Đánh chết người vì mâu thuẫn trong bàn nhậu

ANTD.VN - Đỗ Anh T (SN 1987) ghé vào quán để mua món nhậu thì gặp Nguyễn Văn Tr (SN 1986) và một số thanh niên khác đang ngồi uống bia. Do có quen biết với Tr nên T ngồi lại uống với cả nhóm. Trong quá trình ngồi nhậu, T có mâu thuẫn với một người trong nhóm của Tr nhưng được mọi người can ngăn. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Đến khoảng 23h cùng ngày, chủ quán nói cả nhóm đi về để đóng quán. Cả nhóm đứng dậy thanh toán rồi ra ngoài đường đứng chơi. Lúc này Tr đi tới chỗ T và hỏi: “Sao lúc nãy mày hỗn với anh tao?”. Nói xong, Tr vung tay phải đấm vào mặt T. Bị bất ngờ và đau, T ngồi xuống hai tay ôm mặt. Nhóm thanh niên thấy vậy, can ngăn kéo Tr ra. Một lúc sau, T đứng dậy chạy tới chỗ Tr và hỏi: “Sao mày lại đánh tao?” thì Tr lại đấm vào mặt T làm T ngã xuống đường và bỏ đi. Lúc này 2 thanh niên trong nhóm đã lấy xe máy đưa T đi cấp cứu nhưng T đã tử vong. Kết luận giám định pháp y xác định nguyên nhân chết của T là do chấn thương sọ não.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Nguyễn Văn Tr phạm tội Giết người hay tội Cố ý gây thương tích?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội Giết người 

Theo tôi, trong vụ việc này rõ ràng các hành vi của Nguyễn Văn Tr đã có cường độ tấn công mạnh với mức độ tấn công liên tục với anh Đỗ Anh T. Mặc dù đã được can ngăn tới 2 lần, nhưng Tr vẫn cố tình tấn công với mức độ nguy hiểm cao vào mặt, đầu của T. Đó là những vị trí xung yếu trên cơ thể con người có thể gây nguy cơ tử vong. Ở đây, cho dù có thể Tr không có mục đích giết người, nhưng việc dùng chân tay tấn công vào các vị trí hiểm yếu (đầu, mặt), trong hoàn cảnh gây nguy hiểm cao và có ý thức để mặc hậu quả xảy ra (sau khi đánh T xong Tr bỏ đi) thì theo tôi hành vi của T đã đủ căn cứ để cấu thành tội Giết người.

Nguyễn Hoàng Anh (Ứng Hòa - Hà Nội)

Phạm tội Cố ý gây thương tích

Theo tôi, trong vụ việc này cần phải căn cứ vào ý chí chủ quan của người phạm tội. Đối với tội Giết người, người phạm tội cố ý với hành vi giết người và gây hậu quả chết người. Còn đối với tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người phạm tội cố ý với hành vi gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe nhưng lại vô ý với hậu quả chết người. Trong trường hợp này, mâu thuẫn của Nguyễn Văn Tr với Đỗ Anh T xuất phát từ mâu thuẫn trong bàn nhậu. Xét trường hợp nếu Tr muốn tước đoạt tính mạng của T thì có thể thực hiện ngay từ lúc nảy sinh bực tức trên bàn nhậu. Vì hành động cố ý gây thương tích và hành động cố ý tước đoạt tính mạng khác nhau về tính chất, mức độ, hơn nữa, hành vi của Tr đã có sự gián đoạn vì bị ngăn cản nên theo tôi cái chết của T không phải là ý muốn chủ quan của Tr. Nếu như thực sự muốn tước đoạt tính mạng của T, Tr đã không có sự dừng lại giữa chừng mà phải thực hiện đến cùng dù bị ngăn cản.

