Đánh chết “cẩu tặc”: Vi phạm luật nghiêm trọng

ANTĐ - Đáp trả điều xấu bằng một điều xấu hơn, đáp trả một hành vi vi phạm pháp luật bằng hành động phạm pháp nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến án mạng là thực tế từ những vụ trộm chó, đánh chết “cẩu tặc” xảy ra gần đây.
Đánh chết “cẩu tặc”: Vi phạm luật nghiêm trọng ảnh 1
Hành xử thiếu tỉnh táo, quá khích dễ dẫn tới hậu quả pháp lý đối với người đánh chết kẻ trộm chó
(Ảnh minh họa)

Mạng chó đổi mạng người

Gần đây, hàng loạt vụ trộm chó xảy ra ở nhiều nơi khiến người dân vô cùng bức xúc. Đã có không ít đối tượng bị bắt và xử lý trước pháp luật, nhưng nhiều vụ việc khi người dân bắt được “cẩu tặc”, vì bức xúc đã gây nên những vụ án mạng đau lòng. Rạng sáng 10-6, một số người dân xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đi tập thể dục phát hiện 2 nam thanh niên đi xe máy bắt trộm chó trên địa bàn. Ngay sau đó hàng trăm người dân đã mang theo gậy gộc, dao đổ ra đường truy bắt, đánh rồi đốt xe máy của “cẩu tặc”.

Thậm chí khi lực lượng CAX Tân Thành đến bảo vệ hiện trường và đưa 2 đối tượng này đi cấp cứu, người dân còn bủa vây, tháo hơi lốp ô-tô, không cho đưa ra khỏi làng. Sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng khi người dân ở các làng khác nghe tin cũng kéo đến đòi “xử”. Sau nhiều giờ vận động, lực lượng chức năng mới giải cứu được 2 “cẩu tặc”. Tuy nhiên, một đối tượng đã chết khi chuyển đến bệnh viện.

Mới đây, sáng 26-5, người dân ở xã Tái Sơn - Tứ Kỳ ( Hải Dương) phát hiện 2 người đàn ông câu trộm chó đã hô hoán, quyết truy bắt tới cùng. Sau khi người dân đuổi kịp, do quá bức xúc nên họ đã lao vào đánh khiến một người tử vong ngay tại chỗ. Còn người kia nhảy xuống sông định chạy trốn nhưng không thoát và đã bị người dân đánh bất tỉnh. Mặc dù đã xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng nhưng tình trạng bắt trộm chó vẫn liên tiếp xảy ra. 

Anh Nguyễn Hoàng Anh, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm chia sẻ, trộm chó là hành vi sai trái, đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị pháp luật xử lý. Nhưng vì bức xúc mà người dân xông vào đánh hội đồng, gây ra án mạng thì thật nhẫn tâm. Mặc dù chó là vật nuôi gần gũi với con người, có sự gắn kết nhất định về mặt tình cảm với người nuôi nhưng liệu có công bằng khi vì mạng một con chó mà đổi lấy mạng sống của một con người.

Cần có mức xử phạt nghiêm khắc hơn

Thời gian qua, nhiều vụ trộm chó, rồi người dân đánh chết kẻ trộm chó xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc cơ quan chức năng thường xem chuyện trộm chó là vi phạm không lớn, chưa đến mức xử lý hình sự nên vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc người dân đánh chết người trộm chó cũng không được điều tra làm rõ, truy cứu trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân mà thường bị bỏ lửng. Từ đó, nhiều người dân vẫn chưa ý thức được việc làm trên là hành vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì tùy mức độ sai phạm, nhân thân của đối tượng mà có cơ quan chức năng sẽ đưa ra mức xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo điều 138 BLHS, trường hợp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng nếu người trộm chó từng bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc từng bị xét xử về tội trộm cắp thì vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Vì thế, đối với những đối tượng có tiền án về tội trộm cắp, từng bị xử lý vi phạm hành chính vì trộm cắp thì cơ quan công an cần lập hồ sơ xử lý hình sự về tội trộm cắp đối với các đối tượng này. Những người chưa bị xử lý hình sự thì cần phải áp dụng mức xử phạt hành chính nghiêm khắc, lưu hồ sơ xử phạt để làm căn cứ chuyển xử lý hình sự nếu tái phạm. 

Còn khi người dân đang dắt chó đi dạo, đi vệ sinh mà bị đối tượng trộm chó chạy xe máy ngang qua cướp giật con chó ngay trên tay chủ (tình huống này thường gặp ở các đô thị) rồi bỏ chạy thì có thể truy cứu đối tượng này vào tội “cướp tài sản” theo điều 133 BLHS. Khi đối tượng trộm chó dùng hành vi cướp giật con chó, có tổ chức, chuyên nghiệp, hành hung để tẩu thoát, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác thì có thể bị xử lý hình sự vào tội “cướp giật tài sản” theo điều 136 BLHS.

Luật sư Nguyễn Thị Thu còn cho rằng, luật pháp cần xem xét lại quan hệ giữa chó và người, bởi chó là vật nuôi trung thành và là người bạn tốt, bảo vệ tính mạng tài sản cho con người nên nó xứng đáng được pháp luật bảo vệ. Ngay chính ngành cảnh sát và quân đội cũng sử dụng chó như là một thành viên trong lực lượng cảnh khuyển. Điều đó cho thấy sự đóng góp thiết thực của con vật này trong đời sống con người.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền để các lò mổ chó có ý thức không mua chó bị đánh bả, bị trộm, việc mua chó bị trộm cũng là hành động tiếp tay cho các đối tượng trộm chó lộng hành. Hành vi của các chủ lò mổ chuyên mua lại chó do trộm cắp, đánh bả có dấu hiệu của tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Do vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra tại các lò mổ, phát hiện băng nhóm trộm chó có tổ chức để xử lý nghiêm để làm gương, góp phần hạn chế những vụ trộm chó, hoặc án mạng thương tâm có thể xảy ra.