lít, dầu tăng từ 130-290 đồng/lít, tùy loại.  Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã 5 lần tăng liên tiếp với tổng mức tăng là 1.440 đồng/lít, tuy nhiên chưa một lần giảm. Mặt hàng dầu diesel có tăng có giảm, song mức giảm rất nhỏ giọt chỉ từ 100 - 150 đồng/lít.  Trong khi đó, vài ngày nay, giá xăng dầu thế giới đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 tới nay. Dầu thô tiêu chuẩn Mỹ giao trong tháng 8 trên sàn New York Mercantile Exchange ngày 15-7 giảm 95 cent còn gần 99,96 USD/thùng. Tính từ đầu tháng 7-2014, giá dầu đã giảm 5%.  Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp taxi đang rục rịch lên phương án tăng giá cước trong thời gian tới nếu giá xăng dầu không giảm. Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ, mấy năm nay, các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, xăng dầu chiếm tới 35-45% chi phí vận tải, nhưng từ đầu năm đến nay đã 5 lần tăng, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó khăn hơn. Tuy vậy, đến thời điểm này, Hiệp hội vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin về tăng giá cước từ các doanh nghiệp vận tải khách, còn một số hãng taxi đang có phương án tăng giá trong vài ngày tới.  Đối với các doanh nghiệp vận tải, kể từ khi thực hiện siết tải trọng xe đến nay, họ cũng gặp không ít khó khăn vì giá cước tăng. Theo tính toán, giá cước đã tăng từ 2-2,5 lần do siết tải trọng, một lượng lớn hàng hóa đã chuyển sang vận tải thủy hoặc đường sắt với chi phí rẻ hơn khiến vận tải ô tô điêu đứng. Một số doanh nghiệp vận tải container cũng đã có thông báo tăng giá 4-5% cước vận chuyển. Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng nhận định: tổng 2 lần giá xăng dầu tăng liên tiếp vào khoảng 600 - 700 đồng/lít. Điều này chắc chắn  tác động lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là vận tải chuyên chở container và hàng rời. Lo vận tải khách “tăng vé mồm”
Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Thương mại Thiên Phong (taxi Thành Công) cho biết, đối với 4 lần xăng dầu điều chỉnh trước đó, doanh nghiệp này đã cố “cầm cự” không tăng cước taxi bằng các biện pháp như hỗ trợ lái xe, giảm bớt lợi nhuận. Tuy vậy, lần tăng giá xăng thứ 5 này doanh nghiệp đang phải tính toán phương án tăng. “Nếu trong thời gian tới giá xăng dầu không giảm thì chắc chắn chúng tôi phải tăng cước taxi, không thể không điều chỉnh vì đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Anh Quân phản ánh. Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng đã quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp nên bắt buộc phải tính phương án tăng giá: “Tôi được biết, một số doanh nghiệp taxi chuẩn bị phương án tăng giá từ 5-10%, cũng là vì bất đắc dĩ, không tăng thì lỗ vì xăng dầu đã 5 lần tăng rồi”.  Đối với vận tải khách, do sự điều chỉnh nhỏ giọt của xăng dầu  nên doanh nghiệp muốn xin tăng giá cũng khó. Mỗi lần doanh nghiệp vận tải tăng giá một ít thì không được vì thủ tục rất rườm rà. Song, không ít người lo ngại chưa tăng giá vé theo quy định nhưng một số doanh nghiệp vận tải sẽ “tăng vé mồm”, dựa vào giá xăng dầu tăng để thu tiền cước cao hơn. Theo ông Bùi Danh Liên, doanh nghiệp vận tải mong muốn có sự minh bạch trong kiểm soát giá xăng dầu, còn như vừa qua chẳng khác nào “đánh úp” ngành vận tải.