"Đánh ghen" hộ, thuê có thể bị phạt tù chung thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mỹ Hằng (16 tuổi), Đỗ Thị Ngọc My (17 tuổi) về tội Giữ người trái pháp luật và Làm nhục người khác do đánh ghen 1 cô gái 17 tuổi.

Ngoài khởi tố 2 đối tượng trên, cơ quan công an còn truy cứu trách nhiệm hình sự của nam thanh niên quay video vụ việc rồi tung lên mạng về tội Làm nhục người khác.

Theo những hình ảnh trong clip được tung lên mạng xã hội, các đối tượng đã nhốt nạn nhân trong nhà. Họ liên tiếp tát, đánh vào đầu rồi bắt cô gái này quỳ gối xin lỗi. Sau hơn 30 phút, nạn nhân mới được thả về.

Cô gái 17 tuổi bị túm tóc, tát, đánh iên tiếp vào đầu (ảnh cắt từ clip)

Cô gái 17 tuổi bị túm tóc, tát, đánh iên tiếp vào đầu (ảnh cắt từ clip)

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua, không ít vụ “đánh ghen” kinh hoàng đã diễn ra trên phố, giữa chốn đông người. Trong nhiều vụ, các đối tượng đồng loạt ra tay đánh đập, hành hạ, tra tấn nạn nhân khiến những người này chỉ biết chôn chân chịu đòn, bị cắt tóc, xé áo, thậm chí bị cả nhét ớt vào vùng kín. Điều đáng nói, hầu hết những trận đòn thù thừa sống thiếu chết ấy đến từ dịch vụ “đánh ghen” thuê hay “đánh ghen” hộ.

Về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng thực hiện hành vi “đánh ghen”. Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, “đánh ghen” được hiểu là một người dùng lời nói lăng mạ, sỉ nhục, đánh đập, hành hung đối với người mà họ cho rằng có quan hệ tình cảm bất chính với vợ hoặc chồng mình. Thực tế đã có không ít những vụ đánh ghen kinh hoàng xảy ra khiến chính những người trong cuộc ban đầu vốn là nạn nhân tự đẩy mình vướng vào vòng lao lý.

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, khoản 3 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác Điều 134 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, cá nhân thực hiện hành vi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo BLDS 2015, thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm….

Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác. Điều 121 BLHS 2015 quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Nếu hành vi có dấu hiệu cấu thành Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý theo tội danh này với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.