"Danh hiệu NSND ngày càng đi xuống, nhiều NSND nhắc đến tên không ai biết"

ANTD.VN - NSND Thanh Hoa cho rằng, danh hiệu NSND ngày càng đi xuống, nhiều Nghệ sĩ nhân dân nhắc đến tên không ai biết. Đây là một trong những ý kiến thẳng thắn được chia sẻ tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu "NSND", "NSƯT", do Bộ VHTT&dL tổ chức sáng 11/11 tại Hà Nội.

Nghệ sĩ nhân dân nhưng không ai biết...là ai!

Theo NSND Thanh Hoa, bà được một lần ngồi trong hội đồng xét duyệt hồ sơ phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT và thấy điều bất hợp lý nhất của quy định chính là việc quy đổi số lượng huy chương như 2 huy chương Bạc thành 1 huy chương Vàng. “Đã Bạc là Bạc chứ, có nấu cả một nồi Bạc vẫn không thể thành Vàng được. Chúng ta nên bỏ tiêu chí tính huy chương Bạc, mà thay vào đó phải là Huy chương Vàng mới được xét tặng NSND”, NSND Thanh Hoa nói.

Còn NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cũng đồng quan điểm với NSND Thanh Hoa khi cho rằng, những lần phong tặng đầu tiên, lần thứ hai, thứ 3, thứ 4, thứ 5 của NSND còn có hiệu quả nhưng những đợt về sau đến nay (lần thứ 9) đã bộc lộ những hạn chế như có nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND nhưng không ai biết họ là ai. Điều này có thể do tiêu chí số lượng huy chương Vàng ở Nghị định 89 đã quá máy móc và không sát thực tế. Nếu tiếp tục duy trì tiêu chí này, nhiều nghệ sĩ sẽ dùng mọi cách để có được huy chương vàng.

"Danh hiệu NSND ngày càng đi xuống, nhiều NSND nhắc đến tên không ai biết" ảnh 1

Hội nghị vừa diễn ra sáng ngày 11-11 tại Hà Nội

Và nếu cứ dựa vào huy chương quá nhiều, giá trị của danh hiệu sẽ hạ xuống. Bên cạnh đó, NSND Lê Tiến Thọ còn đề xuất việc thẩm định các giải thưởng quốc tế cần được làm chặt, không phải cuộc thi nào của quốc tế cũng đều có giá trị nghệ thuật. Nếu không, đây rất dễ là lỗ hổng để không ít các nghệ sĩ “lách luật”.

Danh hiệu phải được trao đúng người

NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Việt Nam lại muốn lãm rõ danh hiệu NSND, NSƯT là như thế nào? Cá nhân ông cho rằng, NSND phải dành cho người xuất chúng, NSƯT là dành cho người xuất sắc. Ông đề cao vai trò của cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật, không thể một chiếc huy chương Vàng của một tiết mục hợp xướng lại được chia đều cho tất cả các nghệ sĩ trong buổi buổi diễn hôm đó. Danh hiệu này dành cho các nghệ sĩ solist.

NSND Ngô Văn Thành không đồng tình việc cộng dồn tiết mục lại NSƯT, cộng dồn năm tháng lại thành NSND. Các nghệ sĩ có năm tháng cống hiến lâu dài cho nghệ thuật nhưng không được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT thì đã có Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội chăm lo, còn danh hiệu thì cần được trao đúng người, đúng việc. Và thời gian trao tặng giữa các lần phong tặng nên kéo dài tới 4 năm, thậm chí 5 năm để mỗi nghệ sĩ cố gắng nhiều hơn, vì sự sáng tạo của nghệ thuật cần có thời gian để thẩm thấu.

"Danh hiệu NSND ngày càng đi xuống, nhiều NSND nhắc đến tên không ai biết" ảnh 2

Đợt phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX-năm 2019

Tuy nhiên, ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại cho rằng, do đặc thù của mỗi ngành nghệ thuật nên việc quy định 5 năm mới có một đợt phong tặng là quá lâu, sẽ làm nhiều nghệ sĩ chịu thiệt thòi. Về quy định Bằng cấp của các nghệ sĩ xét tặng NSND, NSƯT, nhạc sĩ Đức Trịnh đóng góp ý kiến, đối với các nghệ sĩ ở lĩnh vực nghệ thuật dân gian như: chèo, tuồng, cải lương có thể chấp nhận việc không có bằng cấp, bởi đây là những lĩnh vực mang tính cha truyền con nối. Nhưng nghệ sĩ chuyên nghiệp ở các lĩnh vực như ca nhạc, điện ảnh… bắt buộc phải có bằng cấp, ít nhất là Trung cấp trở lên.

Sau hội nghị lấy ý kiến ở Hà Nội, Bộ VHTT&DL sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" tại TP.HCM.