Đằng sau tuyến đường sắt đô thị của Pakistan từ vốn vay Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tuyến đường sắt đô thị Orange Line ở Lahore (thành phố lớn thứ hai của Pakistan) vừa đi vào hoạt động, được thiết kế để chở gần 1/4 triệu người/ngày. Giới phê bình cho rằng, cái chết của nhiều công nhân khi thi công không an toàn và khoản nợ khổng lồ là cái giá phải trả khi công trình đi vào hoạt động.

Trong lúc thế giới xảy ra đại dịch Covid-19, mọi người đều tránh các hệ thống giao thông công cộng càng nhiều càng tốt. Nhưng hôm 25-10 vừa qua, thành phố Lahore đã ra mắt “món quà từ Trung Quốc” - hệ thống vận chuyển đường sắt hạng nhẹ trị giá 1,6 tỷ USD. Tuyến đường sắt này có 22 tàu, chạy qua 19 trạm và hoạt động từ 7h30 đến 20h30 hàng ngày.

Công trình tỷ đô

Trong ngày đầu tiên Orange Line đi vào hoạt động, khoảng 50.000 hành khách đeo khẩu trang đã bước lên những đoàn tàu có điều hòa, trang trí rực rỡ bằng cờ Trung Quốc và Pakistan. Bà Tayyaba Urooj (45 tuổi) đã đưa 9 người thân của mình từ Karachi đi cùng. “Tuyến đường sắt vừa mới khai trương, chúng tôi muốn nó hoàn hảo và giúp Pakistan phát triển. Tôi hơi lo lắng vì quá đông người, nhưng ở Pakistan thì lúc nào cũng như vậy” - bà Urooj nói trong toa xe chật kín.

Ông Badar Shahzad (49 tuổi) cảm thấy vui mừng về sự kiện này. “Càng nhiều người sử dụng tàu điện, nó sẽ càng có lợi cho đất nước chúng tôi. 90% người lên tàu thậm chí không biết sẽ xuống ở đâu. Họ đơn giản chỉ muốn được trải nghiệm xem thế nào” - người đàn ông này nói. Tại điểm dừng cuối cùng tại nhà ga Dera Gujran, hành khách dường như không quan tâm đến vấn đề kinh tế.

Đối với tầng lớp lao động Pakistan, tuyến đường sắt này đánh dấu buổi bình minh của việc đi lại thoải mái trong một thành phố với những tòa nhà đổ nát và đường sá thì hư hại quá nhiều. “Tôi đang tận hưởng tốc độ của con tàu, nó hiệu quả hơn nhiều so với xe buýt” - hành khách Abbas Ali (36 tuổi) nói. Tuyến đường sắt này cũng mang lại lợi ích cho gần 3.700 công nhân Pakistan được thuê vận hành. “Tôi rất hạnh phúc, tôi có cơ hội làm việc và công chúng có cách di chuyển tốt hơn trong thành phố” - Mukhtar Ali (35 tuổi), người đã được đào tạo vận hành đường sắt tại Bắc Kinh cho hay.

Sáng kiến “Vành đai và con đường” được Trung Quốc đưa ra năm 2013, nhằm kết nối Đông Nam Á, Trung Á, vùng Vịnh, châu Phi và châu Âu bằng một mạng lưới đường bộ và đường biển. Đây được coi là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng ra nước ngoài với các dự án cơ sở hạ tầng do nước này đầu tư trên toàn thế giới.

Với chiều dài 27km, đây là một trong những dự án đường sắt đô thị lớn nhất theo sáng kiến “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nó giúp rút ngắn quãng đường xuyên Lahore vốn kéo dài 2,5 tiếng đồng hồ xuống còn dưới 1 giờ. Dự án được kỳ vọng sẽ giảm tắc nghẽn, giảm ô nhiễm và giúp cho người dân đi vòng quanh thành phố bằng phương tiện công cộng rẻ hơn. Được tài trợ bởi Chính phủ Pakistan từ khoản vay 1,6 tỷ USD từ Ngân hàng Exim của Trung Quốc, đoàn tàu được vận hành bởi Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc và Norinco International (một trong những nhà thầu kỹ thuật lớn nhất Trung Quốc). Bên cạnh đó, Tập đoàn Metro Quảng Châu và Daewoo Pakistan cũng tham gia vào dự án.

Ông Kiran Dar - một chính trị gia Pakistan cho biết: “Nhóm hành khách được hưởng lợi trước tiên là phụ nữ, bởi họ thường không có phương tiện riêng”. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ Pakistan thường sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn nam giới, do họ không có khả năng tiếp cận các phương tiện khác như xe máy, hình thức giao thông phổ biến nhất của Lahore.

