Đánh giá lại hiệu quả, không thừa

ANTĐ - Ba ngày đầu thực hiện cấm tổ chức trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô trên vỉa hè, lòng đường theo Quyết định 796 của UBND TP, lực lượng thực thi nhiệm vụ tại cơ sở vẫn có vô số nỗi niềm canh cánh.

Sát cạnh sự phong quang là những con ngõ chen chúc, bị nhồi phương tiện; giá trông xe máy, ô tô ở những con phố không bị cấm đã bị đẩy lên gấp 5, 6 lần thường ngày, mà còn không có chỗ để gửi. Lo hơn cả, là chế tài và lực lượng duy trì kết quả sự “cấm” trên hơn 200 tuyến phố trong danh mục Quyết định số 796.

Quyết định này được kỳ vọng là một trong những giải pháp nhằm kiềm chế ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Và nó cũng có thể được xem là một trong những quyết định có tính hiệu lực nhanh nhất. Ngày 6-2, văn bản được phát hành. Ngay cả ở những địa bàn trung tâm như quận Hai Bà Trưng, mãi đến chiều thứ sáu, ngày 10- 2, “796” mới “về” đến quận, đến phường. “Dính” đúng hai ngày nghỉ sau đó, đến thứ 2, chính quyền cơ sở mới có thời gian họp, thông báo chủ trương đến các pháp nhân trông giữ xe trong danh mục tuyến phố bị cấm; để rồi 2 ngày sau đó, tất cả răm rắp thực hiện. “Chủ trương của thành phố thì cơ sở phải thực hiện rồi, nhưng gấp gáp quá. Giấp phép kinh doanh- trông giữ vẫn còn hiệu lực; địa điểm mới để trông xe chưa tìm ra; rồi bài toán nhân công- mưu sinh nhờ nghề trông xe… việc trông xe thì dừng, nhưng thực lòng, ngay cả lực lượng thực thi chúng tôi cũng rất cảm thông với các pháp nhân kinh doanh đúng phạm vi “phố cấm”, một cán bộ lãnh đạo cấp phường ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Non tháng trước khi “796” có hiệu lực, Hà Nội triển khai đổi giờ học, giờ làm- cũng là biện pháp nhằm giảm ùn tắc. Sau mấy ngày đầu có vẻ ổn ổn (do người dân vẫn nghỉ tết), “nạn” ùn tắc tái diễn. Và lãnh đạo thành phố lúc đó đã rất cầu thị, tổ chức họp, nghe ý kiến, đề xuất của đại diện các “khối” bị đổi giờ học, giờ làm, từ đó ra quyết định điều chỉnh lại. Chủ trương đổi giờ học, giờ làm chưa thể nhìn được kết quả ra sao, nhưng chỉ riêng sự cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo thành phố, đã là hết sức cần thiết. Tinh thần ấy cũng cần thể hiện trong thực hiện “796”, trong ít nhất sau 1 tuần, hoặc nửa tháng. Xe đạp, xe máy, ô tô của người dân không tự “mất đi”. Chúng chỉ chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, bởi nhu cầu để xe là không thể thiếu, bởi cơ quan chức năng đã cấp phép cho từng ấy xe máy ô tô được lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành. Không ai không đồng thuận với mục đích mà “796” đặt ra; chỉ có điều, biện pháp và kết quả thực hiện ra sao mới là vấn đề.  

Tin cùng chuyên mục