Mai một làng Hoa Tây Tựu (1)

Đánh cược gia sản với hoa Trung Quốc

ANTĐ - Vài năm trở lại đây, người dân Tây Tựu gần như thờ ơ với các loại hoa truyền thống để chuyển sang trồng các loài hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhiều hộ chỉ cần một vụ đã có tiền để cất nhà mới khang trang, nhưng ngay mùa sau có thể trắng tay tức khắc nếu thất bát.

Vụ hoa vừa qua Tây Tựu điêu đứng với hoa loa kèn Trung Quốc vì thời tiết, sâu bệnh

Tâm lý muốn “được ăn cả…”

Thời điểm này, đến làng hoa Tây Tựu - nơi được mệnh danh vựa hoa của Hà Nội - sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi không khí lao động khá trầm lắng. Ngạc nhiên hơn, rất nhiều thửa ruộng trồng hoa cúc, hoa hồng đã qua thời điểm thu hoạch mà chẳng hộ dân nào thèm ngó ngàng. Theo tìm hiểu, dù là 2 loại hàng truyền thống của xã, song do lợi ích kinh tế không cao nên nhiều người dân không còn mấy mặn mà, thậm chí thà để đất hoang chứ không canh tác quanh năm như trước. Bên cạnh đó, giờ là đợt cao điểm các hộ kinh doanh đang lo gom vốn, mua giống, chuẩn bị cho vụ hoa lily mang tính “sống còn”, sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới. Chị Bùi Thị Hiến (thôn Trung, xã Tây Tựu) cho biết: “Nếu chỉ trồng các loại hoa truyền thống bình dân như cúc, hồng, lan… như trước thì chỉ đủ ăn. Vài năm trở lại đây, các hộ trong xã đua nhau chuyển sang trồng hoa lily, hoa loa kèn nhập giống từ Trung Quốc bởi giá thành phẩm cao, thời vụ lại ngắn. Chỉ cần “trúng” một vụ là có vài trăm triệu xây nhà mới, mua xe ô tô”. Quả thật nếu không thường xuyên lui tới, nhiều người khó tránh khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt đến ngỡ ngàng của làng hoa Tây Tựu. Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân tấp nập xây cất nhà mới. Số hộ đã giàu lên nhờ trồng hoa cũng tăng rõ rệt. 

Tuy nhiên, để được đổi đời, các hộ kinh doanh đã phải bỏ ra số vốn khổng lồ và mạo hiểm với chính đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết: “Vào vụ, hộ ít trồng vài ba sào, cá biệt có hộ đầu tư hàng mẫu. Giá nhập giống từ 15-18 nghìn đồng/củ giống, mỗi sào trồng khoảng 6.000-6.500 củ. Trung bình 1 sào Bắc bộ đầu tư cho hoa lily khoảng 100 triệu đồng tiền giống. Chưa kể còn phải đổ chừng đó tiền cho công chăm bón, nuôi người, nuôi hoa suốt hơn 3 tháng mới được thu hoạch”. Còn theo chia sẻ của anh Thìn (thôn Hạ), mùa hoa lily bắt đầu khoảng tháng 9 Âm lịch, sau 100 ngày chăm bón sẽ được thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán. Nhà anh có 3 sào, mỗi vụ đổ tiền đầu tư không dưới 400 triệu đồng. “Nghe lãi trăm triệu cứ tưởng dễ lắm, chứ kỳ thực phải mất ăn mất ngủ với nó. Từ xem hoa phát triển có bị sâu bệnh không, trời có mưa gây ngập úng không, hoa có nở đều không, rồi đến lúc thu hoạch giá hoa cao hay thấp… Chưa kể, suốt hơn 3 tháng nuôi hoa, cả nhà phải cử người thay nhau ra đồng ngủ để trông, kẻo bị trộm đào mất củ giống, hay ngắt hết hoa thì có mà… méo mặt. Thế nhưng, đã lựa chọn trồng thì phải chấp nhận đánh cược”, anh Thìn chia sẻ kinh nghiệm 5 năm trồng hoa lily, hoa loa kèn Trung Quốc.

Kẻ khóc, người cười 

Có một thực tế đáng lo ngại, sự giàu có mà một số hộ dân xã Tây Tựu có được từ các loại hoa giống nhập từ Trung Quốc chỉ mang tính nhất thời, bởi sự thành bại của vụ mùa chủ yếu phụ thuộc các yếu tố khách quan. Cùng một mảnh ruộng, vụ này trúng nhưng vụ sau có thể hoa lại không đậu đúng thời điểm như ý. Như vụ hoa loa kèn hồi tháng 4 vừa rồi, cả xã Tây Tựu gần như mất trắng. “Trời ít mưa, nhiều sương muối, nên những bông loa kèn trong ruộng nhà tôi lốm đốm chấm nâu. Ngay cả số ít hoa nở được mang ra chợ cũng bị người mua buôn chê ỏng chê eo, dù loa kèn năm nay hiếm vì mất mùa”, chị Nguyễn Thị Hiền, hộ trồng 2 sào loa kèn vụ rồi lý giải. 

Tính rủi ro cao khi trồng các loại hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc đã và đang khiến nhiều hộ lao đao. Không ít hộ dân đang từ triệu phú đã trắng tay chỉ sau một vụ mùa. “Bản thân gia đình tôi cũng từng vay mượn tiền để trồng hoa lily, nhưng do thiếu kinh nghiệm, cộng việc thời tiết không ủng hộ nên lỗ nặng. Giờ chẳng dám mạo hiểm nữa, đành an phận quay lại với các loại hoa thu nhập thấp, hoặc chuyển đổi đất sang canh tác rau màu. Tuy lãi ít nhưng an toàn và nếu cần cù chẳng lo thiếu ăn”, bác Lê Văn cùng vợ vừa đưa tay bọc mũ giấy cho 2 sào hoa hồng, vừa chia sẻ: “Bỏ ra cả trăm triệu đồng, coi như đặt cả gia sản vào đó. Nếu thua lỗ chỉ còn cách đi vay mượn mà đầu tư vụ khác, mới mong hoàn vốn. Trồng hoa lily hay hoa loa kèn Trung Quốc cứ như chơi bạc”.

Với những người trồng hoa Tây Tựu, chuyện người dân phải thế chấp “sổ đỏ” để lấy tiền mua giống, trồng hoa Trung Quốc ngày một phổ biến. Chủ tịch UBND xã, ông Lê Văn Việt cho hay: “Đầu tư cho hoa cần huy động vốn lớn hơn các hoa màu khác, nhất là hoa lily, hoa loa kèn Trung Quốc. Ngân hàng chính sách có hỗ trợ nhưng bị giới hạn, như năm 2013 là 1,3 tỷ đồng mà phải xét đối tượng. Số không nằm diện hỗ trợ phải vay ngân hàng, mà đã vay như vậy thì phải tuân thủ các quy định tín dụng, cụ thể ở đây phải có tài sản, “sổ đỏ” thế chấp”. Theo ông Việt, UBND xã chỉ có thể hỗ trợ các thủ tục vay vốn, còn các hộ dân phải cân nhắc và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Theo tìm hiểu, không dưới 30% số hộ dân trồng hoa trong xã thường xuyên vay thế chấp “sổ đỏ”. Ẩn sau dãy nhà cao tầng san sát ngay cạnh làng hoa Tây Tựu, không ít gia đình phải sống cảnh thấp thỏm nỗi lo thua lỗ trước mỗi vụ hoa.

(Còn tiếp)