“Đánh chuột không để vỡ bình”: Nhìn từ một số vụ khởi tố doanh nhân sai phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thời gian qua, một loạt các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản bị khởi tố. Tuy nhiên, lợi dụng vụ việc, một số luồng dư luận đang có dấu hiệu “đánh bùn sang ao”, đưa thông tin “thổi phồng” gây nhiễu loạn thị trường.

Sau khi cơ quan chức năng khởi tố một số cá nhân tại các doanh nghiệp như: Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Louis Holding, Chứng khoán Trí Việt…cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng đã đạt được rất nhiều tín hiệu tích cực. Các vụ án xảy ra ở các doanh nghiệp lớn được đưa ra ánh sáng đã thể hiện công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước được thực hiện quyết liệt, toàn diện, làm từ trên xuống, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Tuy nhiên, lợi dụng các sự việc này, có một số luồng dư luận có biểu hiện “té nước theo mưa” gây nhiễu loạn thông tin, thậm chí có biểu hiện “dìm hàng”, “đẩy” doanh nghiệp có cá nhân bị khởi tố đứng trước nguy cơ “phá sản”.

Những hành vi này đang muốn “đánh đồng” sai phạm của cá nhân với hình ảnh của cả tập thể gây bất ổn với xã hội, doanh nghiệp và người lao động. Biểu hiện của hành vi này là sau khi thông tin người đứng đầu FLC hay Tân Hoàng Minh bị khởi tố đã có những luồng ý kiến đòi “tẩy chay” thương hiệu, “xoá sổ” các dự án doanh nghiệp đã xây dựng, đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Cao hơn, một số luồng ý kiến còn “mạnh miệng” đề xuất phải thanh tra, xử lý hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản khác đang làm ăn chân chính, có những đóng góp thiết thực vào xây dựng hình ảnh quốc gia được Đảng, Nhà nước công nhận. Việc đưa các luồng thông tin thất thiệt, trước mắt đã “đẩy” doanh nghiệp rơi vào tình thế “lao đao”, kéo theo đó là tâm lý hoang mang, bất ổn của hàng nghìn người lao động.

Điều này đòi hỏi, các cơ quan chức năng phải có giải pháp ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra bất cứ hành động nào có thể thúc đẩy hệ lụy xấu hay dẫn đến mất mát, thậm chí đổ vỡ của đơn vị.

Trước hết phải khẳng định rằng, việc khởi tố các cá nhân Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng… không phải là “đánh chìm” cả một thương hiệu.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (khoá XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa”.

Qua lời phát biểu của người đứng đầu Đảng cho thấy: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển đó cũng chính là xây dựng, bảo vệ thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp, doanh nhân có sai thì phải sửa chữa. Việc khởi tố “ông chủ” của các thương hiệu lớn không nằm ngoài mục đích chấn chỉnh, tạo cho các doanh nhân có được “khoảng lặng” nhất định để nhìn lại quá trình xây dựng, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp mình. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể tin tưởng rằng, Đảng, Nhà nước luôn làm hết mình để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm túc hơn.

Ví dụ thiết thực là Chương trình Thương hiệu quốc gia được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương tổ chức trong gần 18 năm qua. Với vai trò, trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực để chương trình đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.

Việc xử lý một vài cá nhân trong thời gian qua cũng là góp phần phá bỏ rào cản để thương hiệu Việt Nam nâng tầm và khẳng định được vị thế trên trường quốc tế.

Thông điệp của các cơ quan quản lý là rất rõ ràng, xử lý vi phạm đúng người, đúng tội, sai ở đâu xử lý ở đó và không gây tổn hại cho doanh nghiệp và làm bất ổn môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận việc bắt một vài “con sâu” mang trên mình thương hiệu lớn vừa qua là việc làm không mong muốn.

Thương hiệu nào của nền kinh tế sụp đổ đều đau xót khi đây là thành quả của cả một tập thể, không chỉ riêng một số người kiến tạo trong một vài năm. Thương hiệu của doanh nghiệp có bền vững thì hình ảnh quốc gia mới khẳng định được vị thế. Việc cá nhân trong doanh nghiệp bị khởi tố là để làm rõ hành vi, cá thể hoá sai phạm, thể hiện việc xử lý vi phạm pháp luật đối với bất cứ ai cũng không thể bị loại trừ, không có vùng cấm. Đó cũng là sự rạch ròi giữa công và tội.

Thương hiệu doanh nghiệp không có lỗi mà lỗi thuộc về từng cá nhân đã làm thương hiệu ấy bị ảnh hưởng. Đằng sau sự thành công của một thương hiệu còn là còn có hàng vạn cán bộ, nhân viên và trong đó, rất nhiều người chính là các doanh nhân, nhà quản lý, người lao động có trình độ, năng lực, quyết tâm xây dựng thương hiệu. Đây cũng là tài sản quý của quốc gia, xã hội.

Một số cá nhân bị bắt, khởi tố gần đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cá nhân, doanh nghiệp có động cơ và động thái trục lợi bất chính, chỉ biết thu vén cho mình mà đi ngược lại “luật chơi chung” của thị trường, Nhà nước.

Nếu nhìn một cách tổng thể thì đó chỉ là những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” xuất hiện trong giai đoạn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp giàu tiềm năng đang nở rộ, phát triển. Điều đó cũng là động lực và cơ hội để các bộ, ban ngành rà soát, khỏa lấp các “khoảng trống” về cơ chế, pháp luật (nếu có) để đảm bảo việc huy động tài chính lành mạnh, bền vững. Nói cách khác, “đánh chuột” nhưng không để “vỡ bình” chính là việc xử lý một vài cá nhân để giữ cho được ổn định, không làm xáo trộn thị trường.

Nhắc đến quan điểm này trong công cuộc phòng chống, tham nhũng của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nêu: "Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”. Không phải cơ quan chức năng xử lý một vài cá nhân sai phạm là xới tung lên, gây mất niềm tin mà để tạo sân chơi bình đẳng, ổn định trên thương trường.

Chúng ta sẽ tự đặt ra câu hỏi rằng, nếu không có chế tài nghiêm minh rồi đây, hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp Việt sẽ ra sao trong tiến trình hội nhập, hay cứ mãi “quẩn quanh” trên sân nhà ? Một vài cá nhân còn khuyết điểm không thể đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp.

Nếu không xử lý nghiêm thì liệu các cá nhân ấy có “tỉnh ngộ” hay cứ trượt dài trên sườn dốc của “lạc đường”. Không thể để một vài “con sâu” làm “hoen ố” cả hình ảnh của cộng đồng doanh nghiệp, cao hơn là hình ảnh quốc gia, dân tộc.

Trong quá trình xây dựng phát triển thương hiệu không phải không có những doanh nghiệp, doanh nhân có những “vấp ngã” khi vướng vào vòng lao lý như “ông chủ” của tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh… Tuy nhiên, một vài “chấm đen”, không thể “phủ định sạch trơn” thành quả của Đảng, Chính phủ cùng các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt.