Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, liệu có khả thi?

ANTD.VN - Mới đây, thông tin Bộ Tài chính đang dự định nghiên cứu chính sách đánh thuế tài sản mang tính trực thu, tập trung vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều nhà, đất... thu hút sự chú ý của dự luận. Chẳng hạn, với những người có 2-3 nhà thì từ nhà thứ hai trở đi sẽ bị đánh thuế nặng. 

Đánh thuế người sở hữu nhiều nhà, liệu có khả thi? ảnh 1Việc đánh thuế lũy tiến nhà ở được cho rằng sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản

Đánh thuế lũy tiến là cần thiết

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc đánh thuế tài sản là cần thiết và đến thời điểm này mới tính đến đã là muộn. Việc đánh thuế nhà lũy tiến hướng đến nhiều mục tiêu khác nhau, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách vừa chống đầu cơ nhà đất. Hiện nay, Việt Nam không đánh thuế tài sản trên đất mà chỉ đánh thuế đất với tỷ suất khá thấp là 0,03% theo bảng giá đất của Nhà nước. Trong khi đó, tại nhiều nước, nguồn thu từ thuế tài sản rất lớn, với thuế nhà từ 1-1,5% được áp theo giá thị trường, là nguồn chủ yếu để phát triển hạ tầng và cải tạo đô thị. 

Theo GS Đặng Hùng Võ, việc đánh thuế lũy tiến vào người có nhiều nhà ở là giải pháp mạnh chống đầu cơ, vì càng “ôm” nhiều nhà ở, nhà đầu cơ sẽ phải nộp thuế càng cao. Vì vậy, việc đánh thuế cao sẽ khiến giá nhà đất hạ xuống, còn nếu thuế thấp thì tình trạng đầu cơ sẽ khiến giá nhà đất tăng cao. Nhiều năm trở lại đây, do chính sách thuế lỏng lẻo, nạn đầu cơ bất động sản đã trở thành lĩnh vực thu lợi nhuận cao, nguồn vốn đổ dồn vào đây cực lớn, lấy mất nhiều cơ hội cho nền kinh tế phát triển. 

Ngoài ra, sắc thuế tài sản cũng sẽ góp phần sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, giúp thị trường bất động sản vận hành ổn định. GS Đặng Hùng Võ cho rằng, tình trạng tràn lan những khu “biệt thự ma” như hiện nay là do người sở hữu nhà không bị đánh thuế nhà. 

Liệu có khả thi?

Trên thực tế, sắc thuế này đã được đề xuất từ hơn 5 năm trước khi xây dựng Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, song tại thời điểm đó, đề xuất này không được Quốc hội thông qua do chưa có sự đồng thuận cao trong dân.

Ở thời điểm này, theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện thu thuế tài sản vẫn rất khó khả thi. Ông Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng nhà ở số 2 Hà Nội (Hadinco 2) cho rằng, việc đánh thuế lũy tiến với nhà ở là một định hướng nghiêm túc và cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thì ý tưởng đó rất khó thực hiện và cần một thời gian rất dài để chuẩn bị các điều kiện cả về cơ sở pháp lý lẫn cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân khẩu, nhà ở. 

“Hiện nay, thị trường bất động sản ở nước ta không đủ độ minh bạch, tỷ lệ xác lập được chủ sở hữu theo pháp luật không cao. Chúng ta chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đó thì liệu việc thu thuế có khả thi? Chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng thu được của người này, không thu được của người kia, rồi tiền thuế thu được chưa chắc đã bù được chi phí bỏ ra để đi thu. Nói đơn giản như thu phí đường bộ đối với xe máy, là một khoản phí rất nhỏ nhưng cuối cùng chúng ta cũng không thu được” - ông Nguyễn Chí Sỹ nói. 

Đồng quan điểm, một chuyên gia bất động sản khác cho rằng với tình trạng hiện nay, việc hình thành một cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn. Nếu không có những dữ liệu này thì việc thu thuế sẽ gây khó cho cơ quan thuế. Mục đích hạn chế đầu cơ cũng khó khả thi vì đơn giản là người mua nhà có thể nhờ người khác đứng tên bất động sản. 

Trước những băn khoăn của dư luận, mới đây, trao đổi với báo chí, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, quy định đánh thuế mua nhà thứ hai, thứ ba mới chỉ là định hướng, mọi thứ còn chưa rõ ràng, vì vậy người dân không cần quá lo lắng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập hợp thông tin để nghiên cứu. Việc đánh thuế tài sản cần phải xây dựng luật và cần Quốc hội chấp thuận đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.