Đánh người khác vì bị đe dọa giết, phạm tội gì?

ANTĐ - Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông, Ngô Hồng Quốc Tú đều là những người làm thuê trên tàu cá ký hiệu BV 4319 TS do anh Nguyễn Thanh Hùng (trú tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) làm thuyền trưởng. 
Đánh người khác vì bị đe dọa giết, phạm tội gì? ảnh 1

Nội dung vụ án :

Ngày 16-9, khi tàu đang đánh bắt ngoài biển, do phát hiện cả Hải, Thông và Tú đều không chịu làm việc nên anh Hùng đã không cho những người này ăn cơm. Đến 20h ngày 19-9, nhóm của Hải, Thông và Tú đến xin anh Hùng tiếp tục làm việc để được ăn cơm. Tuy nhiên lúc này anh Hùng không đồng ý và nói chuẩn bị đồ để gửi cả ba theo tàu khác quay lại bờ.

Trước đó Hải, Tú, Thông nghe được anh Hùng nói chuyện khi gửi Hải, Tú và Thông lên tàu cá khác vào bờ mà không làm việc thì sẽ bị đánh chết rồi vứt thi thể xuống biển.

Do lo sợ bị giết nên Hải, Thông và Tú đã đánh anh Hùng để tự lái tàu chạy vào bờ. Khi anh Hùng dùng điện đàm điện cho các tàu cá khác để nhờ cứu giúp thì bị Thông dùng dao đe dọa rồi cắt đứt dây điện đàm. Ngày hôm sau khi tàu chạy về đến xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu anh Hùng đã trình báo sự việc này cho Đồn biên phòng Phước Tỉnh. 

Vấn đề đặt ra là Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông, Ngô Hồng Quốc Tú đã phạm tội gì và sẽ bị xử lý ra sao? Hành vi của chủ tàu Nguyễn Thanh Hùng có phạm tội hay không? Nếu có thì phạm tội gì?

 Ý kiến bạn đọc :

Chủ tàu đã phạm tội đe dọa giết người

Theo nội dung vụ việc, các anh Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông, Ngô Hồng Quốc Tú đã bị anh Nguyễn Thanh Hùng đe dọa đến tính mạng. Căn cứ quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội Đe dọa giết người thì đe dọa giết người bị coi là tội phạm là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau (qua điện thoại, thư từ…), hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa (như đi tìm công cụ, phương tiện). Do các anh Hải, Tú, Thông nghe thấy anh Hùng nói chuyện đã nhắc đến việc nếu không làm việc sẽ bị đánh chết rồi vứt thi thể xuống biển nên việc các anh này phản ứng lại qua việc đánh anh Hùng để tự lái tàu vào bờ là cách để tự bảo vệ bản thân mình, do đó theo tôi anh Nguyễn Thanh Hùng đã phạm tội đe dọa giết người.
                                              Ngô Nhật Minh (TP Đà Lạt - Lâm Đồng)
Các anh Hải, Tú, Thông không phạm tội

Theo tôi việc thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng không cho các anh Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông, Ngô Hồng Quốc Tú ăn cơm là hành vi làm nhục người khác. Không những vậy trong quá trình làm việc trên biển, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hùng có thể còn đe dọa dùng vũ lực với các những người này để buộc họ phải làm theo ý muốn của mình. Chính bởi những hành vi này đã khiến cho các anh Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông, Ngô Hồng Quốc Tú cảm thấy bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự thậm chí là cả tính mạng của mình.

Điều này buộc họ phải tìm cách để thoát ra khỏi hoàn cảnh đó. Tuy nhiên do tàu lúc này đang đánh bắt ngoài biển nên các anh Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông và Ngô Hồng Quốc Tú không còn có lựa chọn nào khác ngoài việc phải khống chế chủ tàu để lái tàu quay trở lại bờ. Việc làm này là do hoàn cảnh lúc đó buộc phải như vậy nên theo tôi các anh Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông và Ngô Hồng Quốc Tú không phạm tội.
                                            Nguyễn Văn Minh (Hải Châu - Đà Nẵng)
Phạm tội do bị kích động tinh thần

Theo tôi trong trường hợp này các anh Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông và Ngô Hồng Quốc Tú đã phạm tội trong lúc tinh thần bị kích động. Theo điều Điều 105 Bộ luật hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Theo đó, phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra là trường hợp trước khi có hành vi phạm tội, người phạm tội không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức do hành vi trái pháp luật của người người bị hại hoặc khác gây ra.

