Đánh bại chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận"

ANTĐ -Từ giữa năm 1961, Mỹ-ngụy bắt đầu lập các “ấp chiến lược” và ráo riết gom dân vào ấp. Để khai thác ưu thế của lực lượng, phương tiện kỹ thuật mới trên chiến trường, địch tích cực dùng trực thăng và xe bọc thép áp dụng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, “bủa lưới phóng lao”, “bao vây hợp điểm” nhằm tìm diệt lực lượng Quân giải phóng.

Ban đầu khi địch mới áp dụng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, tình hình trên chiến trường khá căng thẳng. Ngày 7-9-1962, tại căn cứ Mỹ Hạnh Đông, Thường vụ Trung ương Cục đã họp với Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho để bàn về việc chống càn và phá "ấp chiến lược". Hội nghị thảo luận và đi đến quyết nghị: “Lực lượng vũ trang tập trung phải tấn công ra vùng ngoài, kết hợp với cơ sở bên trong phá ấp chiến lược, phải “đứng lại đánh càn”, “không tránh né càn”. Phải chuẩn bị sẵn sàng trận địa công sự vững chắc, có thế xã, ấp chiến đấu và thế ba mũi giáp công của các lực lượng”.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo ấy, ngay trong tháng 9-1962, Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 phối hợp với bộ đội địa phương Châu Thành và du kích các xã nam lộ 4 đã phá thành công ấp chiến lược và thực hiện hai trận chống càn thắng lợi, làm cho địch thiệt hại nặng 2 đại đội bảo an thuộc Chi khu Long Định. Lực lượng ta cũng đánh tan một tiểu đoàn của Sư đoàn 7 ngụy khi chúng đổ quân bằng trực thăng bao vây quân ta. Tiếp đó, ngày 5-10-1962, địch phát hiện Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 của ta đóng tại Cầu Vông, xã Mỹ Hạnh Đông. Chúng cho hai trực thăng vũ trang bắn dọn bãi và dùng trực thăng đổ xuống 1 đại đội biệt động quân. Do chuẩn bị sẵn, Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 đã anh dũng đánh trả, bắn rơi 3 trực thăng, diệt gần hết đại đội biệt động của địch... Từ những trận đánh trên, ta đã rút ra nhận xét quan trọng là: “Bộ đội tập trung dám đứng lại, có chuẩn bị sẵn thế trận, có công sự kín đáo thì hoàn toàn có khả năng chống càn thắng lợi”. 

Trực thăng địch đổ quân xuống Ấp Bắc năm 1965. Ảnh tư liệu. 

Từ diễn biến trên chiến trường, tháng 11-1962, Hội nghị cán bộ Khu 8 đã kịp thời họp bàn cách đánh càn và phá ấp chiến lược. Hội nghị đã triển khai ngay ba việc lớn: Một là, phải củng cố mũi tấn công chính trị, binh vận và mũi vũ trang tại chỗ. Hai là, các lực lượng vũ trang tập trung, hành quân ban đêm đến nơi trú quân phải chủ động tạo trận địa phục kích, chủ động đánh càn quét bằng hệ thống hầm hào, công sự kiên cố nhiều tuyến, tạo sẵn trận địa công sự phòng ngự ở nhiều vùng.

Các đơn vị vũ trang gấp rút xây dựng, bồi dưỡng, huấn luyện kỹ thuật tác chiến mới để với trang bị hiện có, có thể đánh bại được những phương tiện kỹ thuật hiện đại và chiến thuật của địch, kiên quyết giữ vững trận địa cho đến khi trời tối. Sau đó, chờ đến tối chuyển đến trận địa mới, tiếp tục chiến đấu. Ba là, lực lượng vũ trang phải luôn luôn được đặt trong thế chiến đấu chung của ba mũi kết hợp, phối hợp một cách nhịp nhàng vừa trên diện rộng, vừa ở ngay trong khu vực trận đánh. Bên cạnh đó, hội nghị còn đề ra một số biện pháp, kế hoạch cụ thể cần làm ngay nhằm chuẩn bị chu đáo về con người, cơ sở vật chất cho chiến đấu thắng lợi.

Sau hội nghị, trong toàn Khu 8, một khí thế và thế trận mới đã được chuẩn bị. Trận Ấp Bắc chính là nơi đọ mưu, đọ sức của cả ta và địch. Về phía ta, lực lượng gồm tiểu đoàn ghép, gồm: 1 đại đội chủ lực Khu, 1 đại đội địa phương tỉnh (ghép lại để đủ sức phòng ngự vòng tròn trong chống càn và bổ sung kinh nghiệm cho nhau trong công đồn, phá ấp chiến lược) phối hợp với 1 trung đội địa phương huyện và du kích xã nơi đóng quân, cùng với các lực lượng tấn công tổng hợp: Quân sự, chính trị, binh vận trên phạm vi rộng đã được chuẩn bị từ trước. Về phía địch, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã sử dụng một lực lượng áp đảo gồm 6 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn thiết giáp M113, 13 tàu xuồng vũ trang, 33 máy bay gồm trực thăng đổ quân, trực thăng chiến đấu, khu trục, vận tải, trinh sát, 3 cụm với 10 khẩu pháo, cối các loại. Ngày 2-1-1963, sau một ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt và làm bị thương 450 tên, có 11 cố vấn Mỹ, 16 trực thăng bị bắn rơi, bắn hỏng, 3 M113 bị bắn cháy, 2 tàu bị bắn hỏng và chìm.

Với chiến thắng này, lần đầu tiên bộ đội đã trụ lại được cả ngày để chiến đấu với một lực lượng địch áp đảo cả về quân số, hỏa lực, cùng phương tiện kỹ thuật hiện đại. Chiến thắng Ấp Bắc đã khởi đầu cho sự phá sản của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” - được coi là các hình thức chiến thuật “át chủ bài” của Mỹ-ngụy trong “chiến tranh đặc biệt”. Trận Ấp Bắc cũng chứng tỏ, ta hoàn toàn có thể chế ngự được các hình thức chiến thuật với các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ bằng các loại vũ khí thông thường. Trận Ấp Bắc cũng đánh dấu bước tiến mới về trình độ tổ chức chỉ huy, tổ chức hiệp đồng, khả năng xử trí tình huống linh hoạt, kịp thời và vận dụng chiến thuật của bộ đội ta...