‘Đánh’ mạnh tội phạm, vi phạm lợi dụng mùa dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Liên tiếp các vụ việc, đối tượng kinh doanh, vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí quảng cáo bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc…đã bị lực lượng Công an – Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, xử lý thời gian qua.

Đa dạng chủng loại vi phạm

Theo bộ phận Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 TP. Hà Nội, trong những ngày đầu tháng 9, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng thuốc, trang thiết bị y tế nhập lậu.

Lực lượng Công an - Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, xử lý vụ kinh doanh sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc

Lực lượng Công an - Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, xử lý vụ kinh doanh sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc

Cụ thể, ngày 2-9, Đội QLTT số 13 (Cục QLTT Hà Nội) và Phòng CS Môi trường - CATP Hà Nội phát hiện nghi vấn và kiểm tra 1 xe ô tô đang dừng đỗ tại khu vực Làng quốc tế Thăng Long (quận Cầu Giấy), thu giữ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số thuốc này.

Trước đó, ngày 1-9, Đội QLTT số 6 kiểm tra điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa tại đường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đã phát hiện hàng trăm hộp thuốc điều trị Covid -19 do nước ngoài sản xuất. Quá trình làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số hộp thuốc điều trị Covid-19. Số thuốc điều trị Covid -19 bị tạm giữ gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 10 viên/hộp. Chủ cơ sở khai nhận bản thân… không biết gì về y dược, chủ yếu thu mua các hộp thuộc trôi nổi trên mạng xã hội với giá từ 100.000 đến 1 triệu đồng/hộp tùy loại, sau đó, rao bán lại qua mạng xã hội với giá ít nhất gấp 2 lần.

Cùng thời điểm, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế tại Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, phát hiện, thu giữ 400.000 sản phẩm gồm 11.490 chiếc khẩu trang KN95 nhãn có chữ nước ngoài, 1.130 bộ bảo hộ y tế không nhãn mác không rõ xuất xứ, 3.300 bộ bảo hộ y tế nhãn giấy có chữ sản xuất bởi Công ty CP Đầu tư Thiện Bình, 550 chiếc áo liền quần, 5.500 chiếc bao chân và 347.000 chiếc găng tay cao su đều không rõ xuất xứ. Đáng lưu ý là 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M đã được bảo hộ tại Việt Nam.

“Khẩu trang 3M mã 1860 là một trong những sản phẩm được sử dụng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm Covid-19 như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch. Nếu cơ quan chức năng không phát hiện, bắt giữ kịp thời, số hàng hóa này được đem ra thị trường tiêu thụ, đưa vào trang bị cho lực lượng chức năng trong quá trình chống dịch Covid-19 sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Hoàng Đại Nghĩa - đội trưởng Đội QLTT số 1 nhìn nhận.

Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm

Đại diện lãnh đạo Cục QLTT TP. Hà Nội cho biết, qua thực tế công tác kiểm tra tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả cho thấy, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã nhập lậu các mặt hàng y tế không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để đối phó lực lượng chức năng, các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội để giao dịch, sau đó, tìm những địa điểm đang xây dựng, địa hình đi lại khó khăn, sâu trong các ngõ nhỏ để làm nơi cất giấu hàng hóa.

Đánh giá tình trạng sản xuất, buôn bán vật tư y tế giả, kém chất lượng là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, đại diện Hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội đề nghị phải tăng chế tài cả hành chính lẫn hình sự mới đủ hiệu lực răn đe.

Vị đại diện này dẫn chứng, phân tích: như trường hợp phát hiện gần 500 vỉ thuốc điều trị Covid-19, không hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc xuất xứ, có thể vi phạm tội Buôn lậu, theo điều 188 Bộ Luật Hình sự (BLHS) nếu hàng hóa đó được nhập lậu từ nước ngoài về hoặc tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa, phòng bệnh. Hay đối với trường hợp thu giữ gần 400.000 sản phẩm các loại, trong đó có khẩu trang 3M có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả theo điều 192 BLHS.

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng lợi dụng dịch Covid-19 để buôn bán trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc từ nay đến cuối năm, BCĐ 389 TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng, các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong “cuộc chiến” này, một vấn đề cũng hết sức quan trọng là nhận thức, ý thức của người dân: hãy là người tiêu dùng thông thái khi chọn lựa, mua sản phẩm, thiết bị y tế cho bản thân và gia đình.