Giữ vàng thiệt đủ đường (2)

Đánh thuế vàng - phải xem xét kỹ

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất với Bộ Tài chính xem xét đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng, tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng đề xuất này tạo thêm sự thiệt thòi cho người dân. Nhiều chuyên gia tính toán đánh thuế vàng tại thời điểm này là chưa hợp lý. 

Người dân từ lâu đã quen mua vàng để phòng thân

Vàng “phòng thân” cũng bị đánh thuế?

Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ở nhiều nước, cá nhân, tổ chức kinh doanh vàng đều phải nộp thuế như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện NHNN đã đề xuất với Bộ Tài chính xem xét đánh thuế đối với vàng. Về lâu dài cần thiết phải đánh thuế vàng, nhưng còn thời điểm và mức thuế sẽ được cân nhắc thận trọng sao cho phù hợp. Có thể sẽ cân nhắc đến thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng vì đây là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích người dân cất giữ. Đã kinh doanh hàng hóa thì phải chịu thuế giá trị gia tăng. Hiện nay vàng chỉ chịu thuế xuất khẩu 10%, còn vàng nguyên liệu nhập khẩu không chịu thuế.

Lý do mà NHNN đề xuất đánh thuế vàng là để hạn chế vàng hóa nền kinh tế. “Hoạt động mua bán vàng nếu có sinh lời chẳng qua là lợi nhuận kinh doanh chuyển từ túi người này sang túi người khác chứ không mang giá trị gia tăng cho nền kinh tế vì Việt Nam không sản xuất vàng mà chỉ buôn bán qua lại” - Phó Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Đề xuất này đã gặp không ít phản ứng từ phía người dân. Chị Thu Hằng – chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo tại quận Thanh Xuân chia sẻ: “Tiền mất giá, lãi suất gửi ngân hàng cũng không được bao nhiêu nên khoản thu nhập từ cửa hàng kinh doanh quần áo sau khi trừ đi các chi phí và sử dụng chi tiêu cho gia đình tôi cũng dành dụm mua vàng coi như để dành cho cô con gái sắp thi vào đại học. Nghe nói NHNN mới có đề xuất đánh thuế vàng khiến tôi khá thất vọng vì mình đâu phải buôn bán, đầu tư vàng mà chỉ giữ làm của để dành. Đánh thuế như vậy không khác gì đánh vào khoản dành dụm phòng thân của người dân”. 

Chủ một cửa hàng vàng tại quận Hoàng Mai cũng cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ nên đánh vào các mặt hàng xa xỉ, còn vàng tại Việt Nam chủ yếu được người dân mua với mục đích “phòng khi có việc”. Nếu loại bỏ các yếu tố đầu cơ, đầu tư mua đi bán lại thì việc đánh thuế sẽ khiến nhiều người lao động có vàng tích trữ bị thiệt thòi. Nếu quyết tâm đánh thuế vẫn được thực hiện thì tin rằng người dân vẫn sẽ nắm giữ vàng. 

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu chia vàng làm hai loại là vàng tiền tệ (vàng miếng) và vàng hàng hóa (vàng trang sức) thì đánh thuế vàng trang sức là đúng nhưng đánh thuế vàng miếng là vô lý. Nếu đánh thuế vàng miếng thì chẳng khác gì đánh thuế tiền đồng hay ngoại tệ. TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: “Trước khi NHNN muốn tính thuế vàng miếng cũng cần phải phân tích, xác định mục đích, vàng là hàng hóa hay phương tiện tích trữ. Nếu là phương tiện dự trữ thì nó là hàng hóa tiền tệ. Còn xem vàng là hàng hóa bình thường như rượu, bia, thuốc lá - hàng xa xỉ lại là chuyện khác. Nếu NHNN chỉ rõ được mục đích quản lý của mình đối với kim loại quý thì hãy nên tính đến phương án thuế hợp lý”. 

Thời điểm chưa thích hợp

Các chuyên gia cho rằng, việc quản lý kinh doanh vàng hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa xử lý dứt điểm được. Nếu tiếp tục đưa ra chính sách thuế đối với vàng có thể khiến thị trường này thêm rối, không loại trừ những biến tướng chưa thể lường trước. 

TS. Nguyễn Trọng Tài - Học viện Ngân hàng cho rằng: “Việc đánh thuế vàng nếu không cẩn thận không những không hạn chế được vàng hóa mà còn làm cho thị trường vàng thêm phức tạp. Bình ổn thị trường vàng là phải hạn chế được giới đầu cơ chứ không phải đánh vào túi tiền tích cóp ít ỏi của người dân. Thuế vàng càng phức tạp, thị trường vàng càng rối, càng khuyến khích đầu cơ. Cái mà thị trường vàng cần hiện nay là minh bạch thông tin, chính sách chứ không phải làm thị trường thêm rối bởi thuế”. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên nguyên tắc vàng cũng là một loại hàng hóa, tuy nhiên trong lúc này thị trường vàng chịu nhiều biến động, nhất là sau thời điểm các ngân hàng không được tiếp tục huy động vàng thì việc đánh thuế các cơ quan nên xem xét lại ở một thời điểm thích hợp hơn. Các chuyên gia cũng cho rằng, tâm lý tích trữ vàng đã ăn sâu vào nhiều thế hệ người dân Việt Nam, do đó không thể một sớm một chiều có thể xóa bỏ được. Muốn người dân không mặn mà với vàng thì phải giải quyết những vấn đề vĩ mô, nếu tiền đồng không bị mất giá thì người dân sẽ không còn tính tới chuyện tích vàng, tích USD.