Bùi Thị Thơm (Bảo Thắng - Lào Cai)

Phạm tội đến cùng

Tôi cho rằng, trong vụ việc này ý thức chủ quan của Nguyễn Văn Tr dù không thể hiện rõ bằng lời nói có ý định tước đoạt tính mạng của Đỗ Anh T nhưng mức độ tấn công của Tr là liên tục. Hơn nữa, tuy Tr đánh T bằng tay, chân nhưng lại nhằm vào những chỗ nguy hiểm là vùng đầu, mặt của T. Sau khi T ngã xuống đường, Tr đã không ở lại để xem xét hậu quả hành động của mình mà đã bỏ đi. Do đó theo tôi, Tr phạm tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đỗ Anh Phương (Ý Yên - Nam Định)

Bình luận của luật sư

Theo chúng tôi, khi xác định tội danh Giết người hay Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, cần cân nhắc việc căn cứ vào hành vi phạm tội (tác động vào những vị trí trọng yếu của cơ thể; tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) và căn cứ vào ý chí chủ quan của người phạm tội (người phạm tội có ý định tước đoạt tính mạng của người khác hay không, hay chỉ mong muốn gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác) cũng như mối quan hệ duy vật biện chứng giữa ý chí và hành vi, giữa hành vi và hậu quả, để xác định tội danh có tính thuyết phục nhất. 

Trong trường hợp phạm tội Giết người, người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra, hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc hậu quả đó xảy ra. Sự hình thành ý thức của người có hành vi giết người có thể được biểu hiện trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người tất yếu xảy ra và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

Hoặc trước khi có hành vi nguy hiểm đến tính mạng người khác, người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra vì người phạm tội chưa tin vào hành vi của mình nhất định sẽ gây ra hậu quả chết người. Bản thân người phạm tội cũng rất mong muốn cho hậu quả xảy ra, nhưng họ lại không tin một cách chắc chắn rằng hậu quả ắt xảy ra. Hoặc trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm đến tính mạng của người khác, người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hậu quả xảy ra người phạm tội cũng chấp nhận.

Trong trường hợp phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người xảy ra. Nghĩa là họ thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được, hoặc họ không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Đây là trường hợp người phạm tội chỉ cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân, nhưng chẳng may nạn nhân bị chết, cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của người phạm tội. Hậu quả chết người xảy ra là vì những thương tích do hành vi của người phạm tội gây ra.

Về mục đích của người phạm tội: Mục đích là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của người phạm tội, là kết quả mà người phạm tội mong muốn có được khi thực hiện hành vi của mình. Trong trường hợp người thực hiện hành vi có mục đích rõ ràng là tước đoạt tính mạng con người thì họ phạm tội Giết người. Trong trường hợp phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người thực hiện hành vi không có mục đích tước đoạt tính mạng của người khác mà chỉ có mục đích làm người khác bị thương, bị tổn hại về sức khỏe.

Trở lại nội dung vụ việc, có thế thấy Nguyễn Văn Tr không dùng hung khí mà thực hiện các hành vi như đấm vào mặt, đạp vào đầu, đá vào mặt là những hành vi tương tự như với hành vi cố ý gây thương tích. Hơn nữa, trong lúc xảy ra xô xát thì T và Tr đã có đôi co xoay quanh vấn đề mâu thuẫn trong cuộc nhậu. Như vậy, Tr chỉ muốn dằn mặt, cảnh cáo T chứ không hề muốn tước đoạt tính mạng của T. Mức độ tấn công, cường độ tấn công của Tr không liên tục vì nếu muốn tước đoạt tính mạng của T thì có thể thực hiện ngay từ lúc nảy sinh mâu thuẫn.

Mặc khác, hành vi của Tr có sự gián đoạn, vì khi bị ngăn cản Tr đã có sự chấp thuận can ngăn. Nếu như thực sự muốn tước đoạt tính mạng của T, Tr đã không có sự dừng lại giữa chừng mà phải thực hiện đến cùng dù bị ngăn cản. Về mặt nhận thức, khi thực hiện hành vi phạm tội, Tr tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho T, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được. Hoặc Tr có thể không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra cái chết cho T, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Thể hiện ở việc Tr chỉ dùng chân và tay đá, đánh vào đầu và mặt của T mà không dùng hung khí, cường độ tấn công không quyết liệt, lý do Tr đánh T vì cho rằng T đã hỗn với bạn của mình trong bàn nhậu. Lúc đó Tr chỉ muốn đánh dằn mặt T chứ không muốn tước đoạt tính mạng của T. T chết là ngoài ý muốn của Tr.

Như vậy chúng tôi cho rằng trong vụ việc này Nguyễn Văn Tr chỉ phạm tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo Khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Phạm Thái Sơn Văn phòng luật sư Sơn Phạm