Trong vụ việc này, khi nghe thấy thuyền trưởng dọa sẽ đánh chết và vứt thi thể xuống biển chắc chắn họ sẽ bị kích động tinh thần và không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường. Đây chính là lý do dẫn tới việc họ đánh chủ tàu để lái tàu trở về bờ. Tôi cho rằng đây là một trong những yếu tố cần phải được lưu ý khi xem xét trách nhiệm hình sự của những người này. Cụ thể, cần phải coi việc bị kích động tinh thần là yếu tố để giảm nhẹ hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Hải, Trần Văn Thông và Ngô Hồng Quốc Tú.
                                                Trần Giang Nam (TP Lào Cai - Lào Cai)

 Bình luận của luật sư :

Tình huống xảy ra trên một con tàu đánh cá giữa thuyền trưởng là anh Hùng cùng 3 người làm thuê là các anh Hải, Thông, Tú. Trong trường hợp này chúng ta cần quan tâm đến quan hệ pháp luật giữa người sử dụng lao động và người lao động trên con tàu cá.

Việc anh Hùng không cho họ ăn cơm, ngay cả khi họ đã nhận lỗi tiếp tục được làm việc chỉ để được ăn cơm có thể được coi đó là hành vi xử sự thiếu nhân đạo với những người đang lệ thuộc mình, hành vi này đã thực hiện nhưng số lần không xảy ra thường xuyên liên tục, hơn nữa chính người bị bỏ đói cũng là người có lỗi nên việc xử lý hành chính anh Hùng với hành vi xử sự lợi dụng quyền hạn để phạt đói người lao động, áp dụng điểm e khoản 1 và khoản 2 điều 10 luật Xử lý vi phạm hành chính là đủ sức răn đe.  

Môi trường làm việc trên tàu là môi trường nặng nhọc nguy hiểm, độc lập luôn đối đầu với rủi do, số lượng người đánh cá trên tàu thì có hạn nhưng không thể chỉ có anh Hùng, Hải, Thông, Tú. Người đứng đầu con tàu là Thuyền trưởng, còn gọi là “ông chủ” là người quyết định toàn bộ về sử dụng lao động, năng suất lao động và hoạt động khác của con tàu đánh cá, đằng sau anh Hùng còn có những con thuyền khác, trong trường hợp anh Hùng gọi điện để Hải, Thông, Tú nghe thấy phải chăng chỉ là biện pháp răn đe quá mức đối với các thuyền viên lười lao động.

Sau khi nghe thấy anh Hùng gọi điện thoại Hải, Tú, Thông có quyền lựa chọn biện pháp đối phó, có thể báo cho những người khác trên tàu biết, nhưng Hải, Tú, Thông lại chọn biện pháp trái pháp luật khi dùng hung khí nguy hiểm đe dọa khống chế anh Hùng. Hải, Tú, Thông đã coi thường những thuyền viên khác khi dùng hung khí khống chế anh Hùng để đạt được mục đích, tương quan về sức mạnh đã thuộc về Hải, Tú, Thông. Do vậy không đủ căn cứ để nói anh Hùng phạm tội đe dọa giết người hoặc giết người.

Đối với 03 anh Hải, Tú, Thông là người làm thuê trên tàu nhưng không chịu làm việc. Ba người này đã có hành vi đánh anh Hùng, dùng dao đe dọa anh Hùng, cắt đứt dây điện đàm là xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của người khác. Nếu thương tích của anh Hùng đủ căn cứ cấu thành tội gây thương tích thì khởi tố theo điều 104 Bộ luật Hình sự.

Theo đó người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
 Còn hành vi cắt dây điện đàm gây thiệt hại đến tài sản và gây hậu quả làm cho cả con tàu không đủ điều kiện ra khơi phải quay về đất liền gây thiệt hại về kinh tế nghiêm trọng thì phải xử lý về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ luật Hình sự.

Căn cứ trên thiệt hại về kinh tế do cơ quan chức năng điều tra làm rõ sẽ có hướng xử phạt cụ thể. Theo đó, tại điều 143 Bộ luật Hình sự về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng .

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
                                                    LS. Bạch Tuyết Hoa  (VPLS Phúc Thọ)