Đánh trúng, triệt sớm, “tín dụng đen” sẽ hết đất sống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” cho thấy, công tác phòng ngừa, xử lý càng làm sớm sẽ càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt, xã hội, người dân sẽ giảm thiểu nguy cơ bất ổn. Do đó, chú trọng phòng ngừa, rà soát, xác định rõ từng ổ nhóm, đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen” để xây dựng phương án đấu tranh luôn là chỉ đạo xuyên suốt của Ban Giám đốc CATP Hà Nội đến các đơn vị, địa bàn.
Các đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” bị Công an Hà Nội xử lý

Các đối tượng, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” bị Công an Hà Nội xử lý

Gốc của nhiều loại tội phạm

Trong hệ thống các loại tội phạm hình sự thì tội phạm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi là nguồn cơn của mọi hành vi vi phạm pháp luật, từ gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cho tới cả giết người. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội), riêng từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra trên 60 vụ việc liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó CQĐT các cấp đã khởi tố 25 vụ, 88 bị can. Đáng chú ý, có 41 vụ liên quan đến đổ chất bẩn, chất thải. Dù so với những năm trước, con số và tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đã giảm mạnh, nhưng nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn.

Quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, Phòng Cảnh sát hình sự đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với công an các quận, huyện, thị xã, đồng thời trực tiếp đấu tranh, triệt phá nhiều vụ, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Mới đây, ngày 18-10, Cơ quan CSĐT CAQ Hà Đông đã khởi tố bị can, tạm giam các đối tượng Nguyễn Trung Sơn (SN 1996), Văn Tuấn Châu (SN 1999), cùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội; Nguyễn Trần Đức Quang (SN 2003, trú tại quận Tây Hồ); Nguyễn Phương Trung (SN 1986, quê ở tỉnh Bắc Giang) và Vũ Văn Dũng (SN 1982, trú tại quận Hai Bà Trưng) về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Số đối tượng này làm thuê cho Vũ Văn Dũng và được Dũng chỉ đạo đến nhà chị Nguyễn (trú ở quận Hà Đông) đòi nợ. Thời điểm nhóm đòi nợ đang bôi bẩn ngôi nhà, chị Nguyễn vì sợ hãi đã phải bỏ trốn. Thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp nơi Vũ Văn Dũng thuê tại chung cư ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, CAQ Hà Đông thu giữ 8 sổ ghi chép khách vay nợ, 6 điện thoại di động, cùng nhiều tài liệu khác.

Cơ quan công an cũng làm rõ, cuối năm 2018 Vũ Văn Dũng tổ chức kinh doanh tài chính dưới hình thức cho vay “bốc bát họ” từ 5 - 50 triệu đồng. Khi cho khách vay, Dũng cắt lãi trước. Bát họ 10 triệu Dũng cắt lãi 2 triệu đồng, khách phải trả trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 200.000 đồng (tương ứng lãi suất vay là 146%/ năm). Cơ quan điều tra xác định có khoảng 300 người là nạn nhân của nhóm đối tượng này với số tiền cho vay trái quy định khoảng 18 tỷ đồng.

Tinh quái và nhẫn tâm hơn phải kể đến ổ nhóm do vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh (39 tuổi, ở Hà Nội) cầm đầu đã bị CAQ Nam Từ Liêm bóc gỡ. Ổ nhóm này nhắm vào khách hàng là gái mại dâm, tiếp viên karaoke “thất nghiệp” do Covid-19. Từ cuối tháng 12-2020 đến khi bị bắt (trung tuần tháng 11-2021), vợ chồng Vân Anh tham gia các nhóm kín về mua bán dâm trên mạng xã hội để quảng cáo cho vay lãi nặng theo hình thức “bốc bát họ”. Lãi suất từ 10 - 20 nghìn đồng/triệu đồng/ngày.

Vân Anh yêu cầu người có nhu cầu vay tiền phải chụp Giấy Chứng minh nhân dân cùng ảnh chân dung, ảnh giao diện tài khoản mạng xã hội và đặc biệt là phải có ảnh/video khỏa thân. Vì bí tiền, nhiều khách hàng đã phải chấp nhận yêu sách này. Cho đến khi bị bắt, vợ chồng Vân Anh đã cho gần 1.000 người vay lãi nặng với số tiền hơn 5 tỷ đồng, lãi suất 146-730%, hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.

Chặn nguồn tội phạm

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự, để triệt tận gốc tội phạm “tín dụng đen”, một trong những yêu cầu đầu tiên là phải nắm chắc cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính. Từ đó phân loại, đánh giá mức độ, tính chất hoạt động của loại hình kinh doanh này để có biện pháp ngăn chặn. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có trên 1.000 cơ sở cầm đồ và kinh doanh tài chính, phần lớn đều cung cấp dịch vụ cho vay tài chính. Từ kết quả điều tra cơ bản này, Phòng Cảnh sát hình sự và công an các quận, huyện, thị xã đã phân công, phân cấp quản lý, tập trung vào các cơ sở kinh doanh, cá nhân, ổ nhóm có biểu hiện phức tạp, đã từng vi phạm hoặc đối tượng cầm đầu có nhiều tiền án, tiền sự.

Xác định rõ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm ANTT trong tình hình hiện nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã chủ động, tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả, phối hợp chặt chẽ theo sự chỉ đạo của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) về phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm “tín dụng đen”.

Như vụ triệt phá ổ nhóm tội phạm do đối tượng Nguyễn Văn Thuận (SN 1987, ở xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì) cầm đầu. Không chỉ cho vay với lãi suất “cắt cổ”, ổ nhóm này còn liên quan việc tổ chức đánh bạc. Trước khi bị bắt, Nguyễn Văn Thuận có vỏ bọc là chủ cửa hàng cầm đồ trên địa bàn xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Nhưng thực chất, hiệu cầm đồ này hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ tài chính, cho vay với lãi suất ngày từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu đồng/ngày.

Hay như ổ nhóm các đối tượng đều trú ở huyện Gia Lâm là Lê Xuân Chiên (SN 1989), Lê Anh Việt (SN 1997), Bùi Xuân Trưởng (SN 2000), Phạm Văn Thắng (SN 1990), Nguyễn Viết Lãm (SN 1996), Nguyễn Minh Vương (SN 1995), bị CAH Gia Lâm phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự bóc gỡ. Núp bóng hiệu cầm đồ, các đối tượng do Lê Xuân Chiên cầm đầu cho vay nặng lãi và khi không đòi được tiền sẽ liên tục gọi điện, dùng sim rác nhắn tin đe dọa, ném chất bẩn vào nhà người thân của người vay nợ…

Từ những vụ án liên quan đến “tín dụng đen” bị lực lượng công an xử lý trong thời gian qua, việc đầu tiên phải nhắc đến là ý thức chủ quan của người dân. Mặc dù đã có khuyến cáo từ cơ quan chức năng và cả những câu chuyện đau lòng liên quan đến “tín dụng đen”, nhưng nhiều người vẫn nhắm mắt thực hiện các giao dịch “chết người”. Tiếp đến, là những vấn đề cần đặt ra đối với công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý loại tệ nạn, tội phạm này. Cần phải quyết liệt, thường xuyên và có sự phối hợp sâu hơn nữa với các cơ quan chức năng. “Tín dụng đen” sẽ còn đất sống chừng nào nó không được phát hiện, xử lý sớm và các cơ quan liên quan vẫn buông lỏng quản lý, hoặc thờ ơ.

Đang xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt thêm các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền trong thời gian ngắn mà không phải thực hiện các thủ tục tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, có người phải vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.