Tuyến đường sắt đô thị thị Orange Line giảm được một nửa thời gian đi lại của người dân thành phố Lahore

Tuyến đường sắt đô thị thị Orange Line giảm được một nửa thời gian đi lại của người dân thành phố Lahore

Bê bối trong xây dựng

Đây chỉ là một trong nhiều dự án đường sắt và tàu điện đô thị mà Trung Quốc tham gia xây dựng trên toàn cầu, như ở Indonesia, Lào, Serbia, Malaysia và Nga. Tuy nhiên, dự án Orange Line từ khi khởi công đã gặp nhiều vấn đề, từ những cáo buộc nó gây nguy hiểm cho các khu di sản của Lahore (được UNESCO công nhận) đến những kiến nghị quanh việc chính phủ phá dỡ các khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp dọc theo tuyến đường. Đáng chú ý, trong quá trình thi công tuyến Orange Line, 50 công nhân đã tử nạn, làm nổi lên lỗ hổng trong lĩnh vực xây dựng ở nước này, cụ thể là mô hình dựa vào lao động hợp đồng phụ tạo nên sự bấp bênh trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn, cũng như việc thực thi pháp luật liên quan còn yếu kém.

Cụ thể, vào tháng 1-2017, vụ hỏa hoạn tại một khu nhà tạm trú dành cho công nhân của Orange Line đã khiến 7 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương. Chưa hết, hàng loạt sự cố kinh hoàng khác xảy ra trong quá trình xây dựng, từ việc công nhân bị điện giật khi cần cẩu va vào dây cáp điện đến những bức tường bị sập vùi lấp công nhân trong giờ nghỉ. Vào tháng 7-2016, sau cái chết của một công nhân, một số công nhân khác của Orange Line cho rằng công việc này quá nguy hiểm và mở cuộc đình công. Họ cho rằng chính phủ đang ưu tiên tốc độ của dự án hơn tính mạng của người lao động.

Những người đấu tranh vì quyền lợi của người lao động nói rằng, phần lớn các vụ việc xảy ra do người lao động không trực tiếp làm việc với chính phủ hoặc các nhà thầu Trung Quốc. Trên thực tế, họ được một mạng lưới phức tạp các nhà thầu phụ Pakistan đưa công nhân từ Nam Punjab vào với mức lương thấp và ít được bảo vệ về sức khỏe cũng như an toàn lao động. Ông Khalid Mahmood - Giám đốc Tổ chức Giáo dục lao động (có trụ sở tại Lahore) từng đến thăm các công nhân sau vụ hỏa hoạn năm 2017 và phát hiện ra rằng, các công nhân không hề được ký hợp đồng.

Ông cho biết: “Người của công đoàn không thể vào bên trong địa điểm làm việc. Không ai được phép gặp những công nhân này. Họ bị cấm đoán trong các khu riêng biệt và điều kiện sống thật khốn khổ”. Ông Mahmood cũng chỉ ra rằng, luật pháp Pakistan dù bảo vệ quyền lợi người lao động, nhưng chính người lao động lại không hề được biết. Dù nỗ lực, nhưng ông không thể giúp các công nhân có được hợp đồng lao động tại các công trường xây dựng vì bị các công ty từ chối hợp tác. “Không có sự minh bạch. Không ai biết chuyện gì đang xảy ra” - vị chuyên gia này nói.

Trong khi đó, ông Sohail Janjua - người phát ngôn của Cơ quan phát triển Lahore (đơn vị đứng sau dự án Orange Line) cho biết: “Về mặt luật pháp, việc thực thi luật lao động là trách nhiệm của các nhà thầu”. Ngoài các vấn đề liên quan đến người lao động, Orange Line đã bị chỉ trích vì chi phí “khủng”. Các thành viên của chính phủ cầm quyền gọi đó là gánh nặng cho kho bạc nhà nước. Tuyến đường sắt này dự kiến sẽ tiêu tốn 5 tỷ rupee tiền trợ cấp duy trì hoạt động mỗi năm.

Trước khi trở thành Thủ tướng Pakistan, ông Imran Khan đã chỉ trích chính phủ tiền nhiệm vì đã đầu tư vào tuyến Orange Line thay vì bệnh viện hay máy thở, cũng như lên án quá trình xây dựng dự án không đảm bảo vệ sinh môi trường và bảo vệ các khu di sản trọng điểm. Vào năm 2018, ông Imran Khan đã chỉ ra rằng, các chi tiết tài chính mờ mịt của các dự án tương tự như Orange Line là ví dụ điển hình của nạn tham nhũng, đồng thời xúc tiến thành lập ủy ban điều tra về điều khoản hợp đồng, mức độ minh bạch về chi phí liên quan.

Bất chấp những bê bối đó, trong những năm gần đây, Pakistan vẫn mạnh tay vay nợ Trung Quốc hơn 60 tỷ USD để tài trợ cho các dự án phát triển có giá trị lớn, cải thiện cơ sở hạ tầng cũ nát và mạng lưới giao thông yếu kém. Nợ nước ngoài của Pakistan hiện lên tới 45% GDP và giới quan sát cho rằng, những khoản nợ từ Trung Quốc sẽ đẩy đất nước này vào vũng lầy nợ nần tài